Điểm sáng từ những mô hình điểm
Nhờ dồn điền đổi thửa, áp dụng quy trình canh tác hiện đại, đưa vào sản xuất nhiều bộ giống mới nên vụ thua hoạch vừa qua, HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Giang 2, thành phố Đông Hà đạt năng suất lúa bình quân 53 tạ/ha. Bên cạnh đó, các thành viên đã tận dụng đất vườn, đưa vào trồng các loại rau màu có giá trị cung cấp cho thị trường đem lại thu nhập từ 100 đến 110 triệu đồng/ha. Đồng thời, HTX đã vận động thành viên chuyển những diện tích trồng trọt kém hiệu quả và diện tích mặt nước, đào hồ, mở rộng diện tích nuôi tôm theo hướng cộng đồng, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau về vốn, giống, kinh nghiệm, xây dựng hạ tầng.
![]() |
Dồn điền dổi thửa giúp các HTX ở Quảng Trị cơ giới hoá trong sản xuất, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất (Ảnh: Phạm Duy) |
Ông Hoàng Đình Anh, Chủ tịch HĐQT HTX Đông Giang 2 cho biết “Ngoài việc đảm nhận các khâu dịch vụ, HTX đã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp cung ứng đầy đủ các loại vật tư, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, đặc biệt là tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm nên các thành viên rất gắn bó, tin tưởng, yên tâm, phấn khởi làm ăn”.
Sau khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình mới với năm 2016, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh xác định nhiệm vụ quan trọng là tìm các biện pháp để nâng cao thu nhập cho các thành viên và có nhiều đóng góp cho địa phương. Việc quan trọng nhất được HTX quan tâm đó là hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, sửa chữa nâng cấp hệ thống kênh mương, sử dụng các loại giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh, xây dựng các vùng chuyên canh, sản xuất cánh đồng lớn.
Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Phước Thị cho biết, khi triển khai đơn vị gặp không ít khó khăn nhưng qua thực tế thực hiện các mô hình từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao nên các hộ gia đình đồng tình ủng hộ và tích cực hưởng ứng tham gia. “Cho đến nay, ngoài tổ chức sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, HTX đã nhân rộng mô hình canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, không chỉ cho năng suất, sản lượng cao mà sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, bán được giá, đặc biệt hạn chế tình trạng ô nhiêm môi trường trên đồng ruộng”, ông Giang chia sẻ.
Ngoài thâm canh cây lúa, HTX còn tuyên truyền, vận động các hộ gia đình cải tạo vườn tạp, khai thác vùng cát, trồng các loại rau màu thực phẩm và phát triển chăn nuôi có quy mô. Nhờ vậy, doanh thu, lợi nhuận của đơn vị ngày càng tăng, thu nhập của thành viên ngày càng cao.
Góp phần xoá nghèo, xây dựng nông thôn mới
Thực tế cho thấy, thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, KTHT ở Quảng Trị đã có bước phát triển về chất lượng và tạo ra hướng đi mới hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 289 HTX nông nghiệp với 72.771 thành viên, doanh thu bình quân HTX/năm đạt 992 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 114 triệu đồng. Qua khảo sát, đánh giá cho thấy có 16% HTX đạt loại tốt, 33,8% loại khá, 45,6% loại trung bình và 4,6% loại yếu.
![]() |
Sản xuất lúa hữu cơ ở HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ huyện Gio Linh (Ảnh:TL) |
Đặc biệt, năm 2019 có 20 đơn vị được UBND tỉnh công nhận là HTX kiểu mới, đây là những đơn vị đã giúp cho các hộ gia đình liên kết với nhau, thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phát triển lên thành sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, đảm nhận các khâu dịch vụ, nhất là cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên với giá thấp nhất và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với giá bán cao nhất, đặc biệt, liên kết với doanh nghiệp, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học, tạo ra nông sản sạch.
Mặt khác, nhiều đơn vị đã chú trọng việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm, quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm cơ hội ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, những HTX này đã trích quỹ phúc lợi và huy động sự đóng góp của thành viên, cùng với địa phương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa.
Ông Cáp Kim Thánh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, trong những năm qua, nhiều mô hình HTX hoạt động trên địa bàn đã có những thay đổi mạnh mẽ, đột phá so với trước. Đặc biệt, nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới đã khẳng định được vai trò, hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đóng góp hiệu quả cho công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng như cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
“Thực tế cho thấy HTX nông nghiệp, đặc biệt là mô hình HTX kiểu mới có vai trò, vị trí rất quan trọng khi vừa hỗ trợ các thành viên tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Do đó, ngoài sự nỗ lực của các HTX, điều quan trọng là các cấp, các ngành cần có cơ chế, chính sách và các giải pháp củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, ông Cáp Kim Thánh cho biết.
Phương Nam