Thông tư 52 tập trung hướng dẫn một số nội dung về chế độ quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại, xử lý tài chính khi chuyển đổi mô hình hoạt động của các quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Một trong những điểm mới của Thông tư đó là: theo hướng dẫn, khi bị tổn thất về tài sản, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX phải xác định mức độ tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau: Xác định rõ nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị) và nguyên nhân chủ quan.
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bình Dương trở thành kênh hỗ trợ hiệu quả cho các HTX đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải tỏa “cơn khát vốn” để phát triển mạnh, bền vững hơn |
Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì cá nhân, tập thể gây ra tổn thất phải bồi thường, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, quỹ phát triển HTX quy định cụ thể việc bồi thường và quyết định mức bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Cụ thể, trường hợp tài sản đã mua bảo hiểm theo pháp luật thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, tổ chức bảo hiểm, sử dụng dự phòng được trích lập trong chi phí, trường hợp thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của quỹ phát triển HTX
Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch toán vào chi phí trong kỳ của quỹ
Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được Nhà nước cấp vốn, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc Quỹ là tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình HTX.
Hiện nay, cả nước có 56 Quỹ hỗ trợ phát triển HTX gồm: Quỹ HTX ở Trung ương và 55 Quỹ ở địa phương. Sau hơn 15 năm triển khai bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế quản lý tài chính đối với các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa có cơ chế hướng dẫn quản lý tài chính chung cho hệ thống Quỹ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục khi thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, thuê, cho thuê, thế chấp, cầm cố, thanh lý, nhượng bán, kiểm kê tài sản cố định của Quỹ, khấu hao tài sản cố định, xử lý tổn thất tài sản của Quỹ đối với cả 2 mô hình: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và mô hình HTX chưa được quy định rõ ràng hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể nên gặp không ít khó khăn trong triển khai thực hiện trên thực tiễn.
Đồng thời, việc quản lý thu nhập, chi phí của các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (cả Trung ương và địa phương) chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể về các khoản mục thu nhập, chi phí, các nguyên tắc ghi nhận thu nhập, chi phí của Quỹ, các khoản chi không được hạch toán vào chi phí của Quỹ cũng chưa được quy định rõ....
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX là cần thiết.
Thanh Hoa