Bà Trần Thị Nhung, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn (Quảng Trị), cho biết do chịu tác động từ biến đổi khí hậu nên những giống sắn cũ tại địa phương thường bị nhiễm bệnh, thoái hóa, năng suất thấp. Nếu có những giống sắn có khả năng chịu bệnh cao, năng suất tăng sẽ giúp cho HTX thuận lợi trong việc chế biến, nâng doanh thu.
Chưa phù hợp để chế biến
Theo ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam (Sơn La), ở địa phương hiện trồng khá nhiều giống bơ như bơ sáp, bơ nếp, bơ đốm trắng vỏ tím…, nhưng có một đặc điểm là các giống bơ này thường có vỏ mỏng nên dễ hư hỏng, dập nát khi thu hái, vận chuyển. Thời gian chín của các giống bơ cũng ngắn ngày, rộ vụ nên vẫn bị phụ thuộc nhiều vào thị trường, đầu ra chưa ổn định, đặc biệt rất khó để xuất khẩu.
Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, xuất khẩu rau củ quả liên tục tăng, 6 tháng đầu năm 2024 đạt kim ngạch gần 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Đi liền với đó, nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng nên nhu cầu cây giống ở Việt Nam tăng 300 triệu cây/năm. Tuy nhiên, nguồn cung từ thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu về giống sản xuất của người dân và HTX.
Đáng chú ý, về mặt chất lượng, nhiều giống cây trồng dường như chưa có sự tiến bộ trong nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu.
Việc nghiên cứu, trồng những giống bơ phù hợp sẽ tránh tình trạng được mùa mất giá. |
Bà Đoàn Thị Yến, chủ một doanh nghiệp chế biến đồ ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội, cho biết nhu cầu hiện nay của doanh nghiệp là cần những trái cam vỏ vàng, vị ngọt đậm để chế biến nước sốt cho các món ăn nhưng loại cam này chủ yếu là nhập khẩu. Trong khi ở Việt Nam hiện phổ biến dòng cam sành nên dù nhiều khi giá xuống chỉ có 2.000 đồng/kg, đơn vị cũng không thể mua về chế biến nước sốt.
Hay với quả chanh, nhiều người dân Việt Nam dưới góc độ người tiêu dùng vẫn ưa chuộng giống chanh có hạt truyền thống vì mùi thơm hơn, nhiều nước cốt và vỏ mỏng, dễ vắt hơn chanh không hạt. Nhiều người cũng cho rằng chỉ có thực phẩm biến đổi gen mới tạo ra những quả chanh không hạt.
Nhưng trên thế giới và ngay trong ngành thực phẩm, loại chanh vỏ vàng không hạt mới thích hợp để pha chế các loại nước uống, phục vụ chế biến vì mùi thơm dịu, độ chua thanh, không bị đắng. Giá của chanh vàng cũng cao hơn với chanh có hạt truyền thống ở Việt Nam.
Những thực tế từ HTX và doanh nghiệp cho thấy, hiện chỉ có khoảng 10% nông sản Việt Nam được chế biến đạt chất lượng quốc tế một phần là do một số giống cây chưa phù hợp để nâng cao giá trị gia tăng nên rất khó đáp ứng nhu cầu thị trường đặt ra.
Ngay như việc nhiều địa phương hiện nay mở rộng diện tích xoài Đài Loan nhưng khi bán trên thị trường mới nhận thấy loại xoài này không được đánh giá cao về mùi vị. Còn giống “mít ta” dù được nhiều người Việt ưa chuộng nhưng lại khó ra trái đồng đều, mùi đậm, thịt hay bị nát, nhiều nhựa gây khó khăn trong vận chuyển, chế biến.
Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai) Lý Minh Hùng cho biết do tính chất đặc thù đối với một số loại hàng nông sản như chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, có tính thời vụ nên thường gặp khó khăn trong vận chuyển, lưu trữ, đóng gói, chế biến và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng. Cũng có những loại nông sản lại có mùi vị quá đậm, ít chất dinh dưỡng như một số giống bơ, sầu riêng… nên cần có sự cải tiến về giống để phù hợp với quá trình nâng cao giá trị gia tăng.
Cần đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và thị trường
Trước thực tế này, Ts Nguyễn Hồng Sơn (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, nhu cầu về giống nông sản luôn thay đổi. Nếu như trước đây, yêu cầu về giống cây trồng, vật nuôi thường hướng đến làm sao đạt năng suất, sản lượng cao thì nay các giống cây - con còn cần phải thích ứng với hạn mặn, biến đổi khí hậu, chế biến sâu, sản xuất tuần hoàn. Chính vì vậy, nghiên cứu về giống cần có sự chuyển biến, cải tiến, tiếp nối phù hợp với nhu cầu của thực tiễn.
Ngay như ở Thái Lan chỉ một giống lúa nhưng họ liên tục nghiên cứu, cải tiến để nâng cao chất lượng giúp hiệu quả sản xuất rất cao và khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Còn ở Trung Quốc, quốc gia này cũng luôn có những nghiên cứu mang tính chất cải tiến về giống để cho ra những loại quả ít hạt, thuận lợi cho chế biến, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân như mận dóc hạt, các loại củ có trọng lượng to để thuận lợi cho sơ chế, chế biến. Ngay cả giống lúa, gần đây Trung Quốc đã nghiên cứu thành công giống lúa “khổng lồ” nhằm thích ứng với những vùng đất cằn đang chịu tác động của biến đổi khí hậu và cho năng suất cao, phục vụ xuất khẩu…
Trong khi hiện nay, việc nghiên cứu giống ở Việt Nam vẫn được giới chuyên môn đánh giá là còn khiêm tốn, chưa đa dạng và chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng cũng như xuất khẩu. Ngay các giống hoa hiện nay vẫn còn khá ảm đạm, thiếu sự đặc sắc so với các giống hoa thế giới nên chưa đáp ứng được nhu cầu vừa làm kinh tế vừa làm du lịch nông nghiệp của nhiều HTX.
Do đó, để mang lại lợi nhuận cho chính người dân, HTX và cả doanh nghiệp, Ts Nguyễn Hồng Sơn cho rằng cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn để các viện nghiên cứu trong nước có thể thuận lợi trong liên kết, hợp tác với các tổ chức, viện nghiên cứu nước ngoài trong khai thác nguồn gen tiên tiến. Bên cạnh đó, người dân, HTX khi đầu tư cho sản xuất, cần tìm hiểu rõ nhu cầu thị trường để việc xuống giống, nuôi trồng được phù hợp.
Hiện, với nhu cầu ăn kiêng, ăn uống khoa học ngày càng tăng thì việc nghiên cứu và trồng những giống lúa ít đường bột, nhiều chất xơ, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ cần thiết hơn những giống lúa thông thường.
Hay với quả bơ, nếu muốn hướng đến xuất khẩu thì việc nghiên cứu, trồng những giống bơ vỏ cứng, có thể cho thu hoạch trái vụ sẽ thuận lợi hơn những giống bơ hiện nay. Còn nếu HTX, người dân muốn liên kết với doanh nghiệp chế biến dược liệu, món ăn thì cần tìm kiếm những giống bơ giàu dưỡng chất, tinh dầu để dễ dàng trong liên kết tiêu thụ.
Huyền Trang