Đại hội VI Liên minh HTX tỉnh Hải Dương. |
Ông Vũ Viết Khang, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phạm Kha, huyện Thanh Miện:
HTX mong muốn được hỗ trợ vốn và nhà bảo quản nông sản
HTX Phạm Kha, huyện Thanh Miện chuyên canh 162 ha cây rau màu và 130 ha lúa. HTX là đơn vị được sự quan tâm sâu sát của Liên minh HTX tỉnh Hải Dương về tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo sản xuất hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đặc biệt, Huyện uỷ, UBND huyện Thanh Miện, các sở ngành chuyên môn cũng quan tâm đầu tư xây dựng các đường ống tưới áp lực tiên tiến phục vụ cho 160 ha chuyên canh rau màu. Hiện nay huyện tiếp tục đầu tư bổ sung thêm một cây cầu bắc qua kênh để phục vụ nhân đi lại sản xuất với trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Huyện cũng bê tông hoá hệ thống kênh mương tưới dài hơn 700m và nâng cấp hai trạm bơm dã chiến công suất 1.200m3/h, lắp đặt lại hệ thống máy bơm nước tiên tiến của 3 trạm bơm, công suất 210m3/h. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng, hiện với 32 thành viên tham gia góp vốn cổ phần vào HTX đều có kinh tế và thu nhập khá.
Tuy nhiên, HTX đang khó khăn về vốn, hạn chế về khoa học kỹ thuật, khó khăn về kho chứa, nhà bảo quản nông sản. Do vậy, các HTX mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Liên minh HTX tỉnh Hải Dương cần tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ về chính sách tín dụng, về đất đai để làm nhà xưởng, kho bảo quản, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Ông Nguyễn Văn Mịch, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng:
Sản xuất hiện đại nhưng cần liên kết bao tiêu nông sản
Cẩm Văn là HTX quy mô toàn xã, diện tích sản xuất hơn 200ha, trong đó có 2/3 diện tích trồng rau màu theo mùa vụ, còn lại là diện tích cấy lúa. Mặc dù các thành viên HTX Cẩm Văn sản xuất với quy mô lớn, hiện đại hoá, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm.
Do vậy, nhu cầu cần hỗ trợ lớn nhất của các HTX nông nghiệp hiện nay là liên kết chuỗi để bao tiêu nông sản. Đây là vấn đề quan trọng nhất mà các HTX mong đợi từ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ tới. Muốn làm được việc này, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Liên minh HTX tỉnh Hải Dương nhiệm Kỳ 2020 – 2025 phải là những người trẻ, tâm huyết, có năng lực, trình độ để có tầm nhìn, có chiến lược và xây dựng quan hệ với chính quyền các cấp, với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để ký kết, liên kết bao tiêu, nâng cao giá trị nông sản.
Ông Phạm Văn Động, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Xương, huyện Gia Lộc:
Để người dân không quay lưng với đồng ruộng
HTX Đức Xương có 380ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 60 ha nuôi trồng thuỷ sản, diện tích còn lại là sản xuất lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây thành viên HTX không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp nên có tình trạng bỏ hoang đồng ruộng. Nguyên nhân là người trẻ, người trong độ tuổi lao động thì đi làm công nhân các khu, cụm công nghiệp, mức thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng, người cao tuổi, phụ nữ thì làm bánh đậu xanh thuê, thu nhập bình quân cũng từ 1,5 đến 2 triệu/người/tháng.
Công việc nhàn hạ nhưng thu nhập lại cao hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp nên người dân quay lưng với đồng ruộng. Để đất nông nghiệp không bỏ hoang, người dân không quay lưng với đồng ruộng, HTX chúng tôi mong muốn Liên minh HTX tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ này tăng cường đề xuất với chính quyền địa phương tổ chức lại sản xuất, triển khai dồn điền đổi thửa, liên kết sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất công nghệ cao, xây dựng chuỗi để tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản.
Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX sản xuất thuỷ sản Xuyên Việt:
Nhân lực giỏi làm nên thành công cho kinh tế hợp tác, HTX
Ngoài những khó khăn như các doanh nghiệp về về vốn, về đất đai, vướng mắc lớn nhất hiện nay của các HTX là sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nguồn nhân lực; các quy trình tạo ra sản phẩm. Để tháo gỡ khó khăn này, trước hết phải có lộ trình chứ không thể đốt cháy giai đoạn, không thể trong vòng vài tháng mà có thể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao được.
Do vậy, cần tăng cường công tác truyền thông, khơi dậy niềm đam mê của tuổi trẻ đối với nông nghiệp, từ đó họ mới dành tâm huyết, tư duy cho nông nghiệp. Phải khích lệ, trải thảm cho các doanh nghiệp có năng lực đã làm trong lĩnh vực khác bước sang để đầu tư cho nông nghiệp, cống hiến cho nông nghiệp.
Cần liên kết với các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu thế giới, trong nước về tính tổ chức, sáng tạo, đặc biệt là đổi mới về công nghệ để hỗ trợ cho các mô hình HTX trong nước. Song song đó là tổ chưc, đào tạo, tham quan học tập trong và ngoài nước một cách đồng bộ. Nếu triển khai và tiến hành trong thời gian từ 3 đến 5 năm thì sẽ cải thiện rõ rệt về chất lượng, số lượng người tham gia vào HTX, chất lượng sản phẩm và định hướng xuất khẩu các sản phẩm của các HTX với giá trị gia tăng cao chứ không chỉ là xuất khẩu các sản phẩm thô như hiện tại.
Để làm được điều này, tôi mong rằng Đại hội Liên minh HTX tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ này sẽ có nhiều nhân tố tích cực, nhiều lãnh đạo HTX trẻ, có năng lực, các cán bộ của Liên minh HTX có năng lực, kinh nghiệm tham gia vào Ban chấp hành để cải thiện nguồn nhân lực cũng như tham mưu, cố vấn cho Liên minh đề ra những định hướng tốt, tham mưu cho lãnh đạo các cấp có chính sách tốt, qua đó khuyến khích, tạo động lực cho các HTX phát triển cả về mặt chất lượng cũng như số lượng.
Phạm Duy ghi