Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân tặng hoa cho Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình. |
Báo cáo với Đoàn công tác, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết, đến nay, tỉnh Ninh Bình có 480 HTX, 2 Liên hiệp HTX, 515 tổ hợp tác. Điều đặc biệt là tỉnh có 60 HTX, 2 Liên hiệp HTX phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, một số HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, giúp mang về thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/thành viên.
Khu vực kinh tế tập thể, HTX đang tạo việc làm, tăng thu nhập cho đông đảo thành viên và người lao động trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tạo hơn 1.000 việc làm mới, nhất là khu vực nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, khu vực này vẫn đang thu hút đông đảo nông dân tham gia, nếu như cuối năm 2021, toàn tỉnh có 437 HTX thì đến cuối năm 2022 tăng lên 467 HTX và hiện là 480 HTX.
Để có được thành công trên, Liên minh HTX tỉnh đã phối kết hợp với các ban ngành, đẩy mạnh hỗ trợ các HTX trong việc phát triển theo chuỗi thông qua việc sáp nhập, hợp nhất các HTX nông nghiệp quy mô liên thôn, diện tích sản xuất dưới 100 ha, hoạt động kém hiệu quả thành HTX có quy mô toàn xã, liên thôn.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX. Trong đó chú trọng hỗ trợ các HTX tiếp cận, hưởng thụ các chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng, các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa...
Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh cũng xây dựng các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Đi liền với đó là phối kết hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho hàng trăm lượt cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan tham mưu giúp việc về kinh tế tập thể, HTX trong toàn tỉnh để nâng cao nhận thức về mô hình này.
Dù vậy, khu vực kinh tế tập thể, HTX ở Ninh Bình vẫn còn có một số hạn chế, đó là: một số HTX năng lực nội tại và quản trị còn yếu; HTX chưa có các thương hiệu sản phẩm mạnh đủ sức cạnh tranh; chưa có nhiều HTX tổ chức được dịch vụ bảo quản, chế biến sản phẩm cho thành viên. Cả tỉnh có 480 HTX nhưng mới có 60 HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Theo bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Liên minh HTX các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, thành phố Hà Nội, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bạc Liêu tổ chức khai trương phiên chợ giới thiệu các sản phẩm HTX (chiều 20/10), quy tụ hơn 40 gian hàng nhằm hỗ trợ các HTX xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra. Đây cũng là cơ hội giúp các HTX nâng cao kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm quản lý, phát triển sản phẩm, thích ứng với thị trường.
Nắm bắt tình hình kinh tế tập thể, HTX của tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, việc Liên minh HTX tỉnh phối kết hợp, chủ động tham mưu chủ trương, chính sách về kinh tê tập thể của tỉnh đang hỗ trợ rất tốt trong thúc đẩy phát triển KTTT, HTX tại Ninh Bình.
Đặc biệt, việc phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được quan tâm bằng nhiều hình thức đang khơi dậy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, qua đó giúp cho các HTX phát triển nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà các HTX trên địa bàn tỉnh đang gặp phải.
Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, Liên minh HTX Việt Nam sẽ có những định hướng phát triển để hỗ trợ cho các HTX trên địa bàn tỉnh nói riêng, cùng các HTX trong cả nước nói chung các hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại trong toàn quốc, đưa khu vực này ngày một phát triển bền vững và hội nhập.
Huyền Trang