Ông Bùi Văn Thành, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Gia Đình (Hải Phòng), chuyên sản xuất sản phẩm rươi và chả rươi cho biết trong quá trình tiếp xúc với khách hàng, nhà bán lẻ, đại lý HTX thường nhận được những “phàn nàn” về sản phẩm OCOP của HTX có giá đắt, bao bì chưa bắt mắt, chất lượng không ổn định.
Sản phẩm OCOP có thực sự đắt?
Đây là những thắc mắc cơ bản mà các HTX sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP đang gặp phải. Những điều này dường như đang làm chậm sự phát triển, thu hẹp thị trường của sản phẩm OCOP.
Xét về góc độ người tiêu dùng, nhà phân phối, họ có quyền góp ý, đưa ra ý kiến, so sánh về giá cả, chất lượng, bao bì… của sản phẩm OCOP. Nhất là khi hiện nay có nhiều sản phẩm cùng loại hoặc tương tự được sản xuất đại trà, bằng phương pháp công nghiệp với độ nhỉnh hơn về mẫu mã, đáp ứng được yếu tố ổn định của dòng hàng khi cung cấp ra thị trường.
Tuy nhiên, về yếu tố giá sản phẩm OCOP đắt thì cần phải được làm rõ hơn là đắt so với cái gì, đắt ở đâu, mặt hàng OCOP nào đắt? Bởi hàng hóa luôn có vô vàn giá cả. Một mớ rau cải mua ngoài chợ có thể chỉ có giá 5.000 đồng nhưng khi vào siêu thị lại có giá 10.000 đồng, thậm chí cao hơn. Còn đối với vải thiều, khi bán ở chợ chỉ có giá khoảng 15.000 đồng/kg nhưng khi doanh nghiệp thu mua tại vườn của HTX phục vụ xuất khẩu có thể với giá 50.000-60.000 đồng/kg, sau đó vải được bán tại Nhật Bản có thể lên đến 400.000 đồng/kg.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp Hội Thực phẩm Minh Bạch-AFT), từ thực tế sản xuất của nhiều HTX, người làm nông nghiệp bền vững cho thấy, với mức giá 50.000-60.000 đồng không thể sản xuất nổi một lít dầu ăn từ hạt lạc (từ cải tạo đất, trồng, chăm sóc, chứng nhận, chế biến, đóng gói, đưa ra thị trường…) vì phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí nghiêm ngặt. Nhưng ở nhiều cửa hàng, thậm chí ở siêu thị, mức giá nhiều loại dầu ăn chỉ trong khoảng 45.000-65.000 đồng/lít. Như vậy, đủ để thấy không thể có sản phẩm nào chất lượng mà được bán với giá rẻ. Người tiêu dùng hãy trở nên thông thái trong lựa chọn thực phẩm, hàng hóa để bảo vệ sức khỏe cho cho mình và người thân.
OCOP là sản phẩm đặc sản nên thường có số lượng ít và bán với giá "đắt". |
Nhìn vào sản phẩm OCOP của Việt Nam, có thể thấy, nếu sản xuất ra sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm thì ngoài đầu tư cho sản xuất, HTX phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn như: phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phải tự công bố chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm. HTX cũng phải đầu tư máy móc, bao bì tem nhãn, thậm chí còn phải xúc tiến thương mại, làm hồ sơ và các thủ tục đưa sản phẩm vào siêu thị (nếu có)… Đặc biệt, những HTX có sản phẩm OCOP đạt 5 sao phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khác về tiêu chuẩn, bao bì, sở hữu trí tuệ…
Với những điều trên, chẳng lẽ sản phẩm OCOP không thể có giá cao hơn hàng chợ, hàng không đạt chứng nhận và bán đại trà. Trong khi theo đại diện các HTX, sản phẩm OCOP được cung ứng ra thị trường hiện nay cũng chỉ có giá cao hơn một chút so với những hàng bán ngoài chợ, chứ đa phần đều chưa bán được với giá gấp đôi, gấp ba hàng chợ. Và nếu giá quá cao, HTX cũng không thể tiêu thụ được.
Đầu tư bao bì đẹp không thể từ lần đầu tiên
Ngoài vấn đề giá cả, một trong những điều mà HTX đang gặp phải đó chính là bị phàn nàn về bao bì. Nhưng nếu tìm hiểu có thể thấy, để có bao bì cho sản phẩm, dưới góc độ của các chủ thể, HTX phải tìm hiểu, tham khảo, sau đó đưa ra ý tưởng để cơ bản đáp ứng quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Thậm chí, khi in bao bì và gắn lên thực phẩm, HTX mới thấy rõ được thực trạng. Ngay cả khi đưa hàng ra thị trường, HTX mới thấy hết được những ưu nhược điểm trên bao bì của sản phẩm. Chính vì vậy, việc thay đổi bao bì, tem nhãn nhiều lần là hoàn toàn bình thường trong kinh doanh. Nhất là khi định hướng thị trường, xu hướng tiêu dùng luôn biến đổi không ngừng.
Dưới góc độ của một đơn vị vừa sản xuất, vừa làm thương mại, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Gia Đình cho rằng, có thể khi HTX chưa thấy vừa mắt, hoặc bao bì bị sai quy định hay cả những khi đối tác, người tiêu dùng mong muốn bao bì đẹp hơn, HTX có thể tính toán để thay đổi bao bì.
Nhưng có một vấn đề đối với các HTX đó là, HTX rất khó để bán một sản phẩm giá cao hơn lại có bao bì, tem nhãn đẹp mắt, có hộp đựng với chất liệu đắt đỏ ngay tại địa phương hoặc những vùng lân cận. Vì xét cho cùng, khi đầu tư cho bao bì có tính chất cao cấp thì sẽ phần nào kéo giá của sản phẩm đi lên và điều đó, khách hàng sẽ phải chi trả. Còn HTX, nếu không bán được sản phẩm thì dễ dẫn đến phá sản.
PGS.TS. Trần Văn Ơn, cố vấn OCOP Quốc gia, cho biết thời gian qua, nhiều chủ thể OCOP thiết kế bao bì không phù hợp bởi chỉ tập trung đầu tư bao bì quá đẹp nhưng bên trong chỉ là sản phẩm tiêu dùng bình thường. Thậm chí có đơn vị chi đến 70% giá thành cho bao bì, trong khi đó giá của sản phẩm vốn đã được khách hàng định nghĩa ở mức thấp. Điều này rất dễ dẫn đến thua lỗ cho chủ thể.
Ngoài vấn đề trên, nhiều HTX cũng gặp tình trạng khó khăn giữ chân khách hàng hay ký hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối vì bị cho rằng sản phẩm OCOP không phát triển liên tục. Khi bán được hàng thì sản phẩm này hay rơi vào tình trạng gián đoạn vì hết hàng .
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện HTX Nông nghiệp và Chăn nuôi tổng hợp Cẩm Duệ (Hà Tĩnh), ông Bùi Đức Bình, Giám đốc HTX cho biết bản thân ông và các thành viên cũng công nhận vấn đề chất lượng sản phẩm OCOP luôn không ổn định. Chẳng hạn như trứng vịt OCOP của HTX vẫn bị tình trạng quả to, quả nhỏ hay những HTX chế biến thực phẩm vẫn không thể đạt vị chuẩn 100% cho tất cả các đơn hàng.
Điều này là vì các chủ thể OCOP phần lớn là các hộ kinh doanh, HTX hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong khi nhiều mặt hàng OCOP phải sản xuất thủ công mới cho chất lượng đặc trưng. Ngay cả việc tìm ra công thức chế biến, đầu tư máy móc, hoàn thiện nhân lực cũng cần thời gian để khắc phục.
Còn về vấn đề sản phẩm OCOP khi bán chạy lại rơi vào tình trạng hết hàng, theo các chuyên gia, điều này là rất bình thường. Vì đặc sản OCOP mang tính vùng miền, mùa vụ, ngoài ra năng lực sản xuất của HTX thường yếu do nguồn lực hạn chế.
PGS.TS. Trần Văn Ơn cho biết, sản phẩm OCOP là các đặc sản nên chỉ thích hợp với vùng sinh thái nhất định. Do đó, sản phẩm sẽ mất phẩm chất khi mở rộng diện tích sang vùng khác. Đây cũng là đặc điểm mà vì sao nhiều sản phẩm OCOP nhưng thường có ít và bán đắt.
Huyền Trang