Tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 6/5/2020, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đưa ra con số đáng lưu ý. Đó là tỷ lệ các trang trại chăn nuôi lợn là thành viên các HTX chăn nuôi lợn hiện chỉ đạt 33,9% số trang trại chăn nuôi lợn cả nước.
Khó khăn bủa vây
![]() |
Hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn do Bộ NN&PTNT tổ chức đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các HTX chăn nuôi lợn. |
Như vậy, trung bình mỗi HTX chăn nuôi lợn chỉ có 12 thành viên, bao gồm 7 thành viên là các trang trại và 5 thành viên là các hộ và gia trại nhỏ hoặc các thành viên liên kết khác và hơn 2/3 số trang trại chăn nuôi lợn kinh doanh độc lập. Một con số khác cũng rất đáng quan tâm, hiện cả nước có khoảng 15.800 HTX nông nghiệp, trong đó có 911 HTX chăn nuôi lợn.
Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn giải thích, các tác động của một chuỗi các khủng hoảng như: Khủng hoảng giảm giá thịt lợn năm 2017 (giá bán thấp hơn giá thành chăn nuôi), dịch tả lợn Châu phi năm 2019, dịch bệnh Covid – 19… đã tác động trực tiếp đến tình hình chăn nuôi lợn, khiến số lượng các HTX chăn nuôi lợn suy giảm đáng kể.
“Nếu như năm 2017 cả nước có 973 HTX chăn nuôi lợn, năm 2018 là 1.104 HTX thì đến tháng 4/2020 chỉ còn 911 HTX. Như vậy so với thời điểm không có dịch, số lượng HTX chăn nuôi đã giảm 193 HTX, tương ứng giảm 13,7% số HTX. Bên cạnh việc giảm về số lượng HTX chăn nuôi lợn, quy mô và sản lượng đàn lợn của các HTX cũng giảm mạnh.”, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nói.
Theo Bộ NN&PTNT, chăn nuôi lợn ở các HTX về cơ bản vẫn phụ thuộc cả đầu vào và đầu ra sản xuất, thiếu sự liên kết theo chuỗi khép kín. HTX tập trung chủ yếu vào một số dịch vụ như cung ứng thức ăn, vắc xin, thú y, môi giới tiêu thụ lợn cho các thành viên. Tính trung bình mỗi đầu nái của HTX cho chưa đầy 22 lợn con giống/nái/năm.
Giá thành chăn nuôi lợn thịt hiện nay của các HTX đã tăng lên nhiều do giá cám, giá con giống tăng lên, ước tính vào khoảng 45.300 đồng/kg trọng lượng lợn hơi. Giá thành này chưa bao gồm các rủi ro và thiệt hại trong vòng 3 năm qua. Trong tình trạng nguy cơ dịch bệnh tả Châu phi còn đe dọa như hiện nay, tỷ lệ hao hụt phải tính ở mức 30-35% (thay vì 3-5% trong điều kiện bình thường).
“Cái khó ló cái khôn”
Cũng cần nói thêm, tuy số lượng thống kê về các HTX chăn nuôi lợn giảm, nhưng đa phần HTX chăn nuôi lợn đã tìm mọi cách vượt khó, không giải thể mà chuyển đổi hoạt động sang các ngành nghề khác như chăn nuôi gia cầm, thủy sản, trồng trọt, phát triển các ngành nghề kinh doanh khác để đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện một số mô hình HTX chăn nuôi lợn được xem là có nhiều triển vọng, hạn chế được rủi ro. Điển hình là các HTX chăn nuôi hữu cơ ở Ba Vì (Hà nội), HTX chăn nuôi Trường Thành ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), HTX chăn nuôi lợn Vạn Trường Xuân (Nam Định) đạt tiêu chuẩn hữu cơ do NHO - QSCert cấp giấy chứng nhận. Mô hình chuỗi liên kết ngắn, khép kín từ trang trại – HTX – người tiêu dùng: điển hình là chuỗi sản phẩm thịt lợn an toàn của HTX chăn nuôi Đồng Hiệp (Đồng Nai)…
Theo mô hình này, HTX đảm nhiệm nhiều khâu của chuỗi như: cung ứng, phối trộn thức ăn, sản xuất một phần con giống tập trung, dịch vụ thú y, tiêm phòng vắc xin, giết mổ, bán lẻ và hợp đồng tiêu thụ lợn cho các thành viên.
Cần chính sách hỗ trợ kịp thời các HTX
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn nói rằng, giá thịt lợn cao hiện nay là động lực để người chăn nuôi, các trang trại HTX tăng đàn…Tuy nhiên, để tái đàn hiện nay, các HTX đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến nguy cơ dịch bệnh còn rất cao.
Đơn cử, dù theo thống kê đã có đến 99,3% số xã/phường trong cả nước được cho là đã cơ bản hết dịch tả Châu phi, nhưng các HTX cho rằng trên thực tế tình hình diễn biến dịch vẫn còn rất phức tạp.Trải qua các khủng hoảng, hiện 70-80% số HTX đang thiếu vốn trầm trọng để mua thức ăn, con giống trong khi nợ tín dụng chưa trả được nên không vay mới được ở các ngân hàng. Nhu cầu vay trung bình là trên dưới khoảng từ 3 - 5 tỷ đồng/HTX. Do đàn nái suy giảm nghiêm trọng nên các HTX hiện không có con giống để tái đàn. Nguồn con giống trên thị trường khan hiếm và giá quá cao.
Trong bối cảnh đó, các đại biểu khuyến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương… cần tạo điều kiện để các HTX thụ hưởng các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ như đang áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như: Khoanh nợ, giãn nợ, miễn thuế, tiếp cận tín dụng…Đặc biệt, rà soát và hỗ trợ tái đàn ở những HTX hiện còn giữ được khoảng 30% đàn nái, hoặc 50% đàn lợn thịt so với trước khi có dịch tả Châu phi.
Về lâu dài, Chính phủ và các địa phương cần tập trung hỗ trợ cho các HTX vào những khâu dễ bị độc quyền trên thị trường như sản xuất và cung ứng thức ăn và con giống, khâu giết mổ và bảo quản...Hỗ trợ những HTX phát triển chuỗi giá trị sản phẩm trang trại của mình (chuỗi ngắn) bằng cách giúp các HTX xây dựng các cơ sở chế biến, phối trộn thức ăn, cơ sở giết mổ, mở cửa hàng, đại lý giới thiệu và quản bán sản phẩm của HTX.
Trong nguy có cơ, bên cạnh những hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành thì chính các HTX cũng cần phải thay đổi để thích nghi hoàn cảnh mới. Khủng hoảng chính là cơ hội để các HTX chăn nuôi lợn rà soát đánh giá lại điểm mạnh điểm yếu và định hướng, cấu trúc lại sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả và phát triển bền vững. Nhưng để tận dụng cơ hội này, trước hết cần đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi lợn quy mô HTX ở các vùng an toàn dịch bệnh. Trong đó cần ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học gắn sản xuất theo chuỗi sản phẩm.
Các HTX chăn nuôi cũng cần đẩy mạnh phát triển nhiều dịch vụ, nhất là sản xuất con giống, thức ăn, giết mổ và chế biến thịt nhằm xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thịt, hạn chế độc quyền trên thị trường...
Chu Khôi