Sau thời gian tạm ngưng hoạt động bởi dịch Covid-19, từ ngày 11/5 đến nay, Tp.HCM đã khôi phục lại toàn bộ hệ thống xe buýt. Tuy nhiên, khó khăn của các HTX xe buýt thì vẫn còn đó khi lượng khách có xu hướng giảm sút.
Nỗi lo hành khách sụt giảm
Việc sụt giảm này không chỉ từ lúc phòng chống dịch Covid-19 mà thực tế đã có dấu hiệu từ vài năm trước. Theo đánh giá từ ngành GTVT Tp.HCM, lượng khách đi xe buýt ở Thành phố trong năm 2019 chỉ đạt khoảng 255 triệu lượt hành khách, giảm đến 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt hành khách của năm 2018.
Thậm chí, do lượng hành khách vắng đi nhiều nên đã có một số tuyến xe buýt phải ngừng hoạt động. Đơn cử như hồi đầu tháng 3/2020, HTX Vận tải 19-5 đề nghị Thành phố cho ngưng hoạt động tuyến xe buýt 41 (chạy tuyến Bến xe An Sương - Bến xe Miền Đông).
Điều này được lý giải vì lượng hành khách sử dụng xe buýt tuyến 41 liên tục giảm. Trung bình một chuyến xe trên tuyến này chỉ dưới 20 hành khách (đạt gần tới 50% so với hệ sống sử dụng là 40 hành khách). Hồi năm ngoái, hệ số sử dụng trọng tải của tuyến này chỉ đạt 0,54 trên mỗi chuyến xe.
Thực tế nhiều năm nay, không ít HTX xe buýt gặp áp lực rất lớn vì lượng hành khách sụt giảm khiến có những tuyến xe chịu thua lỗ phải ngưng hoạt động. Nguyên nhân được cho là vì bố trí trạm xe buýt chưa hợp lý, không thuận lợi cho việc sắp xếp các tuyến xe buýt kết nối.
Tình trạng kẹt xe ở Tp.HCM khiến nhiều hành khách ngại đi xe buýt (Ảnh: Tư liệu) |
Mặt khác, ở Tp.HCM có khoảng 70% tuyến đường bề rộng dưới 5 m, dẫn đến khó tổ chức cho người dân tiếp cận trạm xe buýt có bán kính nhỏ. Ngoài ra, hành khách đi xe buýt ngày càng có cảm giác ngao ngán khi thời gian lưu thông kéo dài vì Thành phố thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông.
Việc này cũng khiến các HTX xe buýt tăng thêm chi phí hoạt động. Chẳng hạn, ở một tuyến xe buýt trước đây mỗi ngày có 20 chuyến nhưng do kẹt xe, để đáp ứng nhu cầu hành khách nên HTX phải bổ sung thêm 2 - 3 phương tiện cho cùng chuyến để bù lại tổng số chuyến theo kế hoạch. Đồng nghĩa doanh thu bán vé và mức trợ giá cho một xe bị giảm vì phải chia cho những xe bổ sung.
Bên cạnh đó, do thời gian vừa qua, các tuyến xe buýt tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19 khiến cho các HTX xe buýt càng thêm chồng chất khó khăn. Như chia sẻ của ông Phùng Ðăng Hải, Chủ tịch HÐQT Liên hiệp HTX xe buýt Tp.HCM, hầu như xe buýt của các thành viên không hoạt động trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
Cần giải pháp hữu hiệu
Từ số lượng hành khách quá thấp đã dẫn đến doanh thu của nhiều HTX xe buýt ở Tp.HCM giảm mạnh, không đủ chi phí trang trải về mọi mặt như chi phí nhiên liệu, lương trả cho tiếp viên, kinh phí tu bổ sửa chữa xe...
Không chỉ mất nguồn thu, các thành viên không có tiền để trả nợ vay ngân hàng. Đời sống thành viên quá chật vật khi vừa phải bảo đảm nguồn thu, vừa tích góp tiền trả lãi ngân hàng, trong khi lượng hành khách đi xe buýt có trợ giá ngày càng vắng.
Như trường hợp HTX 19-5 có 400 xe buýt, trong đó có 300 xe đang phải phải vay lãi ngân hàng. Mỗi tháng, HTX phải trả khoảng 2 tỷ đồng tiền lãi.
Chủ tịch HÐQT Liên hiệp HTX xe buýt Tp.HCM Phùng Đăng Hải đề nghị chính quyền Tp.HCM cần xem xét cho giãn nợ đối với thành viên vay đầu tư mua sắm phương tiện, nhất là cần xem xét ban hành một mức trợ giá thiết thực bảo đảm sự tồn tại của xe buýt.
Các HTX xe buýt rất cần những giải pháp hữu hiệu để gỡ khó (Ảnh: Tư liệu) |
Theo thống kê, Tp.HCM hiện có 133 tuyến xe buýt (gồm 97 tuyến có trợ giá và 36 tuyến không trợ giá) với 2.332 xe buýt, trong đó có sự tham gia rất lớn của các HTX xe buýt.
Trong khi đó, các tuyến trợ giá đang có khuynh hướng giảm bớt đi. Mới nhất là tuyến xe buýt số 13 (Bến xe buýt Sài Gòn – Bến xe Củ Chi) và 94 (Bến xe Buýt Chợ Lớn – Bên xe Củ Chi) từ ngày 15/5 chuyển sang loại hình không trợ giá để hoạt động.
Giới chuyên gia cho rằng, để người dân Tp.HCM đi xe buýt nhiều hơn, cũng như gỡ khó cho các HTX xe buýt, rất cần có thêm những kế hoạch mang tính lâu dài và giải pháp hữu hiệu.
Theo đó, Thành phố nên điều chỉnh phương thức trợ giá phù hợp thực tế để đảm bảo hoạt động xe buýt được hiệu quả, đặc biệt là cần tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt về trợ giá.
Hơn nữa, trong quá trình quy hoạch hạ tầng, mở rộng hay nâng cấp công trình giao thông, chính quyền thành phố nên hướng đến thiết kế làn đường riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt, xây dựng điểm đầu mối, điểm trung chuyển hành khách có tính đồng bộ và phủ kín. Và các tiện nghi trên xe buýt, thái độ phục vụ, việc bảo đảm an toàn, an ninh cho hành khách cũng rất cần được cải thiện thêm nữa.
Thanh Loan