Tại Hội nghị Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần thứ 3, khóa VI về công tác kinh tế tập thể, HTX 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các HTX nông nghiệp đã chủ động tổ chức sản xuất và cung ứng 87,3% tổng lượng lương thực, thực phẩm cho vùng giãn cách xã hội, vùng cách ly, vùng ổn định, vùng có nhu cầu cứu trợ, vùng sâu, vùng xa.
Tăng đầu vào, giảm đầu ra
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các HTX đều bị ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Theo Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, những tháng đầu năm, sản lượng của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm gần 50%, giá bán các loại nông sản giảm trên 30% so với trước khi có dịch bệnh Covid-19.
HTX đặc sản Đồng Tháp hỗ trợ tiêu thụ khoai lang tím cho người dân. |
Không chỉ ở Đồng Tháp, mà hầu hết các HTX ở trên cả nước đều trong tình cảnh này. Đơn cử như HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú (Lâm Đồng) chuyên sản xuất rau màu trên diện tích 60ha. Dịch Covid-19 khiến đầu ra của HTX bị thu hẹp 60%. Cùng với đó, giá phân bón tăng cao đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Ông Lê Văn Ba, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, cho biết phân bón tăng ít nhất 20%, trong khi đầu ra thu hẹp 60% nên HTX hoạt động cũng chỉ mang tính duy trì sản xuất.
Ông Huỳnh Lam Phương, Trưởng cơ quan thường trực phía Nam VCA: Để chính sách đi vào thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, xem xét lại quá trình thực thi văn bản, quy định của Nhà nước, sự kết hợp giữa đơn vị này và Liên minh HTX các tỉnh để có những hỗ trợ kịp thời.
Hay như HTX gà đồi Hương Nhượng (Hòa Bình) cũng trong cảnh tương tự. Các sản phẩm sơ chế, chế biến từ thịt gà cũng chỉ tiêu thụ nhỏ giọt, sản phẩm trứng gà ùn ứ. Không dừng lại ở đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng trung bình 50.000-60.000 đồng/bao 25kg khiến hộ liên kết và thành viên giảm đàn nuôi hoặc treo chuồng.
“Ngày trước, mỗi đêm HTX có thể xuất bán ra chợ đầu mối vài tấn gà và mỗi con gà cho lãi 50.000- 60.000 đồng. Nhưng hiện nay, giá thức ăn tăng cao khoảng 3.000-4.000 đồng/kg, đầu ra khó khăn nên nếu nuôi 1.000 con gà thì người nuôi lỗ khoảng 30 triệu đồng”, bà Quách Thị Hòa, Giám đốc HTX chia sẻ.
Theo chia sẻ của bà Phan Thị Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc, giá cám liên tục tăng trong những tháng gần đây trong khi giá thịt lợn hơi tại Vĩnh Phúc giảm xuống chỉ còn 38.000 đồng/kg nên các HTX chăn nuôi lợn đang trong tình cảnh lao đao. “Theo tính toán, mỗi con lợn chi phí chăn nuôi khoảng từ 50.000 đồng/kg, nhưng giá bán chỉ còn 38.000 đồng/kg thì lỗ nặng”, bà Định cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, cho biết: “Theo tính toán ở vụ Thu Đông năm nay, các HTX sẽ phải chi khoảng 2 triệu đồng tiền phân bón cho mỗi ha lúa, trong khi năng suất chỉ khoảng 6 tấn/ha, giá bán ở thị trường chỉ khoảng 5.700 đồng/kg thì người dân không có lãi. Vì ngoài phân bón, các HTX còn phải chi cho giống, công gieo sạ, thu hoạch, vận chuyển…
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do dịch Covid-19 làm gián đoạn các chuỗi sản xuất trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, kinh doanh đầu vào tăng như chi phí thuê nhân công, vận chuyển, thuê container, chi phí thức ăn gia súc và gia cầm, thủy sản, trả lãi tiền vay, giá phân bón DAP, URE... tăng. Những khó khăn này dường như đã bào mòn "sức khỏe" của các HTX.
Điều này khiến, 56,2% số lượng HTX gặp khó khăn về nguồn vốn; 47,6% các HTX không nhập được nguyên vật liệu, giống cây trồng, vật nuôi từ Trung Quốc, dẫn đến giá thành đầu vào và chi phí sản xuất tăng nhiều lần so với giá đầu năm, dẫn đến giá bán không đủ bù chi phí sản xuất. HTX vì vậy mà không đủ tái đầu tư sản xuất, không duy trì, đảm bảo được dịch vụ cung ứng cho thành viên.
Chính sách cần "liệu cơm gắp mắm"
Khó khăn là vậy nhưng tính đến nay, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX mới chỉ ở trên giấy. Tiêu biểu như chính sách xúc tiến thương mại, bồi dưỡng nguồn nhân lực... gặp khó khăn trong triển khai tại một số tỉnh thành phố, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Nam do chấp hành các quy định về phòng dịch của Chính phủ.
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cho biết các chính sách của Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX, hỗ trợ HTX khó khăn do dịch bệnh Covid-19… đã ban hành nhưng còn nhiều bất cập và chưa đồng đều giữa các lĩnh vực hoạt động, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp nên nhiều HTX phi nông nghiệp khó tiếp cận.
Ông Bùi Quang Tùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng: HTX muốn đưa nông sản vào siêu thị hoặc liên kết với doanh nghiệp rất khó vì yêu cầu cao. Chính vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ HTX trong khâu vận chuyển, hỗ trợ vốn để nâng cao chất lượng.
Tiêu biểu như Nghị quyết số 105/NQ-CP tuy đã ban hành từ tháng 9 nhưng theo bà Tâm, nhiều HTX ở Ninh Bình đi hỏi Sở kế hoạch đầu tư thì đều nhận được trả lời là chưa có hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy mà đến thời điểm này, các HTX vẫn bị phạt vì chậm đóng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, Nghị định 45/2021/NĐ-CP về Quỹ hỗ trợ HTX cũng phải dừng lại do dịch bệnh xảy ra.
Chia sẻ về việc các chính sách hỗ trợ HTX gặp khó khăn vì dịch Covid-19 chưa đi vào thực tiễn, ông Đỗ Phước Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai, cho biết Nghị quyết số 105/NQ-CP mới chỉ có các hướng dẫn về bảo đảm an sinh xã hội chứ chưa có giải pháp, hướng dẫn cụ thể cho từng loại hình HTX. Chính vì vậy, dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng các HTX lại chưa được hưởng lợi.
Hay tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp, HTX được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng rất ít HTX được vay bởi quy định hết sức ngặt nghèo.
Theo ông Dũng, các quy định như: buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên; có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh; không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn... thì các HTX đều rất khó đáp ứng được.
Bởi theo ông Dũng, thực tế thì nhiều HTX không chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà chỉ cho tạm nghỉ việc hoặc giảm thời gian đi làm do không nằm trong vùng thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Bên cạnh đó, đối với các HTX vận tải, tiểu thủ công nghiệp có đặt được kế hoạch sản xuất nhưng cũng khó có thể thực hiện được vì dịch vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài các Nghị quyết trên, Chính sách hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg, Nghị quyết 134/NQ-CP 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025 tại các địa phương còn chưa được thực hiện, dẫn đến công tác hỗ trợ HTX chưa kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Liên minh tỉnh Đồng Tháp cho biết, do địa phương chậm triển khai nên Liên minh HTX tỉnh phải xin ý kiến của Uỷ ban nhân dân tỉnh và ban hành một số văn bản như Quyết định số 672/QĐ-UBND-HC về Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ...
Ông Nguyễn Anh Đức, CEO Saigon Co.op: Các HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đang gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra và giá vật tư tăng cao. Nhưng nếu HTX xác định giữ vững sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ thì vẫn và sẽ luôn được SaigonCo.op ưu tiên để đưa vào kệ hàng của đơn vị.
Từ những vướng mắc trên, Liên minh HTX Việt Nam cho rằng các Bộ, ngành, địa phương cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật. Bên cạnh đó cần thúc đẩy triển khai để tạo điều kiện cho HTX tiếp cận được nguồn lực nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như phục hồi sản xuất. Khi các HTX đi vào hoạt động hiệu quả sẽ giúp bảo đảm các chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gãy, từ đó tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thành nhiệm vụ phục hồi kinh tế, phát triển sản xuất sau thời gian dài giãn cách, cách ly.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19 nhiều HTX đang rơi vào cảnh giá bán không đủ bù chi phí sản xuất. Có HTX không đủ tái đầu tư sản xuất, không duy trì, đảm bảo được dịch vụ cung ứng cho thành viên. Chính vì vậy, theo người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam, ngoài hỗ trợ HTX kết nối cung cầu trực tiếp, Liên minh HTX Việt Nam đang đẩy mạnh hỗ trợ HTX kết nối trực tuyến bằng việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng cổng thông tin vcamart.vn với nhiều tính năng ưu việt hơn.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục báo cáo Chính Phủ những khó khăn vướng mắc mà các HTX đang gặp phải để có những phương án tháo gỡ kịp thời.
Huyền Trang