Gần đây, xuất khẩu rau quả, trái cây của Việt Nam đạt những kết quả khả quan một phần cũng nhờ vào công tác nghiên cứu, chọn giống. Nhiều HTX đã sử dụng những giống thanh long, bưởi, sầu riêng cải tiến, có năng suất cao, ít dịch bệnh để trồng, phục vụ xuất khẩu.
Chưa bảo đảm chất lượng giống
Ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Quyết Thắng (Sơn La), cho biết thế mạnh của Việt Nam là các giống cà phê Robusta nhưng nhìn nhận chung ở các vùng trồng có thể thấy, các giống cà phê của Việt Nam có thể đạt 5 tấn/ha, trong khi mức trung bình của thế giới chỉ khoảng 2 tấn/ha. Điều này cũng tạo ra thế mạnh giúp Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong xuất khẩu cà phê Robusta.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc HTX Gà nhiều cựa Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết giống gà thuần chủng nhiều cựa tại địa phương tuy không to nhưng kháng bệnh tốt, thịt ngon hơn các giống gà lai, giống gà ngoại nhập. Nhiều người dân muốn phát triển giống gà thuần chủng này nhưng rất khó.
Để giải quyết bài toán thiếu giống và chủ động chăn nuôi, HTX đã thực hiện nhân giống. Dù làm ăn chăn nuôi theo khoa học và có tầm nhìn lâu dài nhưng với số lượng lớn thì trong quá trình nhận giống mới phát sinh những khó khăn về trạm ấp, thú y, phân phối, vận chuyển, thức ăn… nên khó đảm bảo được chất lượng và số lượng giống.
Trong khi tình hình nhập lậu giống, trong đó có giống gà đang diễn ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi, phát triển giống gà thuần chủng của HTX và người dân cũng như ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của Việt Nam.
Bài toán về giống cây trồng vật nuôi cần được giải quyết để người dân, HTX yên tâm sản xuất. |
Có thể thấy việc đảm bảo nguồn giống cả về chất lượng và số lượng cũng như hoạt động tự sản xuất của HTX đang gặp những khó khăn nhất định. Trong khi nhu cầu về nguồn giống cây trồng, vật nuôi của các HTX cũng như người dân trên cả nước là không hề nhỏ.
Theo thống kê, chỉ riêng giống lúa, mỗi năm Việt Nam cần trên 200.000 tấn lúa giống. Nhưng trong nước, năng lực của các công ty chỉ cung cấp được khoảng 100.000 tấn giống, còn lại do nông dân, HTX phải tự sàng lọc đến 50.000 tấn và nhập khẩu khoảng 50.000 tấn giống. Còn lại, vẫn thiếu khoảng 60.000-80.000 tấn lúa giống.
Trước vấn đề này, PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết trong 5 năm vừa qua Viện đã đưa ra thị trường 373 loại giống cây trồng mới. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, giống của Viện hiện đã chiếm đến 90% ở Đồng bằng sông Cửu Long, còn ở cấp quốc gia chiếm gần 60%. Tuy nhiên, nhìn chung nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi ở Việt Nam chưa được hỗ trợ từ công nghệ sinh học nên vẫn có tỷ lệ đạt chưa cao.
Bên cạnh đó, công tác quản lý giống chưa thực sự hiệu quả. Ngay như vấn đề giống vật nuôi, hiện nay, cả nước chưa thiết lập hệ thống theo dõi giống trên toàn quốc từ Trung ương xuống địa phương. Việt Nam cũng chưa có các trung tâm vùng để kiểm tra đánh giá chất lượng giống vật nuôi nên tình trạng giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vẫn được lưu thông.
Chủ động nguồn giống, vượt rào xuất khẩu
Trong điều kiện hiện nay, giống là một trong những vấn đề hết sức quan trọng trong thương mại hàng hóa, Khi HTX, doanh nghiệp muốn đem nông sản xuất khẩu thì phải đáp ứng những quy định quốc tế. Và vấn đề giống được đăng ký bản quyền luôn là một trong những nội dung mà HTX phải vượt qua.
Điều đáng mừng hiện nay là một số địa phương, HTX trên cả nước đã quan tâm đến vấn đề giống cây trồng, vật nuôi, nhất là những giống bản địa nên có những địa phương, HTX đã tập trung, phối hợp với các viện, trường để nghiên cứu, giữ giống. Một số giống vật nuôi quý của Việt Nam đã và đang được các HTX phát triển tốt như vịt Cổ Lũng, lợn Móng Cái, gà Ri, gà Chọi, gà H'Mông…
Anh Nguyễn Văn Đức cho biết, để khôi phục lại được giống gà thuần chủng là rất khó, ít nhất phải mất 5-10 năm. HTX phải mất nhiều công sức và tiền bạc còn nếu chỉ lựa chọn lai tạo sẽ rút ngắn thời gian xuống, chỉ còn mấy tháng. Nhưng ngược lại, giống vật nuôi bản địa trên thế giới nhiều quốc gia rất quan tâm và được coi là tài sản quốc gia, thậm chí họ không cho bán ra nước ngoài. Nên nếu Việt Nam không bảo tồn, khôi phục những giống bản địa thì khi mất rồi sẽ lại tiếc nuối.
Một nhà chuyên môn đã cho rằng nếu không chủ động trong nghiên cứu, quản lý, phát triển giống thì có lẽ ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào cảnh phụ thuộc giống nước ngoài và mãi phải trả tiền bản quyền giống, từ đó sẽ dẫn đến những khó khăn trong xuất khẩu. Do đó, cần quan tâm đến việc cấp quỹ duy trì giống, hoặc cho vay không lãi suất duy trì kho quỹ giống để các nhà cung cấp giống chủ động trong nghiên cứu, giữ gìn, bảo tồn, phát triển giống.
Ông Thân Dy Ngữ, công ty TNHH Hiệp Thành, cho biết diện tích cây chè của Việt Nam đang giảm dần. Trong 10 năm gần đây, diện tích chè đã giảm hơn 10.000ha (10%) để dành đất cho cây trồng khác. Đặc biệt những giống chè cổ thụ (chè Shan tuyết) ở Việt Nam đang mang lại những lợi thế trong xuất khẩu thì bị khai thác tận diệt, cắt cành thu hái quá mức. Có những cây chè ở Hoàng Su Phì được công nhận là di sản nhưng sau đó bị chết do già cỗi, biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, cần có những nghiên cứu để bảo tồn, phát triển và nhân rộng hơn những giống chè này. Bên cạnh đó, cần có những mô hình liên kết, mang tính chất cộng đồng như HTX để nâng cao ý thức người dân trong bảo tồn và phát triển những giống cây chè, nhất là chè cổ thụ.
Ông Trần Xuân Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) cho biết giống cây trồng, vật nuôi ở Việt Nam hiện nay phần lớn từ các nguồn ươm tạo trong nước và nhập khẩu. Tuy nhiên điều này khiến nông dân, HTX phải đối mặt với vấn đề chi phí nhập giống cao, sở hữu trí tuệ và làm lu mờ những giống vốn là lợi thế ở trong nước.
Hiện nay, nhiều cây trồng ở Việt Nam sau nhiều năm sản xuất sẽ bị giảm năng suất và chất lượng. Điều này một phần do chất lượng giống kém và một phần do cây già cỗi. Nhưng ngoài trồng toàn bộ bằng giống mới sẽ rất lãng phí và mất thời gian, HTX có thể xem xét cách ghép giống trên những nền cây khỏe, có phẩm chất tốt để tiết kiệm chi phí, mang hiệu quả kinh tế nhanh hơn.
Huyền Trang