Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông (Gia Lai) cho biết, sản xuất cà phê đang đứng trước hệ lụy của biến đổi khí hậu, việc cạnh tranh từ các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn như sầu riêng, một số loại cây ăn quả… Đáng chú ý, dù cà phê phát triển tại 19 tỉnh trên cả nước nhưng nhiều người dân vẫn sản xuất theo kinh nghiệm.
“Đặc biệt, việc thu hái theo kiểu tuốt cành, không đợi cà phê chín đồng loạt mới thu hoạch đang làm giảm chất lượng của cà phê”, ông Thanh chia sẻ.
Nhiều yếu tố khiến người trồng thiệt thòi
Vấn đề mà Giám đốc HTX Ia Mơ Nông đề cập cũng đang là những mối lo chung của ngành hàng cà phê. Vì thời gần đây, giá cà phê tăng và giữ ở mức cao nhưng theo nhận định của các nhà chuyên môn, giá cà phê trong nước tăng thời gian qua chủ yếu là do giá cà phê thế giới tăng chứ chưa phải là do chất lượng cà phê Việt Nam được nâng lên. Thống kê của Cục Chế biến nông lâm sản (Bộ NN&PTNT), việc thu hoạch theo kiểu tuốt cả quả chín và quả xanh khiến sản lượng cà phê giảm khoảng 30%, tương đương với mỗi năm giảm 100.000 tấn.
Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX Danofarm (Đắk Nông) cho biết, không chỉ người dân mà ngay cơ quan quản lý tại nhiều địa phương hiện nay cũng chưa tính toán cụ thể về quy hoạch phát triển cà phê nên dù là cây trồng chủ lực của quốc gia nhưng loại cây này vẫn được trồng và phát triển ồ ạt khi giá lên. Nhưng ngược lại khi giá xuống, cây cà phê cũng bị người dân ở không ít nơi chặt bỏ.
“Việc này tác động không tốt đến bảo đảm năng suất, chất lượng cũng như nguồn thu nhập của người dân, HTX ở những vùng có thế mạnh cây cà phê”, bà Liên chia sẻ.
Quy trình sản xuất của HTX Bích Thao giúp nâng tầm giá trị cây cà phê. |
Một điều mà nhiều nông dân, HTX trồng cà phê lo lắng nữa là hiện cả nước có khoảng 710.000ha cà phê nhưng chỉ có khoảng (4%) diện tích có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN) chế biến, HTX và người dân. Lý do được đưa ra là nhiều người dân vẫn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ theo quy mô hộ từ 0,5-1ha/hộ, việc sản xuất theo quy trình chưa được quan tâm. Cũng có tình trạng liên kết giữa sản xuất-chế biến-xuất khẩu (XK) đã được xây dựng nhưng chưa bảo đảm lợi ích giữa các bên nên liên kết bị phá vỡ.
Theo ông Sndrea Illy, Hiệp hội quốc tế về khoa học thông tin ngành cà phê, có một thực trạng ở Việt Nam là người dân trồng 1ha cà phê nhưng bán đi thu được giá trị rất thấp, còn thương lái không trồng nhưng có thể có trong tay số lượng lớn cà phê nên thu lợi cao hơn.
Trong khi đó, các DN Việt hầu như không thoát ly khỏi các thương lái, các đại lý. Và dù đã có tiêu chuẩn trong XK cà phê nhưng vẫn có DN chỉ bán theo thỏa thuận với những tiêu chí cơ bản như tỷ lệ hạt vỡ, độ ẩm… Điều này khiến cà phê của Việt Nam khó cạnh tranh và tạo được thương hiệu trên thị trường, khiến người nông dân, HTX trực tiếp sản xuất cà phê bị thiệt thòi.
Nâng trách nhiệm, hài hòa lợi ích
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, cà phê là một trong những thế mạnh của Việt Nam nhưng điểm yếu của ngành hàng này vẫn là chưa đầu tư chế biến sâu và phát triển chuỗi giá trị. Trong khi để đầu tư một nhà máy chế biến cà phê bảo đảm quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường cần nguồn vốn không nhỏ. Đây là thách thức với cả HTX, DN.
Vì vậy, cần phải đẩy mạnh chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cho ngành hàng này. Và để làm được điều này rất cần sự hợp tác, chia sẻ về khoa học công nghệ, sự hỗ trợ để xây dựng các mối hợp tác giữa HTX với DN trong nước với DN thế giới, nhất là trong việc kiểm soát chất lượng phục vụ XK.
Bên cạnh đó, để phát triển được các chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, phải có quy hoạch vùng trồng, phải có các chứng nhận cụ thể kết hợp với chuyển đổi số. Bởi muốn nâng được giá trị, cà phê phải đáp ứng được những tiêu chuẩn cụ thể của các nước trên thế giới. Ngay như EU đã có quy định từ ngày 31/12/2024 sẽ cấm bán cà phê có nguồn gốc từ đất bị phá rừng hoặc đất bạc màu đã bị cấm. EU cũng thực hiện kiểm tra vùng trồng thông qua kết nối vệ tinh, nên tất cả các dữ liệu đều phải công khai.
Còn ông Sndrea Illy cho rằng, để nâng cao giá trị thì lợi ích của người trồng, người chế biến và cả nhà XK phải bảo đảm được hài hòa hoặc tìm được tiếng nói chung trong liên kết.
Điều đặc biệt là trong tổng diện tích cà phê ở Việt Nam hiện nay phần lớn đang trong giai đoạn già hóa, không bảo đảm năng suất, chất lượng. Vì vậy, phát triển theo hướng bền vững, sản xuất theo quy trình, có chứng nhận cụ thể là điều cần làm.
Thực tế, đã có những HTX, DN xây dựng những mô hình sản xuất cà phê bền vững. Tuy xét trên tổng thể, những mô hình này còn khiêm tốn nhưng đang đi đúng theo định hướng nên cần được đầu tư để bảo đảm sự lâu dài trong sản xuất và XK.
Tiêu biểu như HTX cà phê Bích Thao (Sơn La) đã chú trọng nghiên cứu, sản xuất và phân phối những giống cà phê phù hợp, có thể chống chịu với thời tiết sương muối tại Sơn La.
Đến nay, HTX đã sản xuất theo quy trình tuần hoàn khép kín. Nhà máy chế biến của HTX có công suất lên đến 20 tấn nhân/ngày. Vỏ, nước thải đều được tái sử dụng làm phân hữu cơ phục vụ trực tiếp cho quá trình canh tác cây cà phê. Nhờ đầu tư bài bản, sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX đứng trong top sản phẩm chất lượng cao trên toàn quốc khi được cấp hạng 5 sao OCOP quốc gia.
Vụ cà phê 2022-2023, HTX đã xuất bán 2000 tấn cà phê nhân, 2 tấn cà phê bột nguyên chất, trong đó 80% XK sang các nước Đức, Pháp, Mỹ. Ngoài thành viên, HTX còn liên kết với 800 hộ dân để xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn cả về chất lượng và số lượng.
Những thành công mà HTX Bích Thao đạt được đã khẳng định vai trò của một mô hình kinh tế tập thể ở địa bàn miền núi khi đưa cà phê thành đặc sản địa phương và cũng thể hiện trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh với ngành hàng. Chính vì vậy, cần coi đây là mô hình mẫu để nhân rộng sẽ giúp ngành cà phê tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Huyền Trang