Trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) hiện quy định HTX, liên hiệp HTX được thành lập doanh nghiệp theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX khi có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Vấn đề này đang được quy định tại Điều 81 và nội dung góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp được quy định tại Điều 82.
Nhu cầu lớn
Trường hợp HTX, liên hiệp HTX góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp và trở thành thành viên hoặc cổ đông có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối của doanh nghiệp thì HTX, liên hiệp HTX phải đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ, tương tự như đối với HTX, liên hiệp HTX thành lập doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX.
Thực tế cho thấy, việc thành lập doanh nghiệp trong HTX đã có và là nhu cầu rất lớn. Cụ thể, thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, hiện có khoảng 2.300 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp, hoạt động bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Nhờ đó, hoạt động sản xuất của thành viên trong HTX đạt hiệu quả cao hơn, giúp HTX giải quyết được một số khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp rất lớn vào hoạt động xuất khẩu nông sản.
Thành lập doanh nghiệp trong HTX là một trong những vấn đề quan trong trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi). |
Tiêu biểu như tại HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (Nam Định) đã thành lập Công ty CP Nông sản hữu cơ Hải Hậu nhằm mở rộng đầu ra cho các loại nông sản, trong đó chủ lực là các loại gạo đặc sản và rau, củ do HTX làm ra. Mô hình này giúp doanh thu chung năm 2022 của HTX-doanh nghiệp đạt 12 tỷ đồng.
Các HTX lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên (Phú Yên), HTX thủy sản xuyên Việt (Hải Dương)… cũng đều đang là những mô hình kinh tế tập thể thành công nhờ có công ty hoạt động trong HTX.
Theo các chuyên gia, thành lập doanh nghiệp trong HTX không chỉ là nhu cầu ở Việt Nam mà đã được phát triển ở nhiều HTX của các nước trên thế giới như Trung Quốc, Hà Lan, Đức… Mô hình này hoạt động khá linh hoạt, giúp HTX lớn mạnh hơn, nhất là phát triển được các chuỗi giá trị hàng hóa, thích ứng với sự phát triển của thị trường.
Thoát tư duy cũ
Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn nghi ngại về việc thành lập doanh nghiệp trong HTX. Có người cho rằng việc phát triển mô hình này liệu đã phù hợp trong điều kiện hiện nay hay chưa vì sợ sẽ xảy ra vấn đề sở hữu chéo, làm mất bản chất của mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng Ban Chính sách phát triển (Bộ NN&PTNT), cho biết trong định nghĩa về HTX của Liên minh HTX quốc tế (ICA) có nêu rằng: HTX là một tổ chức tự trị của những người tự nguyện đoàn kết cùng nhau giúp đỡ nhau về kinh tế, xã hội, văn hóa… thông qua một doanh nghiệp đồng sở hữu.
Còn trong khái niệm về mô hình HTX tại Luật HTX 2012 có đưa ra: HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Như vậy, trong Luật HTX năm 2012 đã có thêm từ “tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu” nhưng lại bỏ từ “doanh nghiệp” đi. Điều này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về mô hình HTX, như: HTX chỉ là tổ chức kinh tế tập thể hoặc HTX có cả doanh nghiệp.
Điểm mới của Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) hiện nay là đã có quy định riêng về vấn đề thành lập doanh nghiệp trong HTX, liên hiệp HTX dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nhưng trong phần khái niệm vẫn chưa có thêm từ “doanh nghiệp”.
Theo PGS TS Chu Tiến Quang, không nên quan niệm “doanh nghiệp là công ty” mà doanh nghiệp vốn là tổ chức kinh tế, trong doanh nghiệp có nhiều loại hình khác đã được luật hóa là: doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần… Điều này cũng giống như kinh tế tập thể có nhiều loại hình riêng, trong đó nòng cốt là các HTX.
Như vậy, chiếu theo định nghĩa của ICA thì việc phát triển mô hình doanh nghiệp trong HTX, liên hiệp HTX là phù hợp trong điều kiện hiện nay nhưng cần có những bổ sung cụ thể về khái niệm HTX để giúp mọi người có cái nhìn đúng về mô hình HTX, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi).
Về vấn đề này, TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, cho rằng cái khó hiện nay là đã thống nhất sửa Luật HTX năm 2012 nhưng mô hình HTX như thế nào thì mỗi người hiểu một kiểu. Còn thực tế, HTX trong quá trình phát triển ở Việt Nam là từ quá trình "may đo" chứ không phải là "may đồng phục". Nghĩa là HTX phát triển có yếu tố xã hội nên gây ra sự tranh cãi và có cái nhìn chưa thực sự đúng.
Việc có nên thành lập doanh nghiệp trong HTX hay không, TS Lê Đức Thịnh dẫn chứng năm 2018, Đại học Colombo đã có mô hình nghiên cứu về HTX và họ kết luận rằng, thông thường ở các nước châu Á, tài sản công luôn dễ bị tư nhân hóa hơn các nước châu Âu. Như vậy, theo thời gian, không chỉ có kinh tế tập thể bị tư nhân hóa mà nhiều đối tượng khác cũng bị tư nhân hóa.
“Chúng ta đang lo lắng việc thành lập doanh nghiệp trong HTX dẫn tới tính trạng tư bản hóa, HTX biến tướng doanh nghiệp. Nhưng đây là sự phát triển bình thường của mô hình HTX trong sự biến đổi và phát triển của thị trường, xã hội”, TS Lê Đức Thịnh chia sẻ.
Theo các chuyên gia, so với cách đây 10 năm, bối cảnh kinh tế, xã hội ngày nay đã khác xưa rất nhiều do hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Vì vậy, quan điểm xây dựng Luật HTX mới phải làm sao thoát khỏi tư tưởng luật hiện hành, vì Luật HTX năm 2012 có nhiều quy định, tư tưởng đã lỗi thời, không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong thời kỳ hội nhập.
Đặc biệt, HTX ngày nay không chỉ dừng ở hoạt động cấp thôn, cấp xã, mà đã phát triển ở những cấp cao hơn và tham gia tích cực vào hoạt động xuất khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa HTX có những đòi hỏi cao hơn về quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển…. Vì vậy, việc xây dựng những quy định thành lập doanh nghiệp trong HTX hay những vấn đề khác cũng cần đáp ứng được những đòi hỏi này.
Huyền Trang