Đầu tư R&D sẽ giúp mang lại những thay đổi đột phá cho các HTX nông nghiệp |
Ông Dũng cho biết, dù đối mặt rất nhiều khó khăn, nhưng năm 2020 tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới trong khi nhiều quốc gia tăng trưởng âm. Trong đó, có nguyên nhân cơ bản nhất là nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam đã giữ vững và phát triển được.
"Có thể nói đó là sự “chiến đấu” cực kỳ lớn của ngành nông nghiệp Việt giữa đại dịch Covid-19, đặc biệt là từ những người nông dân, các HTX nông nghiệp, doanh nghiệp (DN) đầu tư nông nghiệp. Điều này đến từ sự tích luỹ nhiều năm của người nông dân, HTX và DN khi họ đã vượt qua được những rào cản từ những thị trường XK vốn ngày càng khắt khe để đưa nông sản của mình có mặt trên kệ hàng của các siêu thị ở nước ngoài", ông Dũng nói.
Với những ấn tượng lạc quan như vậy, phải chăng khả năng chống chịu của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam đã được nâng lên, trong đó có việc phát triển chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao?
Rõ ràng đây là những nỗ lực rất lớn, khẳng định sức chống chịu bền bỉ của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam để góp phần vào tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là tăng trưởng XK vượt trội so với năm 2019. Điều này cần đặt trong bối cảnh mà đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều quốc gia bị ách tắc, bị đứt gãy từ vùng nguyên liệu cho tới vùng sản xuất và chuỗi cung ứng.
Cần ghi nhận rằng trong sức chống chịu của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam năm 2020 có vai trò đóng góp cực kỳ lớn của từng nông dân, từng HTX nông nghiệp và các DN đầu tư vào nông nghiệp với những thay đổi rõ rệt về chuỗi giá trị.
Muốn tồn tại hay phát triển thì tất cả đều phải đứng trong chuỗi liên kết. Và người nông dân, HTX nông nghiệp đã làm được điều này. Đặc biệt là để XK nông lâm thuỷ sản vào những thị trường lớn, khó tính thì với chuỗi giá trị chúng ta sẽ tha hồ mà sản xuất, bởi những thị trường này một khi đã chấp nhận chuỗi rồi thì họ sẽ đặt hàng rất nhiều.
Hơn thế nữa, điều mà tôi thấy rõ hiện nay người nông dân ngày càng thích sử dụng công nghệ, thậm chí là công nghệ 4.0 với những thiết bị kết nối mạng Internet, trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ in 3D…
Đặc biệt là các thiết bị không người lái đang dùng cho nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, từ việc tưới nước, kiểm tra sức khoẻ của hạt giống cho tới thành phẩm đều có thể điều khiển từ xa trong những vườn ươm công nghệ, trong nhà lưới thì người nông dân ứng dụng khá nhiều.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng. |
Rõ ràng là công nghệ đã góp phần nâng sức “sức đề kháng” cho ngành nông nghiệp. Vậy chúng ta cần kỳ vọng gì trong năm 2021 về mức độ lan toả rộng rãi ứng dụng công nghệ ở khu vực KTHT, HTX nông nghiệp, thưa ông ?
Trên kệ hàng của siêu thị và một số chợ nông sản chất lượng cao, điều mà tôi thấy mừng là đã có sự hiện diện sản phẩm nông sản của nhiều HTX nông nghiệp mà trước đó chưa có tên tuổi.
Đây là tín hiệu đáng mừng trong đổi mới sáng tạo ở các HTX nông nghiệp cùng với cuộc cách mạng về công nghệ. Tuy nhiên, xét trên một nền nông nghiệp đang phát triển như Việt Nam thì vẫn còn khá mỏng và chỉ mới tập trung vào một số HTX, DN có tiềm lực.
Số HTX, DN, hộ nông dân có cơ hội để tiếp cận các công nghệ 4.0 trong nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn so với kỳ vọng. Họ cho rằng mình chưa đủ tiềm lực về tài chính, không đủ nguồn lực về quản trị và chưa tin hẳn vào thị trường, chưa tin hoàn toàn vào nhu cầu tiêu thụ nông sản ở những mặt hàng có mức giá cao.
Và họ nghĩ rằng, vẫn phải bán nông sản ở thị trường truyền thống, quen thuộc, dẫn đến việc ứng dụng công nghệ cao ở các HTX, DN, hộ nông dân mới ở mức độ vừa phải. Cái khó là cần làm sao để lan toả việc ứng dụng công nghệ cao vào nông dân, HTX nông nghiệp ngày càng nhiều hơn.
Để làm được điều này trong năm 2021, theo tôi, có 3 giải pháp sau đây: Thứ nhất là ở những vùng sản xuất nông nghiệp có DN, HTX chủ lực thì nên có sự đầu tư R&D nhiều hơn. Thứ hai là làm sao cho người nông dân, HTX nông nghiệp được tiếp cận trực tiếp với công nghệ cao và họ thấy được khả năng của mình trong việc ứng dụng công nghệ đó. Thứ ba là việc lan rộng ứng dụng công nghệ ở người nông dân, HTX nông nghiệp, DN nông nghiệp phải được thúc đẩy mạnh mẽ ở khâu chính sách với tính trách nhiệm cao hơn nữa.
Ông nghĩ gì về việc các HTX nông nghiệp nên có cái nhìn rõ ràng hơn về tầm quan trọng của đầu tư R&D để ứng dụng hiệu quả công nghệ mới và thích ứng tốt với dịch bệnh, biến đổi khí hậu...?
Thực tế, R&D và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đối với các tập đoàn lớn thì họ đã làm nhiều và đầu tư khá lớn. Còn với các HTX nông nghiệp và các thành viên là nông dân thì vẫn còn quen với cách làm truyền thống, thị trường truyền thống, nên dẫn đến việc đầu tư cho R&D có thể nói với họ vẫn còn là mơ mộng, thậm chí là chưa quan tâm.
Cho nên, tôi nghĩ rằng chính sách của Nhà nước nên sát sườn hơn trong việc đưa R&D vào các HTX nông nghiệp và các thành viên là nông dân. Nhất là làm sao cho họ có sự thay đổi về mặt nhận thức và trích ra quỹ để làm R&D thì sẽ có sự thay đổi đột phá.
Bởi vì, muốn có thay đổi mang tính đột phá thì chỉ có cách ứng dụng công nghệ, cách nghiên cứu và phát triển, cách đầu tư về con người, triển khai các giải pháp kỹ thuật mới. Điều này đặt trong bối cảnh thế giới có rất nhiều công nghệ để hỗ trợ cho việc chọn giống, giữ được giống, sàng lọc được giống, cho tới việc đưa ra khu vực sản xuất, ươm trồng, chọn lọc những cây trồng để đưa vào chuỗi hỗ trợ tăng trưởng...
Theo tôi, mỗi công đoạn như vậy đều phải có R&D, sẽ giúp HTX nông nghiệp sàn lọc, chọn lựa những đối tượng giống mạnh nhất, chống chịu cao nhất từ dịch bệnh cho đến khắc nghiệt của thiên tai, mưa bão, xâm nhập mặn.
Và kể cả khâu thu hoạch, đóng gói nông sản thì các HTX nông nghiệp cũng phải có R&D để đưa ra các giải pháp mới, đưa ra những sáng tạo, đưa ra các mẫu mã mới.
Bởi vì những ứng dụng công nghệ mới về nông nghiệp trên thế giới chuyển đổi rất nhanh, nên các HTX nông nghiệp ở Việt Nam cần có sự chủ động trong việc tìm hiểu, lựa chọn và nhận chuyển giao bản quyền của những nghiên cứu công nghệ mới đó.
Các HTX nông nghiệp cũng cần phải thấy rõ, chỉ có R&D thì mới giúp cho họ giảm được giá thành, giảm được chi phí khi làm ra sản phẩm nông sản. Khi bán nông sản ra thị trường, ngoài vấn đề về chất lượng, sản lượng thì người mua còn so đo với giá cả. Cho nên các HTX nên xem việc đầu tư cho R&D sẽ giúp mình tiết giảm tối thiểu các chi phí, nhất là những chi phí không cần thiết, lãng phí sẽ được loại trừ.
Thế Vinh thực hiện