Bà Lý Hồng Tiên, Giám đốc HTX Hậu Giang Xanh (Hậu Giang) cho biết, vì liên kết được với doanh nghiệp trong tiêu thụ nên HTX đang phải hoàn tất nhiều đơn hàng cá thát lát chế biến để phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Tăng công suất, chớp thời cơ
Theo dự báo, nền kinh tế năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, HTX trong ngành hàng thực phẩm và đồ uống (F&B). Theo các chuyên gia, khi kinh tế bất ổn, các nhà đầu tư có xu hướng quay lại những ngành có nhu cầu cao, và F&B là một trong những ngành hàng tiêu biểu, do dịch vụ ẩm thực, đồ uống vẫn là một trong những ngành thiết yếu, cơ bản.
Theo báo cáo thị trường F&B tại Việt Nam do iPOS thực hiện, đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng/quán cà phê và tiếp tục xu hướng tăng dần đều với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) giai đoạn 2016-2022 khoảng 2%. Bất chấp những tác động đại dịch của Covid-19, ngành F&B vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng đều hàng năm. Báo cáo cũng chỉ ra, chỉ 5% thị phần ngành hàng F&B được ghi nhận cho doanh thu từ các chuỗi dịch vụ ăn uống nhưng có đến 95% thị phần ngành hàng cho doanh thu từ các dịch vụ ăn uống đơn lẻ (cửa hàng, quán ăn).
Điều này cho thấy, các cửa hàng, quán ăn độc lập vẫn được người dân nội địa ưa chuộng. Và đây cũng là mô hình chủ yếu của các HTX, doanh nghiệp nhỏ trong ngành hàng này đang xây dựng.
Theo đại diện các HTX có các cửa hàng đồ ăn uống, lý do nhiều người tiêu dùng ưa chuộng mô hình này là giá cả dịch vụ, đồ ăn, thức uống tại đây phù hợp với túi tiền của đa số người Việt Nam. Nhiều HTX ở vùng nông thôn cũng đã đầu tư các cửa hàng đồ uống, quán ăn nhằm đáp ứng nhu cầu người dân thay vì những chuỗi cửa hàng giá cao mới chỉ tập trung chủ yếu ở những đô thị loại I.
Một số thực phẩm, đồ uống chế biến từ trái cây của HTX bưởi da xanh Bến Tre thu hút người tiêu dùng. |
Đặc biệt nếu như các doanh nghiệp lớn có cơ sở, nhà máy ở các đô thị gặp khó khăn trong việc mở các cửa hàng thực phẩm, đồ uống ở nông thôn vì tốn nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa thì đây lại là lợi thế của các HTX. Hầu hết các HTX đều có sẵn vùng nguyên liệu, nếu chú trọng đầu tư máy móc và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, HTX khác sẽ giúp đa dạng sản phẩm, tiết giảm chi phí.
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc FnB Director-Horeca Business School, cho biết, khách hàng ngày càng kén chọn hơn trong việc lựa chọn hàng quán để phù hợp với cái “gu” của từng người. Hiện nay, các cửa hàng thực phẩm, đồ uống mới thành lập của các HTX cũng đã có xu hướng phát triển và định hình quán theo cách riêng, tạo được nét khác biệt, đặc trưng.
Chẳng hạn, nhiều HTX mở cửa hàng cà phê do chính HTX sản xuất theo chuỗi giá trị và cho khách trải nghiệm các công đoạn rang, xay cà phê đạt chuẩn OCOP. Hay có HTX mở cửa hàng cà phê gắn với xưởng sản xuất các mặt hàng thổ cẩm...
Gỡ khó về vốn, nhân sự
Từng bước xác định được nhu cầu của thị trường, nhưng để các HTX này chớp được thời cơ trong điều kiện kinh tế nói chung còn gặp nhiều khó khăn thì vẫn cần có những lực đẩy mạnh mẽ từ phía cơ quan quản lý.
Việc kinh tế khó khăn, lạm phát cũng tác động không nhỏ đến chi tiêu của người dân, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng tăng đi liền với tình trạng cắt giảm “room tín dụng” thời gian qua cũng là nguyên nhân khiến nhiều HTX tạm dừng kế hoạch đầu tư, mở rộng trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống.
Ông Ngô Văn Phi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh (Quảng Nam), cho biết riêng với HTX khó khăn nhất hiện nay chính là nguồn vốn để mở rộng đầu tư sản xuất, gia tăng nguồn hàng hóa cũng như đầu tư cho chế biến, tiếp thị khách hàng.
Vậy nhưng hiện nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi chỉ tập trung cho các doanh nghiệp còn với HTX thì cần tài sản thế chấp. Còn các HTX cần vốn lưu động để sản xuất thì phải vay tại các tổ chức tín dụng với mức lãi suất cao nên rất khó để HTX có thể tận dụng thời cơ để phát triển trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống.
Do vậy, ông Phi đề xuất cần phải linh hoạt và đa dạng nguồn vốn vay cho khu vực kinh tế tập thể. Đi liền với đó, các cơ quan chức năng cần rõ ràng về các quy tắc, quy định, cũng như thủ tục hành chính… nhằm tạo thêm nội lực vốn cho HTX tăng tốc sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, khó khăn đối với không ít HTX trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống là nguồn nhân lực. Phần lớn thành viên, người lao động trong HTX hiện nay làm việc kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, do đặc thù ngành hàng F&B có nhân sự khá phức tạp về giờ giấc, nên các HTX rất khó xếp lịch làm việc cho người lao động. Việc chuyển đổi số cũng chưa cao khiến nhiều HTX gặp sai sót trong việc tính lương, chấm công cho người lao động, thành viên. Việc quản lý thủ công cũng khiến các HTX bị thất thoát nguyên vật liệu và khó khăn trong khâu marketing.
Theo các chuyên gia, các HTX trong ngành hàng này cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chưa quan tâm đến áp dụng các tiêu chuẩn lao động. Trong khi các sản phẩm thực phẩm đồ uống nếu muốn đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu khó tính thì ngoài vấn đề bảo vệ môi trường cũng cần chú trọng đến các tiêu chuẩn lao động.
Để làm được điều này, các HTX cần lên kế hoạch dài hạn nhằm cải thiện dần tiêu chuẩn lao động, sẵn sàng cho những yêu cầu khắt khe và cụ thể hơn trong tương lai. Chẳng hạn như đầu tư cho công nghệ quản lý nhân sự, đóng bảo hiểm, thưởng… để tạo ra tính ổn định trong công việc cũng như khẳng định vai trò của mô hình HTX.
Huyền Trang