Hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX đang thực hiện 11 mô hình dịch vụ, gồm cung cấp nước tưới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dịch vụ BVTV, cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, thu gom và xử lý rác thải, tín dụng nội bộ, quản lý thương mại chợ, mô hình trồng nấm, trồng hoa và cánh đồng mẫu lớn trồng lúa.
"Bàn đạp" cho nông dân
Trong 11 mô hình dịch vụ đang triển khai, tín dụng dụng nội bộ đang trở thành điểm nhấn nổi bật trong hoạt động của HTX Tân Dĩnh. Với khả năng quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay, HTX trở thành địa chỉ tin cậy của các thành viên, người lao động khi cần vốn để phát triển sản xuất.
Ông Trần Văn Sỹ - Giám đốc HTX Tân Dĩnh, chia sẻ: “Khi có nhu cầu vay vốn, các thành viên chỉ cần xin xác nhận của trưởng thôn, HTX có thể giải ngân ngay với mức vay tối đa 50 triệu đồng. Lãi suất áp dụng theo lãi suất của ngân hàng trong cùng thời điểm, nhưng với thủ tục nhanh gọn, việc trả gốc và lãi linh hoạt, bà con tin tưởng chọn quỹ tín dụng của HTX”.
Điểm tạo nên khác biệt trong dịch vụ tín dụng nội bộ của HTX Tân Dĩnh không chỉ nằm ở khả năng cho vay nhanh, mà còn đến từ khả năng kiểm soát và phát huy hiệu quả của nguồn vốn cho vay. Khi vay vốn, các thành viên vẫn là chủ thể sản xuất, có quyền tự quyết nhưng phải đảm bảo một số quy định của HTX.
“Khi vay vốn, thành viên sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ của HTX dựa trên nguyên tắc tự nguyện và dân chủ. Bà con sẽ được HTX định hướng phát triển, cũng có thể kêu gọi sự hỗ trợ của HTX bất kỳ lúc nào để đảm bảo hiệu quả sản xuất. Sự quản lý không phải để kìm hãm phát triển mà là để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, tránh lãng phí”, ông Sỹ nhấn mạnh.
Dịch vụ tín dụng nội bộ của HTX đã mở ra cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu của hàng nghìn hộ thành viên và người nông dân địa phương.
HTX Tân Dĩnh đang trở thành "bà đỡ" giúp thành viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu |
Đổi mới để thành công
Trước khi trở thành điểm sáng trong lĩnh vực kinh tế tập thể ở Bắc Giang, HTX Tân Dĩnh đã từng trải qua không ít khó khăn trong quá trình hoạt động, như nguồn vốn hạn hẹp, trình độ cán bộ quản lý, điều hành kém khiến hoạt động sản xuất thiếu hiệu quả, không tạo được sức hút với bà con nông dân.
Bước ngoặt chỉ đến khi HTX chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Với sự hỗ trợ kịp thời từ Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương, HTX đã tập trung thực hiện tốt các dịch vụ, mở mang thêm nhiều ngành nghề mới để đáp ứng nhu cầu của thành viên.
Trong tất cả các dịch vụ, chất lượng luôn được HTX đưa lên hàng đầu. Điển hình như trong dịch vụ tưới tiêu, HTX có 3 máy bơm điện 15kW, 1 máy dầu 18 mã lực, đảm bảo tưới tiêu cho 530ha đất canh tác. Mỗi năm, HTX tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho trên 800 hộ thành viên, bao tiêu 150 - 180 tấn thịt trâu, bò cho người chăn nuôi.
Mô hình sản xuất nấm của HTX cũng ngày một phát triển, hiện mô hình đang có 80 hộ tham gia, sản lượng đạt 1.400 tấn/năm, thu nhập của hộ thấp nhất là 30 triệu đồng/năm, cao nhất 160 triệu đồng/năm. Mô hình trồng hoa của HTX hiện có 19ha đất sản xuất, lợi nhuân bình quân của thành viên đạt 8 - 10 triệu đồng/sào.
Đặc biệt, HTX có đóng góp quan trọng giúp xã Tân Dĩnh cán đích NTM vào tháng 8/2014 khi đóng góp 1,8 tỷ đồng cho công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn xã.
Hiến Nguyễn