Ở xã nông thôn mới nâng cao Quế Phú (huyện Quế Sơn) hiện có HTX Nông nghiệp Quế Phú đang thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và lúa giống hàng hóa ở vùng Đông Quế Sơn cho hiệu quả kinh tế cao.
Tăng lãi ròng cho nhà nông
Trong 2 vụ đông xuân 2022 - 2023 và hè thu 2023, HTX này phối hợp với CTCP Giống cây trồng & vật nuôi Thừa Thiên Huế triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT 100.
Cùng HTX liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT 100 giúp nhà nông ở Quế Sơn thu lãi ròng. |
HTX này tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến và hỗ trợ 100% hạt giống lúa thuần ĐT 100 cho các hộ dân tham gia mô hình. Bình quân mỗi vụ, HTX và phía doanh nghiệp liên kết sản xuất 100ha lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT 100 với 716 hộ dân trên địa bàn xã Quế Phú.
Theo nhiều nông dân tham gia mô hình, bình quân mỗi vụ năng suất lúa ĐT 100 đạt hơn 7,2 tấn/ha. Doanh nghiệp thu mua sản phẩm lúa tươi với mức giá 7.500 đồng/kg thì mỗi ha đạt giá trị không dưới 54 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, nhà nông lãi ròng 23,5 triệu đồng/ha/vụ, tăng khoảng 30% so với sản xuất lúa thường.
Không chỉ ở địa phương nêu trên, thời gian qua chính quyền huyện Quế Sơn đã chỉ đạo xây dựng các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với các HTX nông nghiệp… Các chuỗi liên kết chủ yếu là sản xuất lúa thương phẩm, lúa giống, đậu phộng, nếp.
Nhất là huyện đã định hướng cho người dân trong sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo việc làm và tăng doanh thu cho các HTX nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện Quế Sơn cũng thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác ở những địa phương có thế mạnh về sản vật bản địa.
Như cách đây 5 tháng, ở xã Quế Long (huyện Quế Sơn), thông qua khuyến khích của chính quyền địa phương, HTX Nông nghiệp Đèo Le đã thành lập với 23 thành viên. HTX hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, sản xuất rượu thủ công truyền thống, chăn nuôi và chế biến sản phẩm từ gia súc, gia cầm, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ…
HTX này đang cố gắng để phát huy hiệu quả kinh tế tập thể, tận dụng các nguồn lực sẵn có ở địa phương nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Hỗ trợ đắc lực cho xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh HTX nêu trên, thời gian qua, xã Quế Long tuyên truyền, tạo nhận thức cho người chăn nuôi và người kinh doanh trong việc giữ gìn, quảng bá và phát triển thương hiệu “Gà Tre đèo Le”, đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Toàn xã có hơn 90% số hộ nuôi gà và HTX Nông nghiệp Quế Long được xem là “bà đỡ” cho “Gà Tre đèo Le” trong việc mở rộng thị trường và giữ gìn thương hiệu.
HTX Nông nghiệp Quế Long được xem là “bà đỡ” cho “Gà Tre đèo Le” trong việc mở rộng thị trường và giữ gìn thương hiệu. |
Ông Lê Ngọc Trai, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quế Long cho biết, ngoài việc cung cấp con giống, thức ăn ban đầu, những năm qua HTX còn chịu trách nhiệm về công tác thú y và bao tiêu sản phẩm giúp nông dân yên tâm chăn nuôi, phát triển đàn.
Mỗi ngày HTX này tiêu thụ được 400 – 500 con với mức giá 100 – 110 nghìn đồng/con. Gà có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng nên số lượng tiêu thụ ngày càng cao.
Từ việc phát triển của kinh tế hợp tác như vậy đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền, nhân dân Quế Long vẫn luôn nỗ lực hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí để hướng đến xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.
Hoặc như xã Quế Xuân 2 (huyện Quế Sơn) cách đây 5 năm đạt chuẩn xã nông thôn mới và đang nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Để đạt mục tiêu này, xã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất giống lúa thuần. Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của các HTX, xã Quế Xuân 2 đã triển khai thực hiện dự án mô hình sản xuất giống chất lượng cao ĐT 100 với diện tích 33ha, tại các thôn Bà Rén, Dưỡng Mông, Xuân Phú và Dưỡng Xuân.
Cụ thể, trong xã có HTX Dịch vụ Nông nghiệp 1 Quế Xuân đã liên kết với doanh nghiệp sản xuất được 10ha lúa giống HT8, liên kết với HTX Nông nghiệp Quế Xuân 2 sản xuất 110ha giống lúa ĐT 100. Vụ hè thu 2023, HTX liên kết sản xuất được 11ha lúa giống HT8. Qua đó, giúp nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân.
Những cánh đồng mẫu lớn với “bà đỡ” HTX cho mùa màng bội thu giúp cho diện mạo nông thôn ở Quế Xuân 2 ngày càng khởi sắc. Nhờ đó, hồi năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 2,24%, tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ còn 1,89%.
Đưa tự động hóa vào trồng trọt
Cùng với các địa phương nêu trên, giờ đây diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Quế Sơn đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Như năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,5%, giảm 21,53% so với cách đây 10 năm.
Huyện Quế Sơn đang hướng đến mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025. |
Tính đến nay, toàn huyện Quế Sơn có 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới gồm: Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Long, Quế Phú, Quế Mỹ, Quế Châu, trong đó xã Quế Phú đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2020.
Trong xây dựng nông thôn mới, huyện Quế Sơn xem việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Những năm qua, huyện đã phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Còn trong hoạt động kinh tế hợp tác, đến nay, trên địa bàn huyện có tổng cộng 41 HTX, trong đó 33 HTX nông nghiệp và 8 HTX phi nông nghiệp. Đã có không ít HTX ứng dụng công nghệ và bước đầu đã đem lại hiệu quả, gặt hái nhiều thành công.
Đơn cử như HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn) đã nâng cao sản lượng dưa lưới nhờ chuyển đổi số trong sản xuất. Mỗi tháng, HTX đáp ứng cho thị trường tiêu dùng ở Quảng Nam và Đà Nẵng từ 1,6 tấn đến 2 tấn dưa lưới sạch, theo tiêu chuẩn VietGap.
Sau thành công của dưa lưới, HTX này còn canh tác các loại rau thủy canh có xuất xứ từ nước ngoài như xà lách, rau cải, rau cần tây, bắp cải,… và nhiều giống rau quả, trái cây nổi bật khác theo mô hình thủy canh, nghiên cứu trồng rau xứ lạnh trái mùa tại Quảng Nam bằng công nghệ cao. Tất cả đều được trồng dựa trên tiêu chuẩn VietGAP và theo quy trình tự động hóa hoàn toàn, hầu hết các công đoạn đều thao tác trên ứng dụng của điện thoại thông minh.
Với tư duy làm nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, cách thức vận hành hiệu quả, HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn đang được kỳ vọng sẽ vươn mình trở thành đơn vị cung ứng rau củ quả sạch, chất lượng cao hàng đầu xứ Quảng.
Trên bước đường xây dựng nông thôn mới, những năm qua huyện Quế Sơn tập trung hỗ trợ các HTX và nông dân xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm đạt kết quả theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, phù hợp với quy hoạch vùng huyện đến năm 2030.
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua chính là động lực để huyện Quế Sơn thực hiện xây dựng nông thôn mới ngày càng tốt hơn nữa trong thời gian tới, nhằm hướng đến mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Thanh Loan