Huyện Lục Yên (Yên Bái) có 18/24 xã trồng cam, diện tích hơn 450 ha, trong đó có hai giống cam chính là cam sành và cam Vinh, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 tấn cam các loại.
Cam sành Lục Yên màu vàng nâu, vỏ sần và dày như mảnh sành, múi cam róc vỏ, không dính bết vào nhau, tôm vàng rộm và rất mọng nước, vị ngọt đậm. Thổ nhưỡng, nguồn nước và khí hậu của huyện Lục Yên rất thích hợp với giống cam này. Thậm chí, cam Lục Yên còn được dùng tiếp khách nước ngoài và trong các kỳ họp Quốc hội.
Kết nối người dân và chính quyền
Những năm trước, với lối canh tác truyền thống, ít đầu tư nên những vườn cam của người dân sau vài năm thu hoạch đất đai cạn kiệt, cây cam còi cọc trở nên tàn lụi. Trong cơn lốc đá đỏ, khắp các ruộng, vườn, đồi núi bị đào xới tung lên tìm đá đỏ cây cam không được mấy người chú ý tới, nên diện tích thu hẹp.
Thời gian qua, huyện Lục Yên đã tích cực hỗ trợ người nông dân vay vốn, đầu tư vườn ươm giống tại địa phương, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào thâm canh, cử cán bộ khuyến nông sâu sát với cơ sở, theo dõi sinh trưởng và phát triển của cây cam, mạnh dạn chuyển đổi quỹ đất, giống cây trồng để tăng diện tích, tăng sản lượng, chất lượng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân từ cây cam.
Từ cuối năm 2015, HTX Cam sành Lục Yên được thành lập đã giúp kết nối người dân và chính quyền, cũng như làm cầu nối để người dân tiếp cận KH-KT một cách dễ dàng nhất.
Với 16 thành viên tham gia ban đầu, vốn điều lệ 100 triệu đồng, các hộ trồng cam sành vào HTX được tổ chức thành nhóm, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn vốn, dần dần xây dựng thương hiệu cam bảo đảm chất lượng theo hướng VietGAP, mở rộng phát triển sản xuất theo quy mô tập trung. Đồng thời, HTX cũng cam kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên, nhờ đó, thành viên HTX yên tâm sản xuất.
Cam sành Lục Yên đã được UNBD tỉnh lựa chọn là sản phẩm tiêu biểu để đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý |
Phát triển thương hiệu cam sành
Chị Đặng Thị Dự ở thôn 5, xã Khánh Hòa, cho biết khi tham gia HTX, gia đình chị được học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây cam sành ở nhiều nơi, cả trong và ngoài tỉnh nên sản phẩm có chất lượng hơn hẳn và rất yên tâm về đầu ra của sản phẩm.
Không những duy trì được cây trồng truyền thống của xã, HTX Cam sành Lục Yên còn giúp phát triển thương hiệu cam sành ở huyện Lục Yên khi tháng 11/2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Cam Lục Yên" của HTX. Nhờ đó, vị thế và sức cạnh tranh của cam Lục Yên trên thị trường ngày càng được tăng cao, góp phần tăng thêm thu nhập của người dân, giúp xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Hiện nay, bình quân mỗi vụ, HTX thu hoạch đạt 500 tấn cam, thu về khoảng 5 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm, HTX còn sản xuất khoảng 3 vạn cây cam giống. HTX đã giải quyết việc làm cho rất nhiều người dân trong xã và đóng góp không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
HTX cũng giúp nhiều hộ gia đình trong xã có thu nhập ổn định, như gia đình anh Trịnh Văn Hưng với 3 ha mỗi năm thu nhập 600 triệu đồng, gia đình chị Hoàng Thị Duy với 2 ha thu nhập 500 triệu đồng/năm…
Bà Hoàng Thuyết Lập - Giám đốc HTX Cam sành huyện Lục Yên, cho biết vừa qua HTX đã tiếp tục liên kết với các đơn vị để nâng cao chất lượng của cam sành, đồng thời mở rộng thị trường.
Đến nay, thị trường cam sành đã được mở rộng tới nhiều tỉnh thành trong cả nước, như: Hà Nội, Lào Cai, Lai Châu… Ngoài ra, để mở rộng thương hiệu, HTX còn tích cực tham gia các hội chợ nông sản giới thiệu sản phẩm "Cam sành của Lục Yên".
Mới đây, Cam sành Lục Yên đã được UNBD tỉnh Yên Bái lựa chọn là sản phẩm tiêu biểu để đầu tư hỗ trợ nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại, đồng thời lập hồ sơ và đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.
Hồng Nhung