Sáng 8/9, có mặt tại HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Hoàng Duy (xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), phóng viên VnBusiness không khỏi bất ngờ bởi hàng chục ha chuối trước đây tươi đẹp hút khách, nay trở nên tiêu điều với những luống cây đổ gãy la liệt.
Thiệt hại nặng nề
Chị NguyễnThị Tươi, Giám đốc HTX Hoàng Duy nén lòng, chia sẻ: “Vườn của HTX có hơn 5.000 gốc chuối. Hiện, các gốc đang trong giai đoạn khoẻ, sinh trưởng tốt để gối vụ tiếp theo, nhưng sức gió mạnh của cơn bão số 3 đã tàn phá tất cả. Ngoài ra, hơn 3.000 cây mít, bưởi, na bị bật gốc, rụng quả, gãy dập,… Ước tính tổng thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.
Trước thông tin có bão về, HTX cùng các hộ dân liên kết cũng thực hiện một số biện pháp đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi. Nhưng trận bão số 3 này quá lớn, tàn phá tan hoang, chỉ sau một đêm, mọi thứ mất trắng, không biết bà con sẽ làm gì để sinh sống thời gian tới”.
Hàng trăm cây đu đủ sai quả bị gió quật gãy nằm la liệt tại HTX Hoàng Duy. |
Với sức gió cấp 9-10, giật cấp 11-12, lượng mưa trung bình từ đầu cơn bão khoảng 180mm, một số điểm đạt 250mm, sau trận bão số 3, không chỉ tài sản HTX Hoàng Duy bị tàn phá mà nhiều nhà cửa, hoa màu, cây cối... ở các HTX khác cũng bị bão càn quét gây hư hỏng nặng, nhiều nông dân mất trắng.
Trong trang trại trái cây chuẩn bị đến kỳ thu hoạch đổ gục sau cơn bão, Giám đốc HTX Sản xuất rau củ quả an toàn Văn Giang (Hưng Yên) Lý Thị Hà chết lặng vì vốn liếng bao năm tích lũy đổ gục xuống chỉ sau một đêm. Nhiều năm qua, trang trại của HTX trải qua không ít trận dông, bão, nhưng chưa khi nào bị mất hoàn toàn như lần này. Mặc dù liên tục 3-4 ngày trước bão, các thành viên đã đầu tư mua dây, thuê nhân công chằng chéo các thân cây lại nhưng không phát huy hiệu quả.
“60% diện tích ổi bị nghiêng cây và rụng quả nhiều, một số thì bị bật gốc. Còn đối với diện tích trồng cam, mặc dù đã được cảnh báo và phòng chống nhưng toàn bộ diện tích canh tác của HTX rụng hơn 30 tấn quả. Tổng thiệt hại lên đến 7 tỷ đồng”, chị Hà buồn bã cho biết.
Không chỉ mất mùa, cơ sở hạ tầng của các HTX cũng chịu tổn thất đáng kể. Hệ thống tưới tiêu bị phá hủy, các đường dẫn nước bị sạt lở và lấp đầy bùn đất. Việc sửa chữa sẽ mất nhiều thời gian và chi phí, đặt ra thách thức lớn cho các HTX vốn đã thiếu nguồn lực tài chính.
Hệ thống nhà lưới, nhà màng bị tốc mái, chỉ còn lại khung trống tại HTX Yên Nội, Bắc Từ Liêm. |
Có thể thấy, tan hoang, xơ xác, đổ nát, mất trắng,… là những gì đã xảy ra trên các thửa ruộng, bờ ao sau bão, và xót xa, lo lắng là tâm trạng chung của những người nông dân khi bất lực nhìn tài sản mình mất công trồng trọt, chăm sóc bị cuốn đi sau một ngày đêm mưa bão.
Thống kê sơ bộ tính đến 20h ngày 8/9 tại một số địa phương, sau khi càn quét qua địa bàn TP. Hà Nội, bão Yagi (bão số 3) đã khiến gần 17.400 cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ, làm chết 3 người, bị thương 11 người. Ngoài ra, mưa bão còn khiến 274 hộ dân có nhà, công trình bị tốc mái; 4 nhà mái tôn bị sập; 19 công trình nhà ở hư hỏng và đổ gãy nhiều cột điện. Ở khu vực ngoại thành, mưa lớn làm 52 ha diện tích lúa, hơn 159 ha rau màu bị ngập; hơn 13.700 ha lúa và gần 490 ha rau màu bị đổ; 10,3 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Còn tại Quảng Ninh, bão số 3 khiến 4 người thiệt mạng, 157 người bị thương; 27 người bị trôi dạt trên biển đã được tìm kiếm, cứu hộ. Toàn tỉnh có 19.582 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 1.297 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh bị gãy đổ, 2 trạm điện, 3 trạm viễn thông bị hư hỏng; trên 1.000 ô lồng, bè nuôi trồng thủy sản bị mất, cuốn trôi; 17.000m2 công trình nuôi trồng thủy sản bị tốc mái; 912 ha lúa bị đổ, ngập úng; 8.503ha rừng trồng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng; hầu như toàn bộ pano, biển quảng cáo bị gãy đổ…
Vườn cây cảnh tại HTX cây cảnh Phụng Công (Hưng Yên) sau bão. |
Chật vật khắc phục hậu quả
Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo sát diễn biến mưa bão; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân; triển khai công tác ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" một cách thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao (gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ với các tình huống.
Sau khi cơn bão đi qua, nhiều HTX đã chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, hoa màu và vật nuôi. Các cánh đồng bị ngập úng, nhà kính và chuồng trại bị hư hỏng, khiến sản xuất đình trệ. Tuy nhiên, không nản lòng trước khó khăn, các thành viên HTX đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả để ổn định tình hình.
Bưởi đỏ Đông Cao đang trong giai đoạn thu hoạch nhưng đứng trước nguy cơ mất trắng chỉ sau một đêm bão. |
Đại diện HTX bưởi đỏ Đông Cao (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, sau bão, toàn bộ 7ha bưởi đỏ đang trong giai đoạn thu hoạch bị gẫy cây, cành và rụng trái. Các thành viên HTX đang tích cực triển khai phương án thu hái chọn lọc để giảm thiểu thiệt hại, chặt hết các cành gẫy để tiến hành chăm bón phục hồi.
Nhiều HTX đã huy động lực lượng thành viên và người lao động để dọn dẹp, sửa chữa và thu gom lại những gì có thể sử dụng. Cùng với đó, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức cứu trợ đã giúp các HTX có thêm nguồn lực để tái thiết. Các hoạt động như tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống mới, và hỗ trợ tài chính đã được triển khai để giúp nông dân khôi phục sản xuất.
Tại một số tỉnh thành như Thanh Hóa, Nghệ An đã có kế hoạch huy động các lực lượng chức năng hỗ trợ HTX trong việc sửa chữa cơ sở hạ tầng, khôi phục hệ thống tưới tiêu và xử lý môi trường sau bão.
Tuy nhiên, các HTX vẫn đang lo lắng về tình trạng khôi phục sản xuất trong dài hạn. Với nguồn lực hạn chế, họ cần sự trợ giúp liên tục từ chính quyền và các tổ chức xã hội để không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn xây dựng kế hoạch phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Một số khu vực vui chơi, du lịch của HTX Đại Lải (Vĩnh Phúc) bị phá hủy nặng nề. |
Các chuyên gia cho rằng, việc liên kết chặt chẽ giữa các HTX và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, sản phẩm cũng đóng vai trò quan trọng. Các HTX có thể hợp tác với các công ty bảo hiểm để tham gia các gói bảo hiểm nông nghiệp, giảm thiểu rủi ro về tài chính khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, các HTX cần tăng cường xây dựng quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp.
TS. Lê Ngọc Quyền (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ) cho biết, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên, dự báo trong ngày 9/9, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới vẫn tiếp tục có mưa, mưa vừa và dông. Mưa lớn có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, diện tích đất nông nghiệp.
“Tuy nhiên, hiện tại đang có 2 cơn bão trong giai đoạn hình thành, khả năng sẽ đổ bộ vào Việt Nam trong ít ngày tới, nhưng cấp độ sẽ không mạnh bằng bão số 3. Mặc dù vậy, người dân cũng như các HTX nên chuẩn bị phòng chống và thu hoạch nông sản kịp thời để tránh thiệt hại, mất mùa”, TS. Lê Ngọc Quyền khuyến nghị.
Lê Hồng