Sáng 30/5, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển Kinh tế tập thể (KTTT) Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cùng Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Bắc Kạn về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn cho biết, tính đến 20/5/2018, toàn tỉnh có 63 tổ hợp tác (THT), hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Nhìn chung, các THT có quy mô nhỏ, nhưng là mô hình sản xuất gắn với địa bàn dân cư, nên đã và đang hoạt động hiệu quả, giúp đỡ lẫn nhau, tạo việc làm, tăng thu nhập, là tiền đề cho việc phát triển bền vững KT-XH ở địa phương trong tương lai.
Chú trọng phát triển KTTT
Toàn tỉnh có 130 HTX, trong đó có 100 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp; với tổng số vốn điều lệ 87.503 triệu đồng và 1.262 thành viên.
Doanh thu của các HTX và các thành viên là 94.600 triệu đồng; nộp ngân sách khoảng 2,4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân thành viên 38,4 triệu đồng/người/năm và người lao động 33 triệu đồng/ người/năm.
Các mô hình HTX ở Bắc Kạn chủ yếu được tổ chức theo mô hình vừa quản lý, vừa điều hành. Tổng số cán bộ quản lý HTX trên địa bàn tỉnh đến nay có 665 người. Số cán bộ quản lý qua đào tạo cao đẳng, đại học trở lên có 70 người (chiếm 11%), trình độ sơ cấp, trung cấp là 77 người (12%), còn lại chưa qua đào tạo, bồi dưỡng là 518 (chiếm 77%).
Trong thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu và đề xuất với Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương V và Kết luận 56 của Bộ Chính trị, cũng như các thông tư, văn bản liên quan về đẩy mạnh thực hiện phát triển HTX. Qua đó, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch hành động số 19 thúc đẩy sự phát triển của các THT, HTX, HTX kiểu mới trên địa bàn.
Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh đã ký kết, triển khai nhiệm vụ với các sở ngành liên quan trong việc phát triển kinh tế trên địa bàn.
Cụ thể, về công tác tuyên truyền, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các chương trình như: Xuất bản Bản tin KTTT tỉnh với số lượng phát hành 3.600 cuốn, thường xuyên phối hợp đăng tải thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương tuyên truyền về KTTT, HTX ở địa phương.
Liên minh HTX tỉnh cũng tư vấn, hỗ trợ cho các HTX trong việc xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký chứng nhận. Đến nay, khu vực KTTT ở tỉnh đã có 23 sản phẩm đạt chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh còn hỗ trợ trang thiết bị máy móc, nhãn mác, bao bì sản phẩm cho 20 HTX và các nguồn hỗ trợ của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) cho 2 HTX. Phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam cho các HTX ở tỉnh vay 1,08 tỷ đồng, UBND tỉnh bố trí 2 tỷ đồng…, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ HTX...
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại buổi làm việc |
Bốn khó khăn tồn tại
Về cơ bản, Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tham vấn cho UBND tỉnh về những kế hoạch phát triển HTX, xem HTX là thành phần trọng tâm để phát triển KT-XH của tỉnh.
Tuy nhiên, khu vực KTHT, THT, HTX của tỉnh còn nhiều khó khăn. Một số vấn đề có thể kể đến như quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, thiếu vốn, công tác kế toán, trình độ quản lý, các HTX năng lực sản xuất còn hạn chế, số lượng sản phẩm ít…
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Minh Hoa - Trưởng BCĐ đổi mới phát triển KTTT tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết UBND tỉnh nhận thức rõ vai trò của KTHT, HTX, đặc biệt trong trường hợp của Bắc Kạn, với 81% dân số sản xuất nông nghiệp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản cụ thể về hỗ trợ phát triển HTX tại địa phương. Tuy nhiên, khu vực KTHT, HTX còn nhiều khó khăn.
Bà Hoa cho biết khó khăn thứ nhất là nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị rất kém. Tuy tỉnh đã có công tác đào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng vẫn còn 42 HTX có nhu cầu về nhân lực.
Thứ hai là hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu để tạo đầu ra cho các sản phẩm của các sản phẩm của HTX. Một phần là do giao thông khó khăn, nhưng phần lớn là do sản xuất manh mún và chưa thể đáp ứng số lượng lớn. "Tỉnh ủy cũng đang trăn trở về vấn đề này, nhưng chưa có biện phát giải quyết phù hợp", bà Hoa nói.
Thứ ba là nhận thức, quyết tâm trong chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền còn hạn chế, đặc biệt là đến cấp cơ sở, ít quan tâm đến các HTX; các văn bản, chính sách vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đây là điểm nghẽn mà tỉnh sẽ tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Khó khăn cuối cùng là tư duy của người dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nên có sự hạn chế khi các chính sách của Đảng, Nhà nước được phổ biến cho người dân.
Từ đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ khu vực KTHT, HTX của tỉnh trong khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm cho HTX; truy xuất nguồn gốc; kết nối doanh nghiệp; tham gia dự án cấp chứng chỉ rừng, kết hợp phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng...
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng KTHT, HTX là phương thức sản xuất duy nhất giải quyết được triệt để các nguyên ngân gây khủng hoảng KT-XH.
Đánh giá cao điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển của Bắc Kạn, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị tỉnh nên cần chú ý đến các sản phẩm thế mạnh như dược liệu, rau củ quả, cố gắng đẩy đóng góp của mô hình HTX chiếm 15 - 20% GDP.
Đồng thời, cần quan tâm phát triển các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị; thành lập các Liên hiệp HTX và các HTX; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ.
Tú Oanh