Từ tháng 9, nông dân, HTX chăn nuôi gia cầm trên cả nước bắt đầu đẩy mạnh mua con giống để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, tình trạng nhập lậu giống gia cầm từ Trung Quốc đã diễn ra từ tháng 7 và dự báo từ nay đến Tết vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Lấn át giống trong nước
Bà Nguyễn Thị Thêu, Giám đốc HTX chăn nuôi giống gia cầm Hải Thêu (Vĩnh Phúc), cho biết trong chăn nuôi, giống là yếu tố quan trọng vì ảnh hưởng đến các khâu khác của quy trình. Tình trạng giống gia cầm nhập lậu với giá rẻ hơn nhưng không bảo đảm chất lượng khiến HTX chuyên cung cấp con giống như Hải Thêu gặp khó khăn trong cạnh tranh. Bởi hiện nay, giá thành để có trứng giống vào khoảng 7.000 đồng/quả, còn công đoạn ấp nở thành gà con vào khoảng 11.000-14.000 đồng/con vì phải tiêm các thuốc chích ngừa, kiểm dịch… để bảo đảm chất lượng.
Tuy nhiên, giá giống gia cầm sau khi nhập vào thị trường nội địa chỉ khoảng 8.000-10.000 đồng/con, thậm chí mua tận gốc thì còn thấp hơn, nên giống gia cầm trong nước rất khó cạnh tranh. Từ mức chênh lệch này, giống gia cầm nhập lậu tăng một cách đột biến để đáp ứng nhu cầu tái đàn gia cầm phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán.
Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX giống gia cầm Mạnh Ngân (Bắc Giang), giống gia cầm nhập từ Trung Quốc được bán với giá mềm hơn nên dễ đánh bại giống gia cầm trong nước.
Nguyên nhân là giống gia cầm nhập lậu với số lượng lớn, đều không được tiêm vắc xin, không kiểm dịch, không có xuất xứ, không đảm bảo về chất lượng. Trong khi những trại giống trong nước sản xuất theo đúng quy trình thì phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh thông qua tiêm vắc xin, kiểm định chất lượng, kiểm dịch trước khi xuất bán.
“Người dân thường chỉ để ý đến giá rẻ, thậm chí biết giống nhập lậu từ Trung Quốc nhưng được người bán quảng cáo là năng suất cao hơn giống trong nước. Mặt khác, đặc điểm của chăn nuôi gia cầm là thời gian sinh trưởng ngắn, quay vòng vốn lớn nhưng nhiều giống trong nước không đáp ứng được điều này nên người dân, chủ trang trại vẫn lựa chọn giống nhập từ bên ngoài”, ông Mạnh chia sẻ.
Giống gia cầm nhập lậu đang là vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây. |
Theo các chuyên gia, giống gia cầm nhập lậu tràn lan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các HTX, doanh nghiệp sản xuất con giống chân chính trong nước. Bởi giá thành sản xuất giống gia cầm ở trong nước luôn cao hơn nên để cạnh tranh được với giống nhập lậu là rất khó. Nếu tình trạng này kéo dài, các HTX, doanh nghiệp chuyên sản xuất giống sẽ thua lỗ. Còn người chăn nuôi sẽ lâm vào cảnh trắng tay thua lỗ vì giống nhập lậu có thể bùng phát dịch bệnh bất cứ lúc nào.
Số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã chứng minh sự khó khăn của HTX, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống trong nước khi nhiều doanh nghiệp, HTX thời gian qua đã phải giảm 50 - 60% đàn do thua lỗ khi bán con giống gia cầm dưới giá thành sản xuất.
“Dù biết nhu cầu thị trường về giống gia cầm đang lớn nhưng mấy tháng nay, HTX không dám mở rộng quy mô. Một số giống già bản địa, giống gà đẻ trứng cũng bị giảm đầu tư”, bà Nguyễn Thị Thêu cho biết.
"Gia cố" sức cạnh tranh
Ngoài tác động trực tiếp đến việc kinh doanh của các HTX, doanh nghiệp sản xuất giống trong nước, tình trạng nhập lậu giống gia cầm vào Việt Nam còn ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi về lâu dài.
Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 3,4-3,8 triệu con giống gia cầm nhưng trong đó có đến khoảng 1,5-2 triệu con giống nhập lậu.
Việc nhập lậu giống gia cầm có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến vật nuôi bị nhiễm chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao trong quá trình nuôi. Đây cũng là nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ nước ngoài vào Việt Nam, làm ảnh hưởng đến chất lượng, quy mô ngành chăn nuôi gia cầm cũng như sức khỏe người dân.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam Bộ, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai), cho rằng năng lực sản xuất giống gia cầm của HTX, doanh nghiệp hiện chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển chăn nuôi của người dân nên không thể tránh khỏi tình trạng khi nhu cầu lớn, người dân lựa chọn mua giống nhập lậu với giả rẻ hơn, thậm chí họ còn chấp nhận mua những mẻ giống lỗi.
Chính vì vậy, để gia cố sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi, theo các chuyên gia, các địa phương cần thực hiện nghiêm Công điện số 426/CĐ-TTg của Thủ tướng ngày 18/5/2023 về ngăn chặn gia cầm lậu. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng giống gia cầm trong nước bởi bên cạnh những HTX, doanh nghiệp đăng ký giấy phép kinh doanh còn có rất nhiều cơ sở sản xuất giống gia cầm thủ công, không bảo đảm quy trình, gây khó khăn trong quản lý chất lượng giống.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng việc tạo điều kiện trong phục tráng các nguồn gen gia cầm bản địa đi liền với lai tạo các giống gia cầm có chất lượng tốt sẽ giúp tạo nguồn cung phù hợp với nhu cầu thị trường.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Hòa Mỹ (Hà Nội), các ngành chức năng cần tăng cường khuyến cáo và hướng dẫn người dân lựa chọn các loại giống vật nuôi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, cung cấp thông tin về các cơ sở kinh doanh giống bảo đảm chất lượng để người dân lựa chọn, sẽ phần nào hạn chế được việc sử dụng nguồn giống nhập lậu.
Huyền Trang