Để hiện thực hoá câu chuyện định vị lại thương hiệu ngành chè Phú Thọ, năm 2016, LMHTX tỉnh cùng với những người dân làng nghề chè Phú Thịnh cùng bắt tay vào xây dựng HTX với tên gọi HTX sản xuất chế biến chè Phú Thịnh…
Từ những bước đi đầu tiên...
Ông Nguyễn Hữu Hồng – GĐ HTX SXCB chè Phú Thịnh, nhớ lại “Thời điểm đó ông và một số thành viên có sản xuất chè xanh, chủ yếu bán cho anh em, bạn bè, người quen, sản lượng tiêu thụ rất ít, hơn 2 ha chè của gia đình phần lớn vẫn bán tươi, sau khi thành lập HTX, được sự tập huấn hướng dẫn của Liên minh HTX tỉnh phối hợp cùng Liên đoàn HTX CHLB Đức tại Việt Nam (DGRV), bà con trong làng mới tập hợp lại, cải tiến quy trình kỹ thuật, tập trung sản xuất chè xanh”.
HTX sản xuất chế biến chè Đá Hen, huyện Cẩm Khê áp dụng kỹ thuật thu hái búp chè thủ công để nâng cao chất lượng nguyên liệu phục vụ chế biến. |
Đến nay, chè xanh Phú Thịnh đã trở thành một thương hiệu trong tỉnh Phú Thọ, được nhiều người dân, cơ quan, đơn vị tin dùng, trở thành một món quà ý nghĩa của Phú Thọ gửi đến những người bạn khi đến với Phú Thọ. Giá bán sản phẩm từ 80.000 đ/kg nay là 250.000 đ/kg, sản lượng chè xanh tiêu thụ liên tục tăng, doanh thu của HTX năm 2019 đạt 1,5 tỷ đồng.
Còn tại Long Cốc, địa danh nổi tiếng với những đồi chè làm nao lòng bao du khách thập phương, thôi thúc tìm về với Phú Thọ để trải nghiệm.Đến với HTX chè an toàn Long Cốc, du khách sẽ được trải nghiệm quy trình chăm sóc, chế biến chè truyền thống, an toàn và đầy thú vị. Hiện nay HTX đang cung cấp nhiều loại chè khác nhau như chè tôm nõn, chè đinh với các giống chè LDP1, Bát Tiên…
Chị Phạm Thị Hạnh, Giám đốc HTX chè an toàn Long Cốc cho biết, cây chè giờ đây đang mang lại đời sống tốt hơn cho người dân vùng núi Long Cốc, người lao động khi sản xuất và chế biến chè mỗi tháng thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng. Năm 2019, sản phẩm chè của HTX chè an toàn Long Cốc đã được vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Đến khẳng định giá trị thương hiệu chè Phú Thọ
Từ chè Phú Thịnh, Long Cốc đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 25 HTX chế biến chè xanh, với những cái tên như chè Đá Hen, chè Văn Miếu, chè Thanh Hà, chè Cẩm Mỹ, chè Hoàng Văn, chè Suối Reo… đã cho thấy sức lan tỏa nhanh chóng của việc phát triển chè xanh theo hướng chế biến sâu gắn với mô hình HTX kiểu mới.
HTX chế biến chè Hoàng Văn, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn đã đầu tư trồng, chế biến chè theo quy trình an toàn, đảm bảo chất lượng nhằm tạo thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm |
Hiện nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh là 16,4 ngàn ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 14,8 ngàn ha, năng suất bình quân trên diện tích cho sản phẩm là 103,4 tạ/ha. Tiếng là diện tích chè lớn nhưng giá trị mang lại chưa cao, chỉ đạt khoảng 70% so với tiềm năng thực tế. Cho đến nay còn một bộ phận lớn nông dân trồng và sản xuất chè mới chỉ tham gia rất ít trong các công đoạn sản xuất, kinh doanh nói trên. Nông dân chủ yếu là trồng, thu hoạch, sơ chế hoặc sản phẩm còn khá thô. Các công đoạn chế biến thành phẩm chất lượng cao, đóng gói bảo quản, làm thương hiệu, tiêu thụ thì hoàn toàn tự phát, phụ thuộc nhiều vào tư thương, cơ sở thu mua, vào các công ty kinh doanh lớn, các nhà xuất khẩu. Do vậy, người nông dân đang bỏ lỡ những công đoạn mang lại giá trị, thu nhập cao nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm chè.
Phú Thọ với rừng cọ, đồi chè đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt Nam, giờ đây, xây dựng và định hình lại thương hiệu chè Phú Thọ trở thành ước muốn, khát khao của những người con đất Tổ. Để xây dựng và định hình lại thương hiệu cần có sự tổng hòa của các yếu tố sản xuất nguyên liệu, chế biến, phát triển thị trường, cơ chế chính sách của tỉnh, sự tham gia của các thành phần kinh tế. Do vậy, với tinh thần hợp tác, cùng phát triển, trước hết là các HTX cần tiếp tục nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm, nâng cấp bao bì, nhãn mác, xây dựng và bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu của mỗi HTX nói riêng và sản phẩm chè tỉnh Phú Thọ nói chung; trong đó phải chú trọng mở rộng, kết nạp thành viên, mang giá trị của hợp tác, đoàn kết, cùng phát triển đến với cộng đồng, xã hội.
Tiến Thanh – Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ