Đến hết năm 2018, cả nước có 13.856 HTX nông nghiệp, tăng 5.769 HTX so với năm 2002, trong đó thành lập mới 9.391 HTX. Bình quân 1 tỉnh có 220 HTX, trong đó lớn nhất là Đồng bằng sông Hồng, bình quân 362 HTX/tỉnh; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung bình quân 259 HTX/tỉnh; Trung du miền núi phía Bắc bình quân 223 HTX/tỉnh; Tây Nguyên bình quân 161 HTX/tỉnh; Đồng bằng sông Cửu Long bình quân 139 HTX/ tỉnh; Đông Nam bộ 85 HTX/tỉnh.
HTX nông nghiệp phát triển mạnh
Báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác (KTHT) và PTNT (Bộ NN&PTNT), cho thấy các HTX hoạt động tổng hợp chiếm 49,47%, số còn hoạt động theo chuyên ngành, trong lĩnh vực trồng trọt lớn nhất, tiếp đó là chăn nuôi và thủy sản, thấp nhất là diêm nghiệp.
Trong khi đa số các HTX nông nghiệp chỉ cung cấp các dịch vụ phục sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, thì các HTX hoạt động tổng hợp đảm nhận nhiều khâu trong chuỗi giá trị, như: Tổ chức sản xuất tập trung; tổ chức chế biến, bảo quản, phân phối, xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm riêng của HTX và xuất khẩu sản phẩm. Các HTX này có đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn khá chuyên nghiệp. Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh như kho bãi, nhà xưởng, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến, thương mại cũng được đầu tư rất lớn.
Điển hình như HTX Bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng) đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động nhà máy trộn thức ăn tinh cho bò sữa. HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng) sản xuất rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP với 60 chủng loại rau, liên kết với các siêu thị và trực tiếp tiêu thụ trên 52 tỉnh trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc. HTX Thanh long Tầm Vu (Long An); HTX Xoài La Ngà (Định Quán, Đồng Nai)…
Đặc biệt, năm 2018, do Chính phủ ban hành Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020, các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện nên số HTX nông nghiệp tăng mạnh, trên 2.200 HTX.
Năm 2018 cả nước có 55% HTX nông nghiệp được phân loại khá, tốt, tăng hơn 2 lần so với trước khi thực hiện Luật HTX. Doanh thu bình quân 1 HTX nông nghiệp hiện nay là 1.615,9 triệu đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2003, mỗi HTX thu lãi bình quân đạt 203,5 triệu đồng/năm, tăng 4 lần so với năm 2003.
HTX Thanh long Tầm Vu (Long An) đưa thanh long vươn xa ra thế giới |
Tháo giỡ để tạo đà phát triển
Tổng số vốn hoạt động của HTX nông nghiệp là 14.749,25 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2003. Tổng giá trị tài sản của HTX nông nghiệp năm 2018 là 8.417,5 tỷ đồng, tăng 4.234,4 tỷ đồng so năm 2003. KTHT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mới.
Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, nhiều HTX còn gặp khó khăn về tiếp cận vốn vay, cơ sở vật chất, đất sản xuất, đất làm nhà xưởng, nhất là trụ sở. Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết: “Nhiều HTX hiện nay không có trụ sở làm việc phải mượn nhà riêng của thành viên làm trụ sở, một số phải mượn trụ sở của UBND xã. Nhiều HTX trụ sở làm việc không có hội trường, hoặc có thì nhỏ không đủ tổ chức các cuộc đại hội thành viên, phải thuê, mượn trụ sở để tổ chức đại hội”.
Không chỉ khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhiều HTX và thành viên HTX còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế khác. Để gỡ khó cho các HTX nông nghiệp, tạo đà cho KTHT phát triển, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách như Nghị định số 98/2018/ NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định 116/2018/ NĐ-CP về chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 68/QĐ-TTg về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; Thông tư 340/TT-BTC về hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX.
Cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay, như: Tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng. Hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và thương mại; miễn thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm trao đổi giữa các thành viên HTX với nhau.
“Cần ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTHT. Tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm”, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nêu vấn đề.
Hà Nam