Trên địa bàn Tp.HCM hiện nay có 19 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động. Thời gian qua, các QTDND này đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, an toàn và bền vững, khẳng định được vai trò trong cung ứng vốn vay cho người dân, hộ gia đình.
Giúp dân có vốn sản xuất kinh doanh
Cụ thể, các QTDND đã tăng tiện ích và hấp dẫn của sản phẩm dịch vụ, đa dạng hoá danh mục các sản phẩm, nâng chất lượng nguồn nhân lực cả trong chuyên môn nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp…
![]() |
Các QTDND ở Tp.HCM đã giúp nhiều người hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. |
Nhờ vào nguồn vốn vay tại các QTDND, đã có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Tp.HCM có vốn sản xuất, mở rộng hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả tốt, cải thiện đời sống.
Như chia sẻ của đại diện QTDND An Bình Phú (quận 2), cho vay thành viên trên địa bàn các phường ở quận 2 như Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi... luôn là tập trung tối đa của Quỹ với tỷ lệ 95 - 99% tổng dư nợ cho vay. Nhờ nguồn vốn vay tại Quỹ đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân, doanh nghiệp.
Đối với hoạt động vốn, QTDND An Bình Phú đã xây dựng chính sách lãi suất hợp lý. Nhờ đó, nguồn tiền huy động từ thành viên luôn chiếm tỷ trọng từ 60% tổng vốn huy động trở lên. Đồng thời, Quỹ luôn đảm bảo khả năng chi trả.
Đặc biệt, thực hiện theo Thông tư số 1/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3/2020, 19 QTDND đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đây là điều đáng khích lệ để các QTDND tiếp tục thể hiện vai trò tích cực của mình với áp lực cạnh tranh rất lớn như ở Tp.HCM - nơi có thị trường tiền tệ sôi động nhất cả nước với các ngân hàng thương mại (NHTM) trong và ngoài nước đang hoạt động cho vay lẫn huy động tiền gửi, cũng như việc tham gia thị trường cho vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính vi mô.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, hoạt động của các QTDND kinh doanh có lãi hàng năm, nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, cơ cấu tổ chức nhân sự đảm bảo tiêu chuẩn điều kiện theo quy định.
Tuy nhiên, khi bước sang năm 2021 - năm mà dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành, vẫn còn những khó khăn trước mắt và lâu dài cho hệ thống QTDND.
Điều này đã được Liên minh HTX Tp.HCM lưu ý tại Hội nghị “Những khó khăn vướng mắc khi thực hiện Thông tư, Quy định của Ngân hàng Nhà nước về QTDND trên địa bàn Tp.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ” tổ chức ở Tp.HCM ngày 12/4.
Còn vướng mắc ở Thông tư 21
Theo đó, các QTDND ngày càng chịu áp lực cạnh tranh từ các NHTM trong cả hoạt động cho vay và huy động vốn. Các NHTM đặt chi nhánh, phòng giao dịch ở từng phường, xã tham gia thị trường tín dụng cả với những món vay cá nhân nhỏ, trong khi đó lại có lợi thế hơn so với QTDND về địa bàn, lãi suất và thời hạn vay vốn.
Bên cạnh đó, đại diện Liên minh HTX Tp.HCM cho biết, với quy mô nhỏ nên các QTDND không có được sự đa dạng về sản phẩm tiền gửi, không có khả năng tài chính thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn như các NHTM.
“Các QTDND được phép huy động với lãi suất cao hơn NHTM nhưng chỉ tập trung ở kỳ hạn ngắn và khoảng cách chênh lệch không nhiều. Đây chính là những khó khăn cho các QTDND trong việc thu hút và giữ chân khách hàng tiền gửi về lâu dài”, đại diện Liên minh HTX Tp.HCM bày tỏ băn khoăn.
Ngoài ra, việc thiếu tính đa dạng trong kênh huy vốn cũng là một trong những khó khăn cho các QTDND. Trên thực tế, các QTDND ở Tp.HCM chủ yếu huy động vốn từ dân cư và vốn vay của Ngân hàng HTX, Quỹ CCM (quỹ trợ vốn xã viên HTX thuộc Liên minh HTX Tp.HCM), không tiếp cận được tiền gửi hay vốn vay của NHTM nên thiếu hụt nguồn vốn hoạt động.
Song song đó, theo QTDND An Bình Phú, nguồn lực tài chính hạn chế là rào cản các QTDND trong việc áp dụng công nghệ mới, hiện đại trong kinh doanh để thay thế cách tiếp cận khách hàng truyền thống, đa dạng sản phẩm dịch vụ hay chuyển đổi mô hình quản trị điều hành, cho theo kịp với xu thế chung của ngành ngân hàng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hơn thế nữa, một số ý kiến tại hội nghị này còn bày tỏ những vướng mắc đối với Thông tư 21/2019/TT-NHNN (được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào ngày 14/11/2019) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về Ngân hàng HTX, QTDND có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Ngoài việc đánh giá cao Thông tư 21, xem đây là một bước để Ngân hàng Nhà nước tháo dần khó khăn cho các QTDND sau 4 năm thực hiện Thông tư số 04/2015, Liên minh HTX Tp.HCM cho rằng, sau hơn một năm thực hiện Thông tư 21, các QTDND đã thấy khó khăn, vướng mắc về thu hút thành viên mới gia nhập, về tăng vốn điều lệ nhằm tăng năng lực tài chính.
Do đó, điều mong mỏi là cần có những sửa đổi, bổ sung Thông tư nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các QTDND để hoạt động ổn định và hiệu quả hơn.
Thế Vinh