Không giống với những HTX nông nghiệp khác, diện tích đất sản xuất của HTX Hoàng Xá không thuộc diện xây dựng nông thôn mới, mà nằm trong vùng quy hoạch đô thị của thị trấn Quốc Oai. Vì vậy, để phát huy tối đa vai trò trong sản xuất nông nghiệp, HTX gặp rất nhiều khó khăn, như: không thể khoanh vùng, không quy hoạch được đồng bộ và khó ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Giải "bài toán" đất nông nghiệp bị thu hẹp
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Giám đốc HTX Hoàng Xá cho biết: “Trong quá trình phát triển, HTX đã mất dần đất nông nghiệp cho đô thị hóa, công nghiệp, dịch vụ. Năm 2010, diện tích đất canh tác nông nghiệp là 400 ha, hiện chỉ còn khoảng 125 ha, trong đó 35 ha bị bỏ hoang. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân không chú trọng, thường xuyên bỏ hoang ruộng đất”.
![]() |
Ban giám đốc HTX Hoàng Xá động viên nông dân canh tác, bám ruộng, thúc đẩy sản xuất |
Không chỉ vậy, trên địa bàn huyện Quốc Oai còn có nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp thu hút các lao động trong độ tuổi đến làm việc, với mức thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/người/tháng, cao gấp nhiều lần so với là nông. Bởi thế, những người trẻ ở đây không mấy ai còn mặn mà với nghề nông, ra đồng chủ yếu chỉ thấy người trung tuổi.
“Quá trình đô thị hóa khiến cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống tưới tiêu bị chia cắt, là nguyên nhân dẫn đến ngập úng, sâu bệnh, chuột bọ. Hơn nữa, do biến đổi khí hậu và thói quen canh tác lạm dụng thuốc hóa học nên tình trạng đất xuống cấp, ruộng hoang trở nên tràn lan”, ông Thiết cho hay.
Bên cạnh đó, đa phần bà con nông dân chưa khai thác được thế mạnh của cây trồng ở địa phương, nhiều hộ vẫn còn lúng túng trong chuyển đổi do không đủ quỹ đất, thủ tục chuyển nhượng phức tạp, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu thông tin.
Theo thống kê từ Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng trên dưới 5.000 ha đất đang bị bỏ hoang nằm ở rải rác các huyện, thị xã, càng gần đô thị càng nhiều. Tại huyện Quốc Oai có những vụ mùa bỏ không tới 700-900 ha. Nhằm hạn chế tình trạng này, chính quyền đã khuyến khích, hỗ trợ các hộ cá nhân, HTX tập hợp ruộng lại để canh tác. Huyện sẽ hỗ trợ 50% chi phí hóa chất xử lý môi trường, xã hỗ trợ giải quyết các thủ tục trong việc thuê ruộng, đảm bảo về mặt an ninh.
Cần chính sách đặc thù
Theo Ban giám đốc HTX, có nhiều cách để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp như trồng cây ngắn ngày xen kẽ với cây dài ngày: trồng đào cảnh, hoa cúc, hồng, rau màu, bưởi Diễn, nhãn chín muộn… Được lợi thế không phải cải tạo đất, nhưng vùng sản xuất của HTX lại nằm trong vùng quy hoạch của TP nên phải tuân thủ các trình tự, thủ tục trong việc xin phép chuyển đổi.
Sau nhiều trăn trở, ông Nguyễn Hữu Thiết quyết định tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao, hạn chế tối đa diện tích nông nghiệp bị bỏ hoang.
![]() |
Các thành viên HTX Hoàng Xá đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm |
Thời gian qua, cũng nhờ sự giúp đỡ của Liên minh HTX TP Hà Nội, HTX Hoàng Xá đã phối hợp với các bên cử cán bộ phụ trách địa bàn đến hướng dẫn bà con xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, HTX thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan mô hình mẫu để thành viên học hỏi kinh nghiệm, mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Nhờ vậy, 11 ha rau màu, trồng hoa, cây cảnh của HTX trở thành vùng chuyên canh đầu tiên thị trấn Quốc Oai. Mỗi năm, bà con trồng 2 vụ, sản phẩm thu hoạch được thương lái thu mua tại ruộng với giá cao. Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận trung bình đạt 90 triệu đồng/ha, cao gấp 2-3 lần cấy lúa.
Ông Nguyễn Văn Dũng (Tổ dân phố Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai) chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ của HTX, gia đình tôi có điều kiện được tiếp cận đến những mô hình kiểu mẫu. Từ đó, tôi đầu tư chuyển đổi trên 2ha lúa canh tác kém hiệu quả sang trồng hoa cúc, đào, rau màu. Hiệu quả kinh tế rõ rệt, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá hơn hẳn”.
Để phục vụ sản xuất cho các diện tích còn lại, chủ yếu là cấy lúa, HTX nghiên cứu, lựa chọn những giống mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất làm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, giảm sức lao động.
Hằng năm, HTX thường xuyên đầu tư nạo vét kênh mương, giải quyết kịp thời tình trạng ngập úng, kiểm tra phòng trừ sâu bệnh trên lúa cũng như cây trồng.
Thế nhưng, hành trình vượt khó của bà con làm nông nơi đây vẫn còn tiếp tục. Bà Triệu Thị Huyền (Tổ dân phố Hoa Vôi, thị trấn Quốc Oai) cho hay: “Gia đình tôi tự đầu tư hơn 1 tỷ đồng tiền giống, cơ sở hạ tầng, phân bón để trồng 8 sào cúc, 4 sào hoa hồng, 5 sào đu đủ. Tuy nhiên, khi mới chuyển đổi, chúng tôi rất khó khăn tiếp cận nguồn vốn Nhà nước, đa phần là tự xoay xở, hơn nữa lại thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh”.
“Từ những khó khăn của bà con, Ban giám đốc HTX Hoàng Xá mong muốn, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX TP Hà Nội và các cấp ngành đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, phù hợp với cơ chế hiện tại của địa phương, phối hợp các sở, ngành liên quan hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ triển lãm, học tập kinh nghiệm để quảng bá sản phẩm. Thông qua các kênh, HTX gặp gỡ doanh nghiệp để liên kết tìm đầu ra bao tiêu cho nông sản của các thành viên”, Giám đốc Nguyễn Hữu Thiết bày tỏ.
Tô Thương