Việc Tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp vừa được thành lập được đánh giá là giúp người dân xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn trong ứng dụng máy móc vào sản xuất.
Tổ hợp tác, HTX vào cuộc
Theo đó, Tổ hợp tác sẽ liên kết với các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp, tập hợp các chủ máy cùng hợp tác, phục vụ bà con các dịch vụ như: làm đất, gieo cấy, thu hoạch, vận chuyển… Điều này giải quyết tình trạng ép giá, tăng giá dịch vụ vào mùa thu hoạch, giúp người dân được sử dụng dịch vụ với chi phí hợp lý, tránh hao hụt nông sản, từ đó bảo đảm lợi nhuận, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác.
Thực tế, mô hình tổ hợp tác, HTX dịch vụ nông nghiệp phục vụ các khâu đầu vào, hỗ trợ người dân ứng dụng máy móc vào sản xuất phát triển ở nhiều tỉnh, thành. Các dịch vụ này cũng giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho chính thành viên HTX.
Điển hình như các HTX đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy cày, làm dịch vụ phun thuốc trừ sâu, làm cỏ, vận chuyển phân bón cho nông dân ra ngoài đồng, vận chuyển nông sản về nhà… đang giúp tỷ lệ cơ giới hóa ở các khâu trong sản xuất được nâng cao.
Theo các chuyên gia, nếu người dân tự làm, tự sản xuất thì chắc chắn hiệu quả không cao bằng việc sử dụng dịch vụ, máy móc của các HTX. Bởi, người dân tự làm thì mang tính tự phát, không có tổ chức, quy trình, nguyên vật liệu đầu vào phụ thuộc vào các đại lý vật tư nông nghiệp tại địa phương. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng máy móc không đồng bộ dẫn đến chi phí thuê mướn máy móc cao, lại không có lực lượng hướng dẫn sử dụng theo quy trình và bị thụ động.
Tuy nhiên, do chủ động đầu tư, tập hợp được các chủ máy và hoạt động theo nguyên tắc vì lợi ích thành viên nên hầu hết các HTX có máy móc đều đứng ra làm đầu mối cung ứng dịch vụ cày bừa, trục phá đất, thu hoạch… với giá thấp hơn bên ngoài khoảng 10-15%. Thậm chí có HTX miễn phí dịch vụ thuê máy móc cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn hay miễn phí vận chuyển nông sản, chỉ thu trước 50% phí, phần còn lại cho thành viên trả chậm.
Nhiều HTX gặp khó trong việc đầu tư máy cấy để phục vụ thành viên, người dân. |
Còn việc HTX đứng ra làm đại lý cấp 1 cung cấp giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng giúp thành viên giảm ít nhất 5-15% tiền chi phí đầu vào, đảm bảo thực hiện theo cơ cấu giống của địa phương. Đây chính là ưu điểm của mô hình HTX làm dịch vụ nông nghiệp.
Ông Võ Hoàng Kha, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà (Cà Mau), cho biết ở các khâu thu hoạch lúa và làm đất, nếu nông dân tự làm sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các chủ máy gặt, máy cày bừa tại địa phương hoặc ở tỉnh ngoài đến làm dịch vụ. Tình trạng các chủ máy liên kết với nhau để nâng giá dịch vụ thu hoạch lúa hay bỏ gặt diện tích lúa của một hộ nào đó, làm đất ẩu, tiến độ làm đất chậm, gặt vào ban đêm hoặc không theo giờ đã hẹn… gây khó khăn cho nông dân.
Đầu tư lớn, khó tiếp cận vốn hỗ trợ
Lợi ích và vai trò của các HTX, tổ hợp tác làm dịch vụ đã rõ nhưng thực chất mô hình này cũng gặp không ít khó khăn, rào cản.
Nhiều HTX đã mua sắm, đầu tư các loại máy móc, hỗ trợ kinh phí làm dịch vụ cho thành viên, nông dân nhưng hiệu quả chưa cao. Đơn cử như các HTX làm dịch vụ mạ khay, cấy máy muốn gieo được mạ lại phải đi phải thuê mặt bằng lớn nhưng gần đến mùa vụ mới sử dụng nên gây lãng phí. Cùng với đó, các công cụ hỗ trợ sản xuất như: giàn gieo mạ, khay mạ, giá thể... tuy kinh phí đầu tư lớn nhưng chỉ khi vào vụ sản xuất mới sử dụng.
Thông thường một chiếc máy cấy có giá trên dưới 100 triệu đồng, máy gặt đập liên hợp có giá khoảng 600 triệu đồng, máy cày có giá vài trăm triệu đồng... Vì chi phí đầu tư lớn nên nếu không huy động được vốn từ thành viên, nhiều HTX phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Điều này cũng gặp khó khăn vì thủ tục phức tạp. Ngoài ra, thành viên trong ban quản trị HTX đứng ra vay vốn phải thế chấp bằng tài sản cá nhân. Điều này cũng không thuận lợi vì người thân của một số thành viên ban quản trị không đồng tình, như vậy HTX không thể vay vốn.
Đó là chưa kể muốn vay vốn từ ngân hàng phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh, quản lý, sử dụng máy móc hiệu quả, tránh rủi ro, thua lỗ. Đây cũng là khó khăn của nhiều HTX.
Trong khi các chính sách hỗ trợ đầu tư máy móc, cơ giới hóa… như Nghị định số 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ mua máy móc đều rất khó đến với các HTX vì các quy định, điều khoản cho vay rất ngặt nghèo. Cả hai nghị định này hiện đang ưu tiên cho các cá nhân, hộ gia đình vay vốn, chưa ưu tiên cho vay tập trung theo vùng sản xuất hàng hóa nên nhiều HTX rất khó tiếp cận.
Hay Nghị định số 02/2010/NĐ-CP quy định HTX phải có tài sản đảm bảo, nguồn vốn chủ sở hữu mới được hỗ trợ. Vậy nhưng theo ông Võ Hoàng Kha, rất ít HTX có trụ sở, có đất “chính chủ” để làm tài sản đảm bảo hợp pháp, nên tỷ lệ HTX được hưởng chính sách này không nhiều. Chính vì vậy mà nhiều HTX mới ứng dụng máy móc nhưng không được đồng bộ. Tại HTX dịch vụ nông nghiệp Thái Thuy (Thái Bình) do khó khăn về diện tích mặt phẳng làm mạ khay cùng với chi phí mua máy nên hiện người dân và thành viên không sử dụng máy cấy mà thay vào đó sử dụng hình thức sạ 100%.
Có thể thấy, để phát triển nông nghiệp hiện đại, cơ giới hóa đồng ruộng là tất yếu, nhất là trong điều kiện lao động ở các vùng nông thôn hiện nay đang thiếu và già hóa. Việc để các HTX làm các dịch vụ nông nghiệp, đầu tư máy móc phục vụ thành viên có lợi thế rất lớn vì giảm chi phí, nâng hiệu quả. Các HTX cũng có thế mạnh về am hiểu đồng đất địa phương, là chủ thể quan trọng trong việc hình thành các hợp đồng liên kết. Chính vì vậy, các chính sách về cơ giới hóa, khuyến nông cần tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ.
Các địa phương, tổ chức, dự án thay vì chỉ tập trung hỗ trợ những mô hình cơ giới hóa điểm thông qua HTX cần tạo điều kiện để các mô hình này nhân rộng, duy trì ứng dụng máy móc lâu dài. Đây cũng là cách giúp các HTX phát triển, phát huy vai trò của mô hình kinh tế tập thể.
Huyền Trang