Việc bảo kê máy gặt ở nhiều địa phương không chỉ gây bức xúc đối với nhân dân, HTX mà còn khiến công gặt mỗi sào lúa bị tăng, từ đó giảm lợi nhuận của người trồng lúa. Trong khi mặt bằng sản xuất lúa hiện nay được đánh giá là khó khăn, người dân, thành viên HTX khó có lời từ loại cây trồng truyền thống này vì chi phí đầu tư cao, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Trừ khi, người dân, thành viên HTX sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.
Giảm lợi ích của nông dân, thành viên
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Nguyên (Thanh Hóa), cho biết nông dân vất vả mấy tháng trời mới được một vụ lúa, thu nhập thấp. Nếu vướng phải tình trạng bảo kê máy gặt, đồng nghĩa với việc giá tiền công gặt mỗi sào sẽ tăng lên ít nhất 30.000-50.000 đồng.
Có tình trạng trên diễn ra và lặp đi lặp lại nhiều năm là do máy gặt đập liên hợp chỉ cần một thợ vận hành chính để cắt lúa. Ngoài ra, cần thêm 3-4 lao động phụ việc thu thóc đóng vào bao, hoặc vận chuyển thóc theo nhu cầu của người thuê.
Mỗi máy gặt đập liên hợp nếu hoạt động hết công suất có thể thu hoạch từ 70-80 sào lúa/ngày. Thông thường, mùa gặt có hai vụ/năm nên nếu tính ra, thu nhập từ gặt thuê bằng máy khá cao, cho nên nhiều chủ máy gặt luôn tìm cách tranh phần của các máy gặt khác. Được biệt, nếu người dân, thành viên HTX không đồng ý sử dụng dịch vụ của những đối tượng bảo kê máy gặt, họ sẽ không cho gặt hoặc giữ lại lúa đã thu hoạch...
Phát huy vai trò của HTX cùng với sự tham gia của cơ quan quản lý địa phương sẽ hạn chế được nạn bảo kê máy gặt. |
Mặc dù không có số liệu thống kê đầy đủ, song hầu như năm nào cũng xuất hiện những vụ việc liên quan đến bảo kê máy gặt ở một số địa phương. Xét cho cùng, nạn nhân chính của nạn bảo kê máy gặt là những người nông dân, thành viên HTX.
“Tình trạng các nhóm đối tượng bảo kê máy gặt vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương. Việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân, thành viên HTX mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây lo lắng, bất an đối với chủ máy gặt là nông dân, HTX làm ăn chân chính”, ông Nguyễn Văn Thắng, chia sẻ.
Phát huy vai trò của HTX
Thực chất, để xảy ra vấn đề này là do nhiều địa phương chưa quan tâm đến tình hình sản xuất kinh doanh của người dân, chưa xử lý quyết liệt các vấn đề bảo kê trên đồng ruộng. Đi liền với đó là các địa phương chưa thực sự coi trọng hoặc chưa nhận ra vai trò của mô hình HTX trong việc điều hành máy móc, làm dịch vụ nên mới để việc thuê máy gặt bị thả nổi như vậy.
Đặc biệt, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể nào hạn chế phạm vi thực hiện dịch vụ của máy gặt. Thay vào đó, các chủ máy gặt có thể thực hiện các dịch vụ gặt thuê cho bất cứ tổ chức cá nhân nào mà không bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật. Điều này tuy tạo điều kiện cho các chủ máy gặt đập và thuận tiện cho việc ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, nhưng cũng dẫn đến thực trạng là địa phương có HTX làm dịch vụ gặt bằng máy thì nông dân, thành viên cũng có quyền từ chối dịch vụ của HTX nông nghiệp để thuê sử dụng dịch vụ của các chủ máy bên ngoài.
Theo các HTX, việc này là “cái lý” để các đơn vị bảo kê máy gặt đưa ra với người dân, thành viên và cũng hạ thấp vai trò của mô hình HTX làm dịch vụ chân chính.
Để bảo đảm lợi ích của người trồng lúa, cần nâng cao vai trò của HTX trong phát triển dịch vụ gặt thuê. Bởi theo các chuyên gia, dù chưa có các quy định pháp luật về hạn chế phạm vi hoạt động của loại hình máy gặt nhưng mỗi HTX khi ra đời đều đăng ký thành lập và đăng ký dịch vụ. Điều này đồng nghĩa, các HTX có máy gặt cũng đăng ký hoạt động theo quy định để thuận tiện cho việc quản lý.
Tuy nhiên, vẫn cần nâng cao vai trò của UBND xã, lực lượng công an xã, trong đó, lấy các HTX làm trung tâm ký các hợp đồng dịch vụ gặt lúa bằng máy gặt với giá cả rõ ràng, cam kết đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, đăng ký tạm trú…
Hoặc đối với HTX chưa có điều kiện mua máy gặt cũng có thể đứng lên ký hợp đồng với các chủ máy gặt với những yêu cầu cụ thể để bảo đảm lợi ích của cả hai bên. Hiện nay, đã có nhiều HTX làm hiệu quả dịch vụ này cho thành viên, người dân.
Đơn cử như HTX Dịch vụ nông nghiệp Trung Thành (Nghệ An) liên kết với các chủ máy, đưa 12 máy gặt vào phục vụ nhân dân thông qua hợp đồng. Đặc biệt, giá dịch vụ máy gặt cũng được các bên bàn bạc thống nhất đi liền với các điều khoản bồi thường, cam kết cụ thể nên giải quyết được vấn nạn bảo kê máy gặt và đảm bảo khung lịch thời vụ cho thành viên, nông dân.
Ông Bùi Bình, đại diện HTX nông nghiệp Phú Dương (Thừa Thiên Huế), cho rằng để bảo đảm công bằng, các địa phương có thể sử dụng hình thức đấu thầu công khai. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần quản lý chặt hơn vấn đề cá nhân, tổ chức làm dịch vụ gặt thuê bằng máy phải đăng ký kinh doanh, nhằm bảo đảm công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế giống như các HTX,tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Huyền Trang