Ở ấp 5, xã Lạc Tấn (huyện Tân Trụ) có HTX Rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên hoạt động hiệu quả với mô hình sản xuất rau an toàn. Mỗi ngày, HTX cung cấp từ 1-1,5 tấn rau, củ, quả các loại ở các điểm bán tại các huyện.
Vươn lên từ vườn rau Lạc Tấn
HTX này có 23 thành viên với diện tích sản xuất trên 5,1ha. Sản phẩm của HTX chủ yếu là các loại rau ăn lá, rau gia vị và bầu, bí, mướp, dưa leo,...Trước khi bán ra thị trường, rau được HTX thu mẫu giám sát, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng HTX trồng rau sạch giúp nông dân xã Lạc Tấn có cuộc sống khấm khá. |
HTX Rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên có 5 điểm bán rau an toàn có mặt ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười và trên địa bàn huyện Tân Trụ. Đây là đầu mối tiêu thụ cố định những sản phẩm rau của HTX. Ngoài ra, HTX còn liên kết với Trường Mầm non Kiến Tường để tiêu thụ sản phẩm. HTX đang cố gắng mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm rau sạch đến các bếp ăn tập thể.
Một thành viên HTX là chị Nguyễn Thị Châu, cho biết trong quá trình sản xuất, các thành viên luôn tuân thủ những nguyên tắc HTX đề ra nên sản phẩm rau hữu cơ của HTX được người tiêu dùng an tâm lựa chọn. Vì vậy, số lượng rau tiêu thụ nhanh, sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên có lãi gần 10 triệu đồng/tháng.
Sự phát triển hiệu quả của HTX trồng rau sạch đã góp phần giúp cho Lạc Tấn trở thành địa phương đi đầu trong chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng rau sạch trên địa bàn huyện Tân Trụ.
Đến nay, nông dân trên địa bàn xã Lạc Tấn đã chuyển đổi thành công hàng chục ha trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau VietGAP, hữu cơ. Điều này vừa góp phần giúp nông dân có cuộc sống ngày càng khấm khá, vừa giúp cho Lạc Tấn ngày càng vươn lên trong xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2023 này, xã Lạc Tấn đã được huyện Tân Trụ chọn làm xã điểm để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Huyện cũng đang tập trung nguồn lực hỗ trợ xã thực hiện hiệu quả chương trình này nhằm nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay.
Thúc đẩy kinh tế hợp tác hiệu quả hơn nữa
Bên cạnh xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ sau khi được công nhận là huyện nông thôn mới hồi năm 2022 cũng đang đặt mục tiêu tiến lên nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới. Đến với vùng quê này, sẽ thấy ngày càng có những đổi thay ngoạn mục. Hình ảnh những con đường nông thôn rợp bóng cây xanh và hoa nằm đan xen bên những ngôi nhà khang trang, kiên cố đã nói lên sự ấm no, đủ đầy của người dân nơi đây.
Người trồng thanh long ở huyện Tân Trụ tham gia vào HTX giúp giảm thiểu rủi ro, ổn định được đầu ra. |
Huyện Tân Trụ phấn đấu đến năm 2025 có 5 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu và sẽ đạt huyện đạt nông thôn mới nâng cao. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, an toàn, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện là phối hợp với các xã thúc đẩy hoạt động kinh tế hợp tác hiệu quả hơn nữa. Đến nay, các xã trong huyện Tân Trụ đang đẩy mạnh cho việc này. Đơn cử như ở xã Đức Tân Tập đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hoạt động kinh tế theo hướng kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thành viên. Nhờ đó mà thu nhập bình quân đầu người của xã tăng dần từng năm.
Cách đây vài tháng ở xã Đức Tân đã thành lập HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp vận tải Phát Sang với mục tiêu để hợp tác, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường bộ, kinh doanh kho bãi, buôn bán phân bón, bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, trồng cây cảnh lâu năm, buôn bán rau, quả.
HTX này đang hướng đến xây dựng một đội xe hợp đồng chất lượng cao phục vụ tham quan, du lịch tại địa phương, trên địa bàn tỉnh Long An và các địa phương khác. Đồng thời góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng xã Đức Tân thành xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Ngoài HTX nêu trên, ở xã Đức Tân còn có HTX Thanh long Đức Tân đã hoạt động 4 năm nay, vượt qua không ít thách thức và vẫn đang hoạt động hiệu quả. HTX này giúp cho bà con địa phương liên kết tiêu thụ thanh long và cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cũng như hướng dẫn nông dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX còn có các dịch vụ cung ứng bóng đèn, dây điện, trụ trồng thanh long, rơm ủ gốc thanh long; cung ứng lao động chuyên thu hoạch, chăm sóc, tỉa trái, bón phân, phun thuốc;…
Tập trung thực hiện tiêu chí khó
Hoặc như xã Nhựt Ninh là xã vùng sâu của huyện Tân Trụ, trước đây gặp nhiều khó khăn, nhưng giờ đây đã “khoác” lên mình “màu áo mới”, nhờ xây dựng nông thôn mới mà đời sống người dân xã ngày càng được nâng lên. Từ đó, chính quyền và người dân trong xã tiếp tục nỗ lực, từng bước hoàn thiện tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Mục tiêu trọng tâm mà huyện Tân Trụ đang hướng đến là đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. |
Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới từ cách đây 2 năm thì xã Nhựt Ninh đã và đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ngoài việc tập trung đầu tư hạ tầng, chính quyền xã còn tuyên truyền người dân trong xã tham gia phát triển kinh tế hợp tác, mạnh dạn đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, nhờ đó nên đời sống ngày càng cải thiện, thu nhập nâng lên. Trong xã hiện có 1 HTX, 1 tổ liên kết nuôi thủy sản gồm 21 thành viên và 6 tổ hợp tác.
Trong đó phải kể đến HTX Thanh long Nhựt Ninh với 22 thành viên. Thời gian qua HTX đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trong xã kỹ thuật sản xuất để có thêm kiến thức chăm sóc cây thanh long phát triển tốt và đạt năng suất cao.
HTX này đang đẩy mạnh phát triển sản xuất và tiêu thụ trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGap, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.
Tính đến nay, có 9/9 xã trên địa bàn huyện Tân Trụ có HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, các nông dân trong huyện vẫn mong khi tham gia vào kinh tế hợp tác đòi hỏi các HTX phải tiếp tục hướng đến sự phát triển bền vững hơn nữa thông qua việc liên kết sản xuất, tìm đầu ra. Nhất là cần có những HTX xác định được phương hướng phát triển và có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, có những sản phẩm OCOP.
Huyện Tân Trụ đang phối hợp các xã thực hiện nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhất là tập trung các tiêu chí khó, tiêu chí cứng về xây dựng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao như thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực của xã, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử.
Cho nên các HTX, tổ hợp tác trong huyện nên thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc thực hiện các tiêu chí khó này trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhất là các HTX, tổ hợp tác cần tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận chương trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tham gia hoạt động đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, để từ đó giúp nông dân địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Thanh Loan