Theo Bộ KH&ĐT, mục tiêu của Chương trình nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể (KTTT) cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của đông đảo nhân dân về KTTT, hợp tác xã (HTX); đồng thời tăng cường năng lực của các tổ chức KTTT để phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực...
Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ KH&ĐT cho rằng mỗi địa phương trong cả nước có ưu thế riêng về thổ nhưỡng, khí hậu cũng như cây trồng, vật nuôi, chính vì vậy việc thành lập các mô hình HTX hoạt động với quy mô liên xã, liên huyện với những sản phẩm chủ lực của địa phương là một xu thế tất yếu mà các HTX cần hướng tới.
Dự kiến hỗ trợ gần 39 nghìn tỷ đồng cho phát triển kinh tế tập thể (Ảnh: Tư liệu) |
Các hình thức KTTT đã bước đầu thể hiện được vai trò liên kết hỗ trợ thành viên. Tại nhiều địa phương, các mô hình hội quán, tổ liên kết, HTX đã là tâm điểm cho hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ tuy nhiên quy mô còn nhỏ, các hoạt động hỗ trợ còn nhiều hạn chế.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc phát triển mở rộng các hình thức tổ chức KTTT, việc mở rộng quy mô và tăng cường liên kết với các thành phần, tổ chức kinh tế khác của các tổ chức KTTT là rất quan trọng, cần được tập trung để tổ chức KTTT không chỉ là cơ sở để hỗ trợ thành viên của mình mà còn là nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng địa phương, khu vực.
Do vậy, chương trình hỗ trợ được chia làm 2 hợp phần, bao gồm: Nâng cao trình độ nhận thức về KTTT; Nâng cao năng lực tổ chức KTTT.
Về nâng cao trình độ nhận thức về KTTT, Bộ KH&ĐT dự kiến khoảng 110.000 lượt cán bộ, thành viên, người lao động trong tổ hợp tác (THT), HTX được hỗ trợ bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng; Khoảng 7.000 lượt cán bộ, thành viên, người lao động trong THT, HTX được hỗ trợ đào tạo dài hạn và được cấp bằng...
Dự thảo nêu rõ, đối với bồi dưỡng: Ngân sách Nhà nước bảo đảm 100% kinh phí bồi dưỡng ngắn hạn trong và ngoài nước đối với cán bộ quản lý nhà nước về KTTT, bao gồm: kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn, ở, sinh hoạt phí.
Đối với đạo tạo chính quy: Ngân sách Nhà nước đảm bảo 100% chi phí cho việc trả học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đào tạo. Hỗ trợ chi phí ăn, ở cho học viên bằng 2 lần mức lương tối thiểu áp dụng đối với công chức với cán bộ, thành viên HTX; cán bộ, giảng viên về KTTT trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; cán bộ Liên minh HTX các cấp, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị- xã hội.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất hỗ trợ đưa cán bộ trẻ về làm việc tại tổ chức KTTT. Đối tượng hỗ trợ là cán bộ, người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học cam kết làm việc lâu dài tại tổ chức KTTT; tốt nghiệp các ngành phù hợp với nhu cầu của tổ chức KTTT. Mức hỗ trợ cán bộ bằng 2 lần mức lương tối thiểu áp dụng đối với công chức, tối đa trong vòng 3 năm/cán bộ, tối đa 2 cán bộ/tổ chức KTTT/năm. Nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước bảo đảm 100%.
Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm lên tới 30 tỷ/dự án
Đối với hợp phần 2 là nâng cao năng lực tổ chức KTTT, Bộ KH&ĐT cho biết sẽ có chương trình hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các HTX. Dự kiến 300- 500 THT, HTX được hỗ trợ tham dự hội chợ, triển lãm; Khoảng 50 HTX được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu- xuất xứ hàng hóa; Xây dựng thí điểm 3 trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể tại 3 vùng (Bắc, Trung, Nam) và các điểm giới thiệu sản phẩm tại các địa phương...
Dự kiến 300- 500 THT, HTX được hỗ trợ tham dự hội chợ, triển lãm (Ảnh: Tư liệu) |
Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% phí tham gia hội chợ; kinh phí cho việc tổ chức diễn đàn KTTT; kinh phí hỗ trợ hợp tác xã trong việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, khu vực KTTT sẽ được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm. Tối đa 30 tỷ/dự án quy mô cấp tỉnh, liên tỉnh, tối đa 5 tỷ/dự án quy mô cấp xã, huyện.
Ngoài ra, các nội dung hỗ trợ khác đối với khu vực KTTT như hỗ trợ vốn, giống, ứng dụng khoa học và công nghệ, ưu đãi đất đai, tín dụng...
Lê Thúy