Ông Nguyễn Trọng Chính, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Minh Hải (Thái Thụy, Thái Bình), cho biết trước dự báo của cơ quan chức năng, HTX lên kế hoạch, bố trí lao động để thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả với mưa bão trong những ngày tới.
Theo Giám đốc HTX Minh Hải, địa phương có 100ha nuôi thủy hải sản, trong đó diện tích nuôi trồng của thành viên lên đến 50ha. Chính vì vậy, ngoài việc kiểm tra hệ thống thoát nước, HTX cũng đã chuẩn bị sẵn hệ thống máy bơm nước, bổ sung thêm máy tạo oxy, lên kế hoạch di chuyển cá ở những ao nuôi có nguy cơ ngập hoặc thu hoạch những ao đã đạt ngày nuôi để tránh thiệt hại cũng như đảm bảo môi trường sống cho cá, tôm.
Che phủ cho rau màu được HTX Chúc Sơn thực hiện nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. |
Ban giám đốc HTX cũng tích cực bám sát các bản tin dự báo thời tiết, kết hợp với chính quyền địa phương để có biện pháp kịp thời, tránh thất thoát tôm, cá, cua khi bão đổ bộ. Việc sạc các thiết bị tích điện để dùng đề phòng mất điện hoặc phải sơ tán trong đêm cũng được HTX thực hiện.
Tại Hà Nội, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn, ông Hoàng Văn Thám cho biết trước dự báo về hướng di chuyển của bão Yagi , HTX đã phải xem xét và thông báo cụ thể kế hoạch cung cấp rau củ quả cho các đối tác. Một số đối tác, HTX cũng có thông báo ngừng cung cấp rau quả trong một số ngày nhất định để tập trung vào cung cấp cho khách hàng là các trường học.
Đồng thời, HTX Chúc Sơn thực hiện các biện pháp phủ nilon cho diện tích rau, gia cố bờ thửa, khơi thông mương để thoát nước tốt nhất. HTX cũng lùi thời gian xuống giống, gieo hạt trên một số diện tích, đợi khi mưa bão đi qua sẽ nhanh chóng xuống giống để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường.
Là một vùng phát triển kinh tế biển, tuy không được dự báo là tâm điểm của bão nhưng ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Yên cho biết, trên địa bàn tỉnh có 8 HTX thủy sản, 48 tổ hợp tác thủy sản đang hoạt động. Hiện, các HTX đã cùng địa phương thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ các phương tiện cũng như tổ chức kiểm đếm, thông báo cho các thành viên là chủ các tàu thuyền, lồng bè đang sản xuất biết vị trí của bão để có phương án di chuyển, trú ngụ kịp thời cũng như có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và hạn chế tổn thất về tài sản.
Có thể thấy, các HTX ở nhiều tỉnh thành đang nhanh chóng thực hiện kế hoạch để chủ động ứng phó với mưa bão. Trong khi theo quy luật, các cơn bão thường kèm nhiều trận mưa lớn kéo dài phần nào gây ảnh hưởng tới một số loại cây trồng, vật nuôi của các HTX.
Theo giới chuyên gia, các cơn bão thường đi kèm với gió to và mưa lớn trong nhiều ngày nên nhiều loại cây trồng thường bị đổ, úng nước, thối rễ, xì mủ đi kèm với đó là một số bệnh về thán thư, rệp, nấm, đặc biệt là đối với một số loại cây ăn quả. Do đó, các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp nếu có đủ thời gian, cần chủ động bổ sung số loại thuốc sinh học để giúp cây chắc rễ, hạn chế một số bệnh.
Đi liền với đó, HTX cần thường xuyên theo dõi sát diện tích cây trồng, vật nuôi, thực hiện thăm vườn thường xuyên, nhất là khi mưa bão giảm để phát hiện dịch bệnh kịp thời, từ đó có hướng xử lý nhanh, hiệu quả không để dịch bệnh lây lan .
Ông Nguyễn Trọng Chính cho biết khu vực bão đổ bộ được dự báo rất rộng và mạnh nên nếu chủ quan, HTX sẽ thiệt hại sẽ rất lớn. HTX cũng rất mong các ngành chức năng sẽ đồng hành, tích cực cùng nông dân, HTX ứng phó kịp thời với bão như nhanh chóng kiểm tra, bảo đảm hoạt động của công trình thuỷ lợi để bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp.
“Việc ngành chức năng tích cực chỉ đạo tổ chức bơm tiêu úng trong trường hợp có mưa lớn xảy ra cũng sẽ giúp các hoạt động phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 và thời tiết nguy hiểm của các HTX được hiệu quả hơn”, ông Chính nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, khu vực bão Yagi đổ bộ dự báo sẽ tập trung vào vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... Trong đó, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là tam giác phát triển, toàn bộ vùng trọng điểm nông nghiệp miền Bắc cũng ở vùng này.
Theo thống kê, khoảng 20.000 lồng cá; gần 1 triệu ha lúa mùa, đến thời điểm này một nửa đang trổ bông, chỉ cần mưa ngập 24 giờ thì đã hỏng. Lượng rau màu, cây trồng, vật nuôi mà bà con, HTX chuẩn bị cho Tết dương lịch và Tết Nguyên đán rất lớn. Trong vùng này, nếu bão đổ bộ sẽ có kèm ngập úng ở các đô thị, đồng bằng và sạt lở ở miền núi.
Các chuyên gia cho rằng, hôm nay (5/9) và ngày mai (6/9), thời tiết sẽ nắng nóng và oi bức ở miền Bắc. Người dân, HTX đừng thấy nắng nóng mà nghĩ bão không vào hoặc chủ quan. Bởi trong thời gian này, bão đang hút hơi ẩm để tích lũy năng lượng. Theo dự báo, sáng 7/9, khi bão tiếp cận bờ biển sẽ trút hết những thứ mà nó tập hợp bấy lâu.
Do vậy, người dân, HTX cũng không nên hoang mang, quá lo lắng thái quá, nhưng cũng cần cảnh giác cao độ và hành động ngay để đảm bảo an toàn trong bão và tránh thiệt hại mùa màng, nhà cửa....
H.T