Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng: Đến hết tháng 7/2024, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố đã đánh giá 292 sản phẩm, cấp giấy chứng nhận cho 287 sản phẩm. Trong đó có 87 sản phẩm 4 sao, 200 sản phẩm 3 sao và 5 sản phẩm đang gửi Trung ương đánh giá 5 sao. Mục tiêu đến hết năm 2025 (giai đoạn 2021-2025), thành phố Hải Phòng có 335 sản phẩm OCOP.
'Luồng gió mới' trong sản xuất nông nghiệp
Sau hơn bốn năm triển khai, chương trình OCOP đã mang đến luồng gió mới trong sản xuất tại nhiều vùng quê trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Qua đó mở ra cơ hội giúp người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
Huyện Thủy Nguyên là một trong những địa phương tích cực xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP. Tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đến hết năm 2023 là 32 sản phẩm/16 chủ thể của 16 xã. Năm 2024, hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng đối với 16 sản phẩm của 14 chủ thể.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên – ông Nguyễn Văn Viển, chương trình OCOP được xem là một trong những giải pháp phù hợp và cần thiết để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện, góp phần đạt được mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Do vậy, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện theo từng bước cụ thể.
Bên cạnh các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, trên địa bàn huyện còn rất nhiều các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh có thể phát triển thành sản phẩm OCOP như mít Kỳ Sơn, chuối Chính Mỹ, An Sơn, cau Cao Nhân…. Các chủ thể hiện nay vẫn đang tiếp tục sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm. UBND huyện đang tích cực chỉ đạo các xã hướng dẫn các chủ thể phấn đấu đến năm 2025 có 50 sản phẩm công nhận đạt 3 sao trở lên, đồng thời các sản phẩm phải gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn – ông Viển nhấn mạnh.
Na bở Liên Khê vươn ra các tỉnh. |
Thủy Nguyên có hơn 300 ha đất trồng na, tập trung chủ yếu ở các xã như: Chính Mỹ, Liên Khê, An Sơn, Kỳ Sơn, Lại Xuân. Trong đó Liên Khê có diện tích lớn nhất là hơn 100 ha. Giống na bở Liên Khê có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với giống na dai và na nhập ngoại khác vì cây phát triển nhanh khỏe, đậu quả nhiều, sinh trưởng tốt, có hương thơm đặc biệt nên cây na bở Liên Khê ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, các thương lái săn lùng.
Sau hàng thập kỷ canh tác manh mún, nhỏ lẻ, đến năm 2019, na bở Liên Khê chính thức được công nhận sản phẩm OCOP. Từ đó đã mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm cho người trồng. Cụ thể nếu trước đây 1kg na chỉ có giá dưới 50 nghìn đồng, thì sau khi đạt OCOP và được quảng bá rộng rãi, 1kg na bở Liên Khê có giá bán cao hơn những loại na khác từ 50 -80%, giá trung bình từ 80.000đ -130.000đồng/kg (tùy thời điểm).
Hiện nay, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê đã đồng hành cùng thành viên, nông dân trồng 30 ha na bở theo tiêu chuẩn VietGap và bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Không chỉ có HTX Liên Khê mà nhiều HTX trên địa bàn huyện đã tích cực xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP được đánh giá đạt chất lượng cao, thị trường ưu chuộng như HTX Đầu tư phát triển Sông giá với sản phẩm dưa vàng (dưa kim hoàn hậu), HTX sản xuất na bở An Sơn với sản phẩm na bở; HTX sản xuất mật ong, ong giống An Sơn với sản phẩm mật ong; HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thiên Hương với sản phẩm hoa lay ơn…
Cần sớm tháo gỡ khó khăn
Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ OCOP Hải Phòng cho biết: Câu lạc bộ được thành lập từ tháng 10/2023 đã tạo thêm sân chơi, thúc đẩy các thành viên thêm động lực, môi trường để phát triển các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP của thành phố Câu lạc bộ hiện duy trì hoạt động với 34 thành viên chủ thể OCOP là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn 8 quận, huyện. Được chứng nhận sản phẩm OCOP, các mặt hàng của CLB đã đi đến được nhiều thị trường. Hàng hóa của CLB đã tham gia 16 hội chợ cấp quốc gia.
Tuy nhiên theo nhiều HTX và các chủ thể có sản phẩm OCOP, để các sản phẩm OCOP thực sự phát triển bền vững và có thêm nhiều sản phẩm hơn nữa, thành phó cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể, ưu tiên hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP về tư vấn phát triển sản phẩm, hướng dẫn, xây dựng hồ sơ sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu địa phương; hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất, máy móc, thiết bị; sở hữu trí tuệ; bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại, thương mại điện tử. Xây dựng chương trình hỗ trợ kinh phí triển khai các dự án, mô hình, sản phẩm trọng điểm tạo nền tảng vững chắc thực hiện Chương trình OCOP nói riêng và xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung.
Sản phẩm OCOP luôn được người tiêu dùng quan tâm. |
Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây ra hậu quả, thiệt hại nặng nề cho TP Hải Phòng, ước tính thiệt hại lên tới 11.000 tỷ đồng. Riêng đối với sản xuất nông nghiệp: Bão số 3 đã làm 28 nghìn ha lúa mùa của TP bị ảnh hưởng với các cấp độ khác nhau, trong đó thiệt hại trên 70% với khoảng 9 nghìn ha. Diện tích rau màu bị đổ và ngập úng khoảng 4.500ha, hơn 1.000ha chuối bị gãy đổ; hàng triệu con gia súc, gia cầm bị chết... Vì vậy việc phát triển sản phẩm OCOP trong thờì gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt mục tiêu 335 sản phẩm OCOP vào năm 2025, Hải Phòng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các phòng, ban ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; Tập trung quảng bá, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức; Hỗ trợ, hướng dẫn một số tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt; tiêu chuẩn quy trình làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh, quy trình quản lý chất lượng (ISO)…
Các đơn vị như Sở Công thương, Liên minh HTX TP Hải Phòng... luôn quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. |
Hải Phòng cũng đề xuất với Trung ương ban hành các chính sách khung về các nội dung liên quan đến việc hỗ trợ để phát triển Chương trình OCOP nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp với từng địa phương. Về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao, do cán bộ tại UBND cấp huyện phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, không có cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về OCOP nên hiện nay các địa phương gặp khó khăn trong việc đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP 3 sao. Đề nghị chuyển nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao về UBND cấp tỉnh, thành phố thực hiện nhằm giảm áp lực cho các cơ quan chuyên môn cấp huyện và tăng cường chất lượng đối với các sản phẩm OCOP…
Thanh Vân