Hà Giang là một trong những tỉnh miền núi, vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh đã hướng đến phát huy, khôi phục thế mạnh, ngành nghề truyền thống của địa phương trong tỉnh, thành lập các HTX để giải quyết ngay việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nghề truyền thống phục hồi
Rượu ngô ở tỉnh Hà Giang được đồng bào chưng cất nhiều, nhưng rượu ở xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ có một vị đặc trưng đặc biệt, bởi được nấu bằng công thức gia truyền của người Mông.
HTX rượu Thanh Vân ra đời năm 2003 và đến đầu năm 2007, sản phẩm rượu ngô được chính thức bán ra thị trường, đã đóng vai trò quan trọng khẳng định thương hiệu của vùng đất địa đầu Tổ quốc này.
Giám đốc HTX rượu Thanh Vân cho biết, với mục tiêu tiếp tục sản xuất rượu ngô từ men lá truyền thống của địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, góp phần xoá đói giảm nghèo, HTX rượu Thanh Vân mới được kiện toàn lại vào giữa năm 2017. HTX được đầu tư dây chuyền chưng cất rượu của Đức và máy khử Aldehyde do Tổng CTCP Rượu, bia, nước giải khát Hà Nội hỗ trợ.
Để bảo đảm ATVSTP, vệ sinh môi trường, quy trình sản xuất rượu của HTX được quản lý khép kín từ khâu sản xuất men lá và ngô cho các hộ thành viên nấu. Sau khi có rượu thành phẩm, HTX kiểm tra và thu mua lại, ủ trong kho khoảng 15 ngày. Sau thời gian ủ, rượu được chuyển sang dây chuyền chưng cất và khử Aldehyde, kiểm tra nồng độ cồn và đóng chai.
Hiện nay, HTX có hai sản phẩm chính là rượu 25 độ và rượu 29 độ, có giá bán 46.000 đồng/chai, đã được chứng nhận bảo đảm về chất lượng tại các cơ quan chức năng và các hội chợ thương mại. Bên cạnh đó, HTX còn nghiên cứu sản xuất thêm một số loại rượu thuốc của dân tộc Bố Y tế có giá 300.000 đồng/chai.
HTX Thanh Vân đổi mới công nghệ từ năm 2017 (Ảnh: TL) |
Nhờ bảo đảm uy tín về chất lượng, ATVSTP, thị trường tiêu thụ rượu ngô Thanh Vân đã được mở rộng đến các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… HTX hiện đã có 8 đại lý bán hàng ở các tỉnh, thành phố.
Cả HTX hiện có 40 thành viên là các hộ ở thôn Mã Hồng, Lùng Càng, Lùng Cúng cùng đóng góp cổ phần và tham gia nấu rượu bán cho HTX. Có 10 công nhân làm việc tại nhà máy. Thu nhập bình quân của công nhân làm việc tại nhà máy khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Việc xây dựng và phát triển HTX đã giúp người dân ở đây kết nối với thị trường tiêu thụ đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Sản phẩm Thanh Vân… tiến tới OCOP
Theo lãnh đạo xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, HTX ra đời đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng nguồn thu cho người dân tại địa phương. Năm vừa qua huyện giao cho xã Thanh Vân hoàn thành 15 tiêu chí trở lên trong đó tiêu chí về lao động việc làm. Để giải quyết vấn đề trên xã cũng khuyến khích hình thành thêm các HTX giúp người dân có thêm công việc vào những lúc nông nhàn. Thu nhập của người dân cũng theo đó từng bước được nâng lên.
Trước đó, tỉnh Hà Giang đã ban hành Đề án Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030 (OCOP). Mục tiêu của Đề án OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường… Quản Bạ là huyện được chọn để triển khai thí điểm.
Đến nay, đã có 27 chủ thể, trong đó có 16 HTX, 1 THT và 10 hộ dân, đăng ký tham gia thực hiện Đề án OCOP với 37 sản phẩm tham gia (có 8 sản phẩm là ý tưởng, 29 sản phẩm đã có sẵn). Huyện Quản Bạ đã lựa chọn 14 sản phẩm đạt tiêu chí, trong đó, đại diện của nhóm đồ uống có sản phẩm rượu ngô Thanh Vân của HTX rượu Thanh Vân.
HTX Thanh Vân có 40 thành viên tham gia (Ảnh: TL) |
Ngoài ra, nhóm thực phẩm gồm các sản phẩm: Mật ong hoa Xuyến chi, được sản xuất tại HTX mật ong Thanh Vân; mật ong Bạc Hà sản xuất tại HTX nông nghiệp Mạnh Sơn; mật ong rừng sản xuất tại HTX Dịch vụ tổng hợp Bình An; trà Gừng Cao nguyên đá sản xuất tại HTX Nặm Đăm...
Để có thể phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh trên thị trường, huyện Quản Bạ hiện đang tập trung hỗ trợ các HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm; đầu tư công nghệ, đào tạo chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn mác, bao bì… Sau khi huyện Quản Bạ hoàn thiện 14 sản phẩm đủ theo tiêu chuẩn của Đề án OCOP, tỉnh sẽ tổ chức thi cấp chứng nhận và sơ kết rút kinh nghiệm để nhân rộng toàn tỉnh.
Là chương trình mới, lần đầu tiên được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng với những ưu điểm vượt trội, Đề án OCOP được đánh giá là hướng đi đúng, góp phần thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nâng cao giá trị sản xuất và xây dựng thương hiệu nông nghiệp của Hà Giang. Sản phẩm của HTX rượu Thanh Vân cũng được kỳ vọng mở rộng tiêu thụ hơn nữa tại các tỉnh thành trong cả nước và thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.
Trang Minh