Những năm gần đây, đã có nhiều tri thức trẻ về làm việc tại HTX và lựa chọn HTX là nơi khởi nghiệp. Đi liền với đó, nhiều cán bộ HTX cũng chủ động học tập, nâng cao kỹ năng quản lý và sản xuất để thích ứng với nền kinh tế thị trường.
Khó khăn trong tiếp cận công nghệ
Tuy nhiên, vẫn có những HTX đang phải đối mặt với sự già hóa cán bộ dẫn đến hiệu quả hoạt động của không ít HTX chưa được như mong đợi.
Qua rà soát của Bộ NN&PTNT cho thấy mới chỉ có khoảng 20% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; 30% có trình độ sơ cấp và trung cấp và còn khoảng 50% cán bộ HTX chưa qua đào tạo. Những cán bộ chưa qua đào tạo gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ, hạn chế trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất...
Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Mỹ (Hà Nam), cho biết nhiều cán bộ HTX tuổi cao nên chậm và ngại thay đổi. Điều này khiến HTX rất khó thích ứng với nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi nhiều kỹ thuật, công nghệ.
Đã từng có lớp học về chuyển đổi số trong HTX, trong đó có nhiều cán bộ HTX lớn tuổi phải yêu cầu giảng viên, chuyên gia nói chậm, giải thích nhiều lần về SEO, AI, blog, Big Data, content… Vì đây là lần đầu tiên họ được tiếp cận với những khái niệm này.
Còn theo các chuyên gia, dù là những cái mới và còn nhiều điều khó hiểu về SEO, AI, blog… nhưng buộc các cán bộ HTX phải làm quen và tìm hiểu những khái niệm trên cũng như những cách thức ứng dụng chúng vào thực tế hiệu quả. Bởi chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại là điều không thể “cưỡng lại” trong nông nghiệp cũng như trong khu vực HTX.
Hầu hết các HTX hiện nay đều có nhu cầu hỗ trợ cán bộ tri thức trẻ về làm việc hoặc hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ HTX để đưa HTX thích ứng với thị trường. |
Không dừng lại ở đó, hiện nay để tiếp cận được nguồn tín dụng từ các ngân hàng, một trong những điều kiện HTX phải đáp ứng được đó là phải có dự án, có kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, do năng lực của cán bộ một số HTX còn hạn chế nên không thể lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh nên khó thuyết phục được các tổ chức tín dụng cho vay vốn.
Theo các chuyên gia, để giải quyết được “nút thắt này”, cán bộ HTX buộc phải nâng cao năng lực quản trị về tài chính, về vốn của mô hình kinh tế tập thể bởi họ là chủ một mô hình kinh doanh có tư cách pháp nhân rõ ràng nên ngoài kiến thức điều hành cần có đầy đủ năng lực về tài chính.
Chú trọng nội lực
Thực tế vẫn có một tỷ lệ nhất định cán bộ HTX chưa có kỹ năng, tác phong làm việc của một HTX kiểu mới. Những gì họ có được và thực tế trong tổ chức sản xuất kinh doanh, quản lý HTX vẫn còn một khoảng cách quá lớn.
Trong khi bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động, nguồn nhân lực thay đổi không ngừng. Nhiều ngành nghề đang dần bị thay thế bằng máy móc, tự động hóa, AI nhưng cũng xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới. Điều này đòi hỏi thành viên, cán bộ HTX phải có những kỹ năng mới, kiến thức mang tính tích hợp, đa ngành thì mới có thể dẫn dắt và đưa HTX phát triển theo đúng bản chất của mô hình HTX kiểu mới.
Nếu như cán bộ, thành viên HTX mới chỉ có kinh nghiệm sản xuất và chỉ hiểu được mô hình HTX kiểu cũ, thì nay cần biết thêm cả kiến thức về kinh tế, kinh doanh, thị trường…
Ngoài ra, thành viên, cán bộ HTX cũng phải có các kỹ năng, kiến thức về Luật HTX kiểu mới, Luật Kinh tế; kiến thức về quản trị (quản trị nhân sự, quản trị sản xuất, quản trị marketing, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ). Kỹ năng về xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đọc và phân tích báo cáo tài chính, thuế và ứng dụng chuyển đổi số, khởi nghiệp trong HTX…
Chỉ khi được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng thì các thành viên, cán bộ HTX mới có đủ tự tin tham gia và phát triển HTX, đưa HTX phát triển hiệu quả hơn, thích ứng tốt trong quá trình hội nhập.
Đặc biệt, theo Luật HTX năm 2012, các HTX có vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất, hoạch định chiến lược phát triển. Trước vai trò này, nếu không có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút người có trình độ tham gia quản lý HTX, các HTX rất khó có thể khẳng định được vai trò tổ chức, quản lý sản xuất của mình trong điều kiện kinh tế hội nhập và cơ chế thị trường như hiện nay.
Hiện nay, việc thay đổi kỹ năng của nhân lực trong HTX hiện nay phụ thuộc vào công tác đào tạo, nhưng theo các chuyên gia, dù các lớp, các khóa đào tạo về cán bộ HTX hiện nay đã có sự tiến bộ, thay đổi nhưng vẫn có độ trễ nhất định so với nhu cầu trên thị trường. Vì vậy, các chương trình đào tạo về cán bộ hay nguồn nhân lực HTX cần chú trọng theo hướng ngắn hạn và thực hiện trực tiếp tại các HTX được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể nâng cao kỹ năng, kiến thức cho thành viên, cán bộ HTX hiện nay.
Một điều cần học hỏi các HTX ở nước ngoài đó là khả năng tự đào tạo nội bộ, tự xây dựng nguồn lực từ bên trong HTX thay vì tập trung thuê lao động từ bên ngoài.
Thực tế cho thấy, nhiều HTX đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê kỹ sư về hướng dẫn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Nhưng khi HTX không đủ năng lực để thuê nữa thì hầu hết các công việc trước đó bị ngưng trệ, thành viên khó tiếp tục ứng dụng các công nghệ hiện đại một cách hiệu quả vì chưa có “nền tảng” vững chắc.
Tuy nhiên, muốn tự nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, HTX cần có một quỹ riêng chuyên cho đào tạo nguồn nhân lực. Quỹ này được trích một phần từ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và một phần từ các tổ chức hỗ trợ. Tuy nhiên, rất ít HTX làm được điều này.
Đi liền với đó là chính sách thu hút người có trình độ về gắn bó lâu dài với HTX cần được thực tế hơn mới có thể làm lực đẩy để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX.
Hiện nay, chính sách thu hút người có trình độ đại học về làm việc chỉ áp dụng thí điểm đối với HTX nông nghiệp chuyển đổi theo Luật HTX 2012. Điều này tạo ra sự bất cập vì chưa thực sự tạo được sức hút nguồn nhân lực cho cả khu vực kinh tế tập thể. Chưa tính đến các tổ hợp tác, liên hiệp HTX, chỉ tính riêng các HTX cũng hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng và đều có nhu cầu hỗ trợ người có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc.
Huyền Trang