PGS.TS Mai Quang Vinh, chuyên gia nông sinh học cho biết, làm sao quản lý được chất lượng nông sản nói chung hiện vẫn là điểm yếu ở Việt Nam.
Khó quản lý đầu vào nếu chỉ làm thủ công
Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay, một số tổ chức xác nhận là bên thứ ba cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra bất ngờ về quy trình sản xuất của người dân, HTX từ vật tư đầu vào đến đầu ra nhưng rất khó khăn.
Đáng chú ý, quy trình kiểm tra hiện nay vẫn chủ yếu thực hiện theo cách thức truyền thống, bằng nguồn lực con người nên tính hiệu quả và bao trùm rộng rãi là không cao. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu, nhất là EU yêu cầu rất nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, và chỉ có công nghệ mới đáp ứng được điều này.
Từ thực tế tư vấn phát triển chuỗi và áp dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc cho HTX Đồng Phú, HTX Nam Phương Tiến (Hà Nội) với diện tích lên đến hàng trăm héc ta, PGS.TS Mai Quang Vinh nhận thấy nếu không áp dụng công nghệ thì không thể quản lý được chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Và khi không đảm bảo và quản lý được chất lượng nông sản thì không thể liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước bao tiêu, xuất khẩu.
Đầu tư công nghệ trong HTX cần được khuyến khích, hỗ trợ thì mới có tính lan tỏa cao. |
Nhiều nông dân nói rằng trong trồng lúa hữu cơ, nếu bón 3 tấn phân chuồng nhưng có thể đạt 6-7 tấn thóc/ha là không đáng tin, vì khi nghiên cứu thành phần hữu cơ, các nhà khoa học đã tổng kết là phải sử dụng đến 30 tấn phân chuồng trên 1ha mới cho năng suất lúa 6-7 tấn.
Hoặc nhiều đơn vị sản xuất phân bón lại quảng cáo, hướng dẫn nông dân chỉ cần bón 1,6 -1,7 tấn phân là cho năng suất cao cũng là điều không tưởng. Vì vậy, ngay đầu vào như thế nào, khối lượng phân, thuốc, nước, đất… ra sao cần quản lý chặt chẽ bằng công cụ khoa học, nếu không thì không thể cho ra được sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Nhận thức được vai trò của áp dụng công nghệ vào quản lý chuỗi hàng hóa, truy xuất nguồn gốc nông sản nhưng theo không ít HTX, dù rất muốn nhưng do nguồn lực tài chính có hạn và đầu ra nông sản bấp bênh khiến HTX luôn rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi. Vì vậy, các HTX không đủ nguồn vốn ban đầu để đầu tư cũng như duy trì các khoản chi phí định kỳ.
Các chuyên gia cho rằng hệ thống truy xuất chỉ được triển khai bởi các doanh nghiệp và một số HTX sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường hiện đại (đưa nông sản vào siêu thị hoặc xuất khẩu) vì các thị trường phân phối hiện đại yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Còn những HTX, hộ dân sản xuất và tiêu thụ ở thị trường truyền thống (các chợ dân sinh, chợ đầu mối, thương lái) vẫn chưa đầu tư cho vấn đề này.
Không thể coi HTX là nơi thử nghiệm
Đòi hỏi của thị trường về các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc buộc việc áp dụng công nghệ là điều không thể bỏ qua đối với người sản xuất cũng như quản lý. Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, cho rằng trong khi nông dân, HTX gặp khó khăn hạn chế về nhận thức, tài chính, nhân lực thì các đơn vị làm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ vào quản lý chuỗi cần làm sao để khách hàng là người dân, HTX đến gần mình hơn.
Hiện có nhiều đơn vị sản xuất khó tiếp cận với các đơn vị làm dịch vụ về áp dụng công nghệ trong sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp này phải hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ người dân, HTX áp dụng một cách phù hợp nhất trong cả quá trình thay vì chỉ đến hỗ trợ trong thời gian ban đầu. Bởi, HTX được hỗ trợ, tư vấn, đồng hành trong sử dụng công nghệ và ứng dụng hiệu quả thì không chỉ HTX có lợi mà các doanh nghiệp làm dịch vụ cũng có lợi.
Trong một diễn đàn gần đây, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nêu vấn đề nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu thường lấy HTX làm nơi để thử nghiệm dịch vụ, công nghệ của mình. Điều này là không thể mang lại hiệu quả về quản lý chất lượng nông sản xuất khẩu, vì đối với HTX, thử nghiệm nếu thất bại thì tất cả những gì HTX đang có là "đổ sông, đổ bể".
Chính vì vậy, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học phải coi HTX là nơi phát triển, không thể mang HTX ra là nơi thử nghiệm các nghiên cứu khoa học, nhất là những nghiên cứu khoa học chưa được chứng nhận.
Bên cạnh đó, hiện Nhà nước có nhiều quy định về truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ nhưng vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về truy xuất nguồn gốc cho nhóm rau quả cụ thể nên gây khó cho những đơn vị trực tiếp sản xuất.
Trong khi, ở các nước như EU, Italia, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã ban hành các quy định truy xuất cụ thể đối với các sản phẩm tiềm ẩn rủi ro mất an toàn cao, sản phẩm có giá trị cao hoặc sản phẩm đặc sản.
Chẳng hạn như EU đã có các quy định cụ thể về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm có nguy cơ cao: rau mầm và hạt giống để sản xuất rau mầm. Và Italia có quy định để giúp người sản xuất tuân theo các quy định ban hành bởi EU về truy xuất nguồn gốc đối với rau mầm và hạt giống để sản xuất rau mầm. Ngoài ra, Italia cũng thực hiện áp dụng truy xuất nguồn gốc tập trung và các sản phẩm đặc sản, có giá trị cao như dầu ô liu và rượu vang… Điều này tạo thuận lợi cho người sản xuất và giúp các nông sản xuất khẩu dễ dàng đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường.
Để tháo gỡ khó khăn về năng lực tài chính cho người dân, HTX trong áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, các chuyên gia cho rằng việc khuyến khích tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia do Chính phủ đầu tư và triển khai là cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu tối thiểu trong thực hiện truy xuất nguồn gốc. Muốn vậy, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống truy xuất quốc gia đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ về nhiều mặt cho nông dân, HTX như: hướng dẫn, hỗ trợ HTX tham gia các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ miễn phí hoặc có lệ phí thấp.
Ví dụ, tại Trung Quốc, mã QR được quảng bá và sử dụng rộng rãi ở các đơn vị bán lẻ lớn cũng như các chợ đường phố do chi phí triển khai thấp và dễ áp dụng. Điều này cần được Việt Nam học tập để tạo tính lan tỏa cao trong truy xuất nguồn gốc.
Huyền Trang