Lúc 6h sáng 25/1, miền Bắc vẫn chìm trong giá rét do không khí lạnh mạnh tăng cường, 20 tỉnh, thành có nhiệt độ dưới 10 độ C, trong đó đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -2,6 độ C, thấp nhất trong 11 năm qua. Sau đó là Sa Pa (Lào Cai) 2,7 độ C; Đồng Văn (Hà Giang) 2,8 độ C; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 3,3 độ C; Trùng Khánh (Cao Bằng) 3,6 độ C... Các địa phương ở khu vực Bắc Trung Bộ cũng chịu thời tiết rét hại với nhiệt độ 9 - 12 độ C.
Khung cảnh đối lập
Theo lịch thời vụ, các thành viên HTX nông nghiệp Thống Nhất (Thạch Hà-Hà Tĩnh) đã tiến hành xuống giống vào ngày 17-18/1. Tuy nhiên, khi gặp nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa những ngày sau đó đã khiến một số diện tích mạ của thành viên bị ngập chết hoặc kém phát triển, nguy cơ phải xuống giống lại lần hai rất cao. Hiện, các thành viên HTX phải thường xuyên bám đồng để dùng nilon che cho diện tích còn lại và bơm, tháo nước để duy trì mực nước trên mặt ruộng từ 2 - 3 cm để mạ không bị chết.
Còn tại HTX Sản xuất kinh doanh nông lâm nghiệp xã Hồng Thái (Lạng Sơn), dù đã không chăn thả nhưng chuồng trại chủ yếu đầu tư theo hình thức mở nên các thành viên khá lo lắng cho sức khỏe đàn trâu, bò vì nền nhiệt độ đã xuống mức rất thấp. Các thành viên đã thực hiện bật đèn ở khu vực chuồng nuôi 24/24h, cho bò ăn thức ăn ủ chua, che thêm bạt để hạn chế gió lùa…
Hiện nay, tình trạng băng tuyết mới xảy ra ở một số địa phương nhưng theo các HTX, nếu tình trạng này kéo dài, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp là không hề nhỏ vì ngành nông nghiệp hiện nay vẫn sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên.
Thống kê nhanh của các tỉnh miền núi đến 20h ngày 24/1 cho thấy, đợt rét đậm, rét hại này đã làm 38 con gia súc bị chết; trong đó Cao Bằng là tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất với 27 con (23 con trâu, 4 con bò). Tiếp đến là Bắc Kạn với 10 con (1 con trâu, 7 con nghé, 2 con dê), Điện Biên đã có thiệt hại 1 con nghé.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng tình trạng vật nuôi như trâu, bò, dê… chết do rét đậm rét hại vẫn xảy ra hàng năm ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, nhiều cây trồng cũng cũng thiệt hại do nền nhiệt xuống thấp. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng cũng như tổng đàn vật nuôi của cả nước mà còn trực tiếp làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, HTX.
Đường lên đỉnh Mẫu Sơn ùn tắc cho thấy tiềm năng từ du lịch băng tuyết. |
Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ bởi rét đậm rét hại nhưng chính từ nền nhiệt độ và điều kiện thời tiết như vậy lại lại là động lực cho nhiều người hứng khởi đến các địa điểm như đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn), đỉnh Phia Oắc (Cao Bằng), đỉnh đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai)… để ngắm băng tuyết.
Thống kê từ khu du lịch Mẫu Sơn cho thấy, chỉ trong hai ngày 23 và 24/1 đã có đến hơn 5.000 du khách lên đỉnh Mẫu Sơn xem băng tuyết dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài.
Việc cây trồng, vật nuôi bị chết và người dân ùn ùn đi xem băng tuyết đã tạo ra khung cảnh đối lập. Người dân, HTX làm nông nghiệp lo lắng khi nhiệt độ xuống thấp thì lại là cơ hội cho một số điểm du lịch bởi băng giá, mưa tuyết ở Việt Nam vốn là điều xa xỉ mà thiên nhiên ban tặng. Vì thế, băng tuyết xuất hiện tạo sự hấp dẫn khó cưỡng đối với nhiều người. Thậm chí trong thời đại hiện nay, du lịch ngắm băng tuyết trở thành trào lưu.
Thay đổi để thích ứng
Trước thực tại trên, nhiều ý kiến cho rằng thay vì lên án việc nhiều người hứng khởi khi đi ngắm băng tuyết thì nên có những hoạt động thiết thực giúp đỡ những người nông dân chăn nuôi, sản xuất bị thiệt hại khi rét đậm rét hại.
Nhưng cũng có ý kiến nêu vấn đề, trước khó khăn trên, thay vì chịu đựng thì cơ quan quản lý, người dân, HTX ở những vùng này cũng cần thay đổi tư duy trong sản xuất kinh doanh. Bởi băng tuyết làm cho ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề thì lại là cơ hội cho ngành dịch vụ, du lịch phát triển.
Bà Nguyễn Thu Liên (Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch) cho biết trên thế giới cũng xuất hiện băng tuyết và đây được coi là điều kiện tự nhiên bình thường, cũng là cơ hội để phát triển nhiều ngành nghề khác như du lịch, thể thao…, từ đó kéo theo nhiều ngành nghề đi kèm phát triển.
Chính vì vậy, cơ quan quản lý, người dân, HTX cũng cần thay đổi tư duy cũng như thay đổi cách làm kinh tế để phục vụ mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập, lợi nhuận. Và băng tuyết là do thời tiết gây ra nên thay vì ngồi yên chịu thiệt hại thì nên có biện pháp ứng phó, thích ứng với điều kiện tự nhiên và biến nó từ khắc nghiệt thành lợi thế. Việc người dân, HTX thay đổi để thích ứng, phục vụ du lịch cũng là một cách phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Phúc Thắng, Giám đốc HTX Nông trang sinh thái Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cho biết, dần dần, việc sản xuất của nông dân, HTX sẽ thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên thông qua việc đầu tư vào khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến. Ngay như việc sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu rét, đẩy mạnh chế biến, sử dụng nhà kính cũng giúp hạn chế tác động của thời tiết, từ đó thu hút khách du lịch thuận lợi.
“Nhiều khi nghịch cảnh cũng lại là cơ hội cho người dân, HTX. Nên thuận theo nó có khi lại mang lại hiệu quả hơn là nghịch. Nếu vùng lạnh làm nông nghiệp không hiệu quả thì có thể chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sang canh tác mùa khác thuận lợi hơn như làm vụ sớm, hoặc thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh khác”, ông Thắng nói.
Có thể thấy, thay đổi tự nhiên là điều không thể, chỉ có con người phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện tự nhiên thì mới không bị thiên nhiên "nhấn chìm". Do đó, việc tìm biện pháp để giảm thiểu thiệt hại, thay đổi dịch vụ, hướng sản xuất kinh doanh một cách phù hợp cần được xem xét và thực hiện ở các HTX, các chủ trang trại và cả người dân. Nhưng muốn có được hiệu quả cao, cần sự hỗ trợ trực tiếp từ các cơ quan quản lý để các HTX, người dân có kế hoạch chuyển đổi một cách phù hợp với điều kiện địa phương cũng như thích ứng với nhu cầu thị trường.
Huyền Trang