“Về vật chất thì không lớn, nhưng lớn nhất và hiệu quả đạt được mong muốn nhất là làm thay đổi tư duy của HTX, của thành viên, qua đó để từng bước thay đổi cách làm khoa học, bài bản hơn”. Đây là phát biểu của Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh tại Lễ bàn giao và nghiệm thu chương trình hỗ trợ “Phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị chè hữu cơ” cho HTX La Bằng.
Hiệu quả bước đầu
Phát biểu tại Lễ bàn giao, ông Nguyễn Mạnh Cường - Viện Trưởng Viện Phát triển Kinh tế hợp tác (KTHT), đơn vị chủ trì dự án, cho biết đến giờ phút này đơn vị đã cơ bản hoàn thành mục tiêu dự án đề ra. “Để chương trình phát huy hiệu quả, chúng tôi mong muốn việc hoạt động, sử dụng phương tiện, máy móc phải bảo đảm quy chế quản lý tài sản sao cho hiệu quả, phù hợp đúng quy định của pháp luật”, ông Cường nói.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh phát biểu tại Lễ bàn giao |
Báo cáo kết quả thực hiện dự án xây dựng mô hình HTX chè La Bằng phát triển SX-KD gắn với chuỗi giá trị chè hữu cơ, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chè La Bằng Nguyễn Thị Hải cho biết: “Liên minh HTX Việt Nam, Viện phát triển KTHT hỗ trợ kinh phí, mua sắm trang thiết bị máy móc trong sản xuất, chế biến chè đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm chè của địa phương, nhất là việc hỗ trợ về KH-KT, đào tạo nguồn nhân lực. La Bằng có hơn 400 ha chè, lại có thuận lợi về môi trường sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng. Muốn phát huy được thế mạnh này cần phát triển chè hữu cơ, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng điểm du lịch cộng đồng”.
Qua triển khai dự án, HTX đã thay đổi nhận thức thành viên trong sản xuất, trong xây dựng chiến lược, trong đề án đáp ứng được yêu cầu thị trường. Thời gian tới, HTX không dừng ở quy mô 20 ha hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam như hiện tại, mà sẽ phát triển toàn bộ diện tích trong xã; xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm chè xuất khẩu ra thế giới.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh thăm quan HTX chè La Bằng |
Cần sự hỗ trợ tích cực
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết: “Liên minh HTX Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương, người dân và HTX, qua đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo, trong đó phải liên kết với nhau thông qua một tổ chức, doanh nghiệp liên kết sản xuất, phù hợp nhất là THT, HTX. Liên minh sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có hướng hỗ trợ phù hợp, không chỉ về vật chất mà còn về quản trị, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, tiếp cận thông tin, hỗ trợ kinh tế hợp tác, đào tạo nhân lực...”.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Thái Nguyên Vũ Thị Thu Hương, cho biết Thái Nguyên là địa phương được quan tâm từ nhiều chương trình khác, nhưng chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam thực sự thiết thực. Việc thực hiện mô hình chuỗi đã giúp cho bà con nhận thức được vai trò của KTHT trong xây dựng và phát triển kinh tế địa phương, trong xây dựng nông thôn mới và trong triển khai chương trình OCOP.
“Thái Nguyên hiện có 412 HTX, trong đó có 65 HTX chè, mong muốn tập trung xây dựng 28 HTX chè. Do vậy, địa phương rất mong Liên minh HTX Việt Nam tập trung hỗ trợ theo mô hình điểm như mô hình HTX chè La Bằng, để nâng cao hiệu quả, phát triển HTX gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng chè sinh thái”, bà Vũ Thị Thu Hương kiến nghị.
Ông Nguyễn Mạnh Hoạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, đánh giá cao mô hình HTX được hỗ trợ và triển khai. Chương trình có tính tích cực và lan tỏa cao. Huyện Đại Từ có nhiều giải pháp nhằm phát triển cây chè bền vững, nhưng địa phương còn nhiều việc phải làm để phát huy thế mạnh của vùng chè Thái Nguyên trong giai đoạn tiếp theo.
“Đại Từ hiện có 43 làng nghề được công nhận là làng nghề chè. Với tiềm năng như vậy, chính quyền mong lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, các cấp các ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư hơn nữa, giúp đỡ Đại Từ để đưa sản phẩm chè thực sự trở thành sản phẩm có thương hiệu, đồng thời lan tỏa ra thị trường trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Mạnh Hoạt nói.
Phạm Duy