HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch (Bà Rịa Vũng Tàu) đang đầu tư trồng bưởi đạt tiêu chuẩn cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối, bán lẻ. HTX cũng tận dụng những quả bưởi không đạt chất lượng để làm tinh dầu vỏ bưởi, tinh dầu hạt bưởi. Ngoài ra HTX còn làm chè bưởi, bưởi sấy dẻo để rộng đầu ra. Mong muốn của các thành viên trong HTX là ngoài xuất khẩu được bưởi tươi còn xuất khẩu những sản phẩm chế biến từ bưởi để nâng cao thu nhập, giữ được vùng bưởi truyền thống của địa phương.
Bỡ ngỡ khi xuất khẩu
Chị Sầm Thị Tình, Giám đốc HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (Nghệ An), cho biết tiêu thụ trong nước chủ yếu cho người nước ngoài nhưng để xuất khẩu được thổ cẩm ra nước ngoài là điều không hề dễ vì HTX gặp khó khăn trong việc đổi mới mẫu mã cũng như bất đồng ngôn ngữ.
Mong muốn xuất khẩu là điều mà không ít HTX mong muốn và hướng tới. Bởi theo những người đứng đầu HTX, nhiều nông sản, sản phẩm trong nước ngày càng được đầu tư sản xuất theo quy mô lớn, chế biến sâu. Các HTX cũng sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới, nếu chỉ tiêu thụ trong nước, thị trường khá chật chội. Trong khi tâm lý của không ít người Việt hiện nay là chuộng hàng ngoại. Xuất khẩu không chỉ giúp HTX đa dạng thị trường, gia tăng quy mô thương mại, cải thiện cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực mà còn thể hiện sự quan tâm của các HTX trên thị trường khi tận dụng ưu đãi từ các FTA đã ký kết.
Hiện nay, bằng nhiều cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đã có không ít HTX tham gia xuất khẩu hàng hóa, nông sản, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Nhiều HTX sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ xuất khẩu. |
Tuy nhiên, HTX xuất khẩu đều gặp không ít khó khăn, nhất là đối với những HTX mới khởi nghiệp do thiếu vốn, chất lượng sản phẩm chưa cạnh tranh, chưa theo kịp xu hướng tiêu dùng…
Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, cho biết phần lớn các HTX, nhất là các HTX mới khởi nghiệp được thành lập nhưng chưa hoặc ít được đào tạo bài bản nên khó nắm bắt thông tin về các quy trình từ hưởng các chính sách hỗ trợ đến thủ tục, hồ sơ, quy trình xuất khẩu. Nếu thuê người làm hồ sơ, hỗ trợ xuất khẩu thì chi phí có thể rất cao, trong khi nguồn vốn của các đơn vị này thường có hạn.
Bên cạnh đó, một trong những điều mà các HTX quan tâm hàng đầu lại chính là sản phẩm làm ra có bán được không? Và muốn xuất khẩu được thì phải làm gì bởi vì chỉ khi bán được hàng, xuất khẩu được thì HTX mới có thể tái đầu tư cho sản xuất.
Xây dựng Profile ấn tượng
Những điều mà HTX hướng đến là điều dễ hiểu nhưng theo ông Nguyễn Trung Dũng, CEO của Dh Foods, trước khi muốn xuất khẩu được, các HTX cần phải nhìn nhận lại bản thân xem đã xây dựng một profile đủ ấn tượng, hấp dẫn chưa?
Muốn làm được điều này, HTX phải tuân thủ các bước trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Cụ thể là sản phẩm của HTX phải đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và sau đó đăng ký tại các thị trường xuất khẩu mà HTX hướng tới xuất khẩu. Chi phí cho hoạt động này không cao, chỉ tốn thời gian nhưng giá trị mang lại rất lớn khi giúp HTX cạnh tranh thuận lợi, hạn chế kiện cáo khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Theo vị CEO này, nhiều HTX chưa quan tâm xây dựng và vận hành website. Trang web thường là nơi đầu tiên mà khách hàng nước ngoài tìm hiểu sau khi nhận được offer của HTX. Muốn vậy, website của HTX cần đẩy đủ thông tin, thiết kế logic, bắt mắt, đảm bảo tốc độ đường truyền. Đặc biệt, khi hướng tới mục đích xuất khẩu, website của HTX phải có ít nhất song ngữ Việt-Anh để bảo đảm liên kết với khách hàng. Nếu website không tối ưu thì khả năng cao, khách sẽ rời đi.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nguyễn Anh Holding, cho biết để xuất khẩu được thuận lợi, ngoài chất lượng, các HTX cần đa dạng hóa sản phẩm để khách hàng các nước có thể cân nhắc, lựa chọn. Bởi nếu danh mục sản phẩm của HTX quá ít thì việc tiếp cận với khách hàng nội địa cũng rất khó chứ chưa nói đến khách hàng nước ngoài. Nếu ít sản phẩm, việc cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác sẽ rất khó khăn.
Ngoài ra, điểm yếu mà các HTX hay mắc phải chính trọng lượng và kích thước bao bì. Nhiều sản phẩm hàng Việt xuất khẩu hiện đóng gói lớn nên ngay khâu gửi cho đối tác dùng thử cũng làm tăng chi phí của HTX. Trong khi xu hướng của người tiêu dùng nước ngoài đối với sản phẩm mới là thường thích dùng thử, nếu thấy được thì mới dùng tiếp. Còn nếu đóng túi lớn, người tiêu dùng nước ngoài cũng e dè ngay từ lần đầu sử dụng.
Bà Đỗ Thu Ngân, chuyên gia tài chính đầu tư ở Canada, cho biết dù xuất khẩu sang đâu thì đều có công thức chung đó là tìm hiểu thị trường, tìm hiểu các đối tượng khách hàng. Có làm tốt các bước này thì HTX và doanh nghiệp mới tiết kiệm chi phí về quảng bá, marketing…
Nhưng có một điều là muốn tiếp cận khách hàng tốt thì ngay từ web đến bao bì sản phẩm, tài liệu quảng cáo phải song ngữ hoặc đáp ứng được ngôn ngữ của thị trường hướng đến. Như muốn tiếp cận thị trường Canada, bao bì, web, tài liệu cần phải có cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Đơn vị xuất khẩu cũng phải tính toán ngay cả phương pháp vận chuyển, việc vận chuyển hàng về tận các địa phương cần tính toán cụ thể vì mỗi bang, mỗi thành phố của nước đó thường có chính sách, cách thức, con đường vận chuyển khác nhau.
Đặc biệt, khách nước ngoài cũng thường tìm hiểu nhu cầu, lượng khách trong nước để thấy được tính hiệu quả, chất lượng của sản phẩm. Do đó, việc phát triển thị trường nội địa cũng là nền tảng quan trọng đến thúc đẩy xuất khẩu, tiếp cận khách hàng nước ngoài.
Một điều đáng lưu ý là ở Canada, khâu thủ tục hành chính rất lâu, chậm. Điều này không phải vì quy trình, công nghệ của họ chưa phát triển mà mọi người dân đều rất muốn đọc văn bản, họ muốn để cân đối tất cả các vấn đề một cách hoàn chỉnh trước khi ra quyết định. Chính vì vậy, hối thúc đối tác thường không mang lại hiệu quả cao khi làm việc với doanh nghiệp ở Canada.
Huyền Trang