Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mỗi năm, Việt Nam chịu ảnh hưởng từ 10 - 15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 5 - 7 cơn bão trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Quan trọng nhất là chọn đất phù hợp
Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, chỉ riêng cơn bão số 3 (bão Yagi) có thể khiến GDP cả nước năm 2024 giảm 0,15% so với kịch bản đề ra (6,8-7%). Riêng thiệt hại nông nghiệp được Bộ NN&PTNT ước tính lên đến hơn 30.800 tỷ đồng, chiếm 38% tổng thiệt hại kinh tế.
Hoạt động ở vùng bị ảnh hưởng bởi mưa bão, HTX du lịch Tả Phìn (Lào Cai) có một số công trình phục vụ du lịch bị phá hủy. Đặc biệt, sau bão số 3, HTX đã dọn dẹp, khắc phục để đưa hoạt động du lịch, phục vụ khách quay trở lại nhưng những lo lắng về tình hình sạt lở, sụt lún tại những vùng núi cao và ven sông suối vẫn thường trực trong các thành viên.
Trước vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng HTX làm du lịch nông nghiệp cần học cách tiếp cận quy hoạch, kiến trúc để tái cấu trúc hoặc xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp một cách phù hợp nhằm ứng phó thiên tai.
Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, sẽ gây rủi ro lớn cho ngành du lịch nông nghiệp, hậu quả của mưa bão là không hề nhỏ.
Đầu tư mô hình du lịch nông nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn từ thiên tai, biến đổi khí hậu, nên thành viên HTX phải có tư duy sắc bén và không được nản lòng. |
Đặc biệt, trước đây, những cơn bão thường chỉ có sức gió giật cấp 10, nhưng bão số 3 vừa qua đã đạt cấp 14 giật cấp 17. Do đó, những thành viên HTX, người dân làm du lịch nông nghiệp phải có tư duy sắc bén, có độ am hiểu nhất định để xây dựng, thiết kế được những mô hình du lịch giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Du lịch nông nghiệp, cho biết việc đầu tiên HTX cần quan tâm đó là chọn đất. Điều này rất quan trọng vì chọn đất phù hợp thì những công việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng và đi vào hoạt động sau này của homestay, farmstay sẽ thuận lợi hơn.
Thực tế cho thấy, nhiều HTX đầu tư mô hình du lịch nông nghiệp nhưng khi mua đất lại theo trào lưu, theo "cò", môi giới. Những đối tượng này chỉ bám vào giá và không hiểu hết được những yếu tố cần thiết để giúp mô hình du lịch nông nghiệp hạn chế bị tàn phá bởi gió bão, mưa lũ...
Do đó, khi chọn đất đầu tư, HTX phải nghiên cứu và nên chọn những vùng đất cao hơn so với đỉnh lũ từ 3-5 m để tránh tình trạng bị ngập lụt do mưa đột biến sau mưa bão.
HTX cũng có thể chọn đất ở vị trí khuất gió, được che chắn bởi địa hình cao để giảm tác động của gió bão, tránh chọn đất phía dưới đồi trọc hoặc rừng trồng (rừng keo) vì đây là những nơi rất dễ sạt lở do xói mòn đất.
Cũng nên xem vùng đó có bị san gạt đất hay không. Bởi thực tế nhiều khu đất đồi núi bị sạt lở thời gian qua là do đã diễn ra hoạt động san gạt đất để phục vụ làm đường giao thông, xây dựng một số công trình. Quá trình này làm phá vỡ cấu trúc địa hình, đồi núi hay khoảnh đất đó bị cắt mất chân nên bị yếu, rất dễ bị sạt lở khi gặp tác động bởi thời tiết cực đoan như bão lũ, mưa nhiều ngày.
Sau khi chọn đất, quá trình xây dựng làm sao để hạn chế tác động tiêu cực từ gió bão cũng rất quan trọng. Phó Viện trưởng Viện kinh tế Du lịch nông nghiệp khuyến nghị HTX nên trồng những loại cây có khả năng chắn gió, chắn sóng... Chẳng hạn như cây tre có độ dẻo, bền cao, có khả năng tạo thành lũy. Loại cây này cũng không dễ bị gió quật ngã, rất khó bị bật gốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết cây dừa hoặc cây họ dừa như cọ đào, chà là, thốt nốt, cọ lùn không chỉ giúp tăng sinh kế, tăng thẩm mỹ cho mô hình du lịch nông nghiệp mà còn được đánh giá cao vì có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu do giữ được độ cao của mực nước ngầm, kiểm soát xói mòn.
Dừa và những cây họ dừa cũng giúp hạn chế bị tác động bởi mưa gió vì khả năng chắn gió mạnh mẽ, làm giảm bớt thiệt hại do bão và lốc xoáy gây ra. Các HTX có thể xem xét đầu tư trồng những loại cây này.
Trong quá trình trồng cây, HTX cần trồng đa tầng tán, nhiều loại cây đan xen giúp tăng kết cấu đất, hạn chế sạt lở vì hệ rễ của mỗi cây khác nhau sẽ liên kết chặt chẽ giúp giữ đất tốt hơn.
Tận dụng kho tàng tri thức dân gian
KTS Trần Đức Dũng, Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng thực tiễn cho thấy, việc sử dụng kiến trúc truyền thống ở từng địa phương như nhà tre, nhà sàn, nhà đất hay sử dụng các kiến trúc, kết cấu "chạm nhẹ vào đất", tránh phá vỡ kết cấu đất vừa giúp chủ của các mô hình du lịch nông nghiệp kể câu chuyện văn hóa, vừa có khả năng thích ứng với thiên tai.
Những vật liệu địa phương như tre, gỗ, đá, ngói, đũa… có giá thành rẻ, dễ thay thế khi bị hỏng. Những vật liệu này cũng được được nghiên cứu, ứng dụng lâu năm trong thực tiễn ở từng địa phương nên có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu ở từng nơi.
Theo KTS Trần Đức Dũng, thực chất những vật liệu, kiến trúc này không thể chống chọi lại được với bão lũ, thiên tai nhưng lại có khả năng thích nghi tốt hơn so với những vật liệu hiện đại. Bởi các kiến trúc bằng bê tông, sắt thép có sự liên kết chặt chẽ với nhau nhưng lại tạo ra độ cứng. Những thiết kế này khi gặp tác động từ bên ngoài sẽ rất dễ gãy đổ đồng loạt.
Nhưng với những căn nhà có kiến trúc truyền thống với độ thông thoáng, khi gió thổi vào vẫn có lối thoát nên hạn chế bị tác động không mong muốn.
Ông Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng khi phòng chống bão lũ, hạn hán cũng cần học theo tri thức dân gian. Mỗi vùng sẽ có một cách chống bão, thiên tai, hạn hán một cách khác nhau nên HTX cần học hỏi, tìm hiểu để đầu tư phù hợp.
Như tại Hà Giang, mô hình du lịch từ nhà trình tường làm bằng đất bao năm vẫn không bị sập. Hay cùng là nhà sàn nhưng mỗi tỉnh, mỗi vùng lại có cách xây dựng khác nhau, tạo trải nghiệm thú vị, khác lạ và phù hợp với điều kiện khí hậu, văn hóa của từng nơi.
Huyền Trang