Hiện nay, các HTX ở Việt Nam được phân chia thành 2 loại là HTX nông nghiệp và HTX phi nông nghiệp. Các HTX phi nông nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực như môi trường, xây dựng, vận tải, thủ công mỹ nghệ, thương mại dịch vụ, điện năng, nhà ở, tàu biển, quỹ tín dụng nhân dân...
HTX hiện diện khiêm tốn ở nhiều ngành nghề
Tuy đã đa dạng được ngành nghề nhưng có thể thấy, các ngành nghề HTX đang hoạt động chủ yếu là ngành nghề truyền thống, các loại hình tổ chức của kinh tế tập thể (KTTT), HTX vẫn còn chưa đều ở các ngành nghề, chưa bắt kịp nhu cầu của xã hội.
Như HTX giáo dục, ở Việt Nam đã có mô hình này nhưng xuất hiện rất khiêm tốn, nổi lên hiện nay chỉ có HTX Giáo dục mầm non Hoàng Nhân (Đồng Nai), HTX trong trường học có HTX Thanh niên Youth Coop (TPHCM). Hay ở lĩnh vực y tế, cũng đã có HTX hoạt động như HTX chăm sóc sức khỏe cộng đồng Minh Thành (Yên Bái), lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp như HTX Tâm Vĩnh Phát (TP. HCM)... nhưng nhìn chung số lượng chưa nhiều.
Đặc biệt, thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay nhưng theo PGS.TS Mai Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam (VDECA), hiện cả nước mới chỉ có 1 HTX và 1 Liên hiệp HTX hoạt động ở lĩnh vực này, trong khi nhu cầu hỗ trợ trợ các dịch vụ về công nghệ cho nông dân, HTX rất lớn. Đặc biệt, trong nhiều lĩnh vực hiện nay đang có nhu cầu rất lớn như tư vấn - chăm sóc sức khỏe, dưỡng sinh, hỗ trợ tìm kiếm việc làm... vẫn chưa có các HTX tham gia.
Có nhiều tiềm năng mà các HTX cần tận dụng nhằm "phủ sóng" mô hình HTX ở các lĩnh vực, ngành nghề. |
Trong khi HTX ở các nước trên thế giới tham gia và phát triển khá đa dạng ở các lĩnh vực, ngành nghề. Tiêu biểu như mô hình HTX ở Israel đã phát triển cả dịch vụ giặt-sấy khô quần áo, bếp ăn tập thể, hỗ trợ dùng xe ô tô miễn phí, nhà ở, nhà kho, đông lạnh... Hàn Quốc đã phát triển các HTX chữa lành tâm hồn, Thái Lan có cả HTX làm dịch vụ đám cưới, ma chay...
Theo Liên minh HTX quốc tế (ICA), trên thế giới có khoảng 2,4 triệu HTX tại gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các HTX hoạt động đa dạng ở các lĩnh vực, ngành nghề như giáo dục, y tế, tôn giáo, văn hóa, hoạt động xã hội, phong trào thanh thiếu niên, thể thao, công viên, ánh sáng công cộng, các tiện ích cho người cao tuổi, lĩnh vực bánh mì-bánh ngọt... Ngay như các HTX y tế và chăm sóc sức khỏe đã xuất hiện tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Xu hướng phát triển những HTX “kiểu mới”
Có thể thấy, không một đất nước nào có phong trào HTX phát triển mà chỉ hình thành duy nhất HTX nông nghiệp. Tại Việt Nam, khu vực KTTT, HTX cũng đã phát triển ở một số lĩnh vực nhưng vẫn thiếu bóng dáng ở nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chưa phát triển không có nghĩa là không có cơ hội. Ngược lại, cơ hội phát triển KTTT, HTX với những lĩnh vực mới sẽ dần xuất hiện trong thời gian tới bởi nhiều yếu tố tác động tích cực.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết, khi Luật HTX 2023 chính thức đi vào cuộc sống, tốc độ, số lượng HTX thành lập mới sẽ tăng nhanh. Trong đó, sẽ tập trung vào các HTX ở các ngành nghề như HTX chế biến nông, lâm, thủy sản, HTX du lịch, HTX tín dụng. Khu vực nông thôn xuất hiện những mô hình mới như: HTX thiết kế vườn, HTX tiêu dùng, HTX nghỉ dưỡng, HTX nhà ở, HTX tư vấn-chăm sóc sức khỏe... Những HTX này sẽ hình thành và phát triển ở những địa phương có tốc độ chuyển động nhanh là vùng sản xuất nguyên liệu nông sản xuất khẩu, khu vực ven đô thị lớn, địa phương có tiềm năng sản phẩm OCOP...
“Những HTX hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng sẽ phát triển mạnh khi tín chỉ carbon được lên sàn giao dịch”, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy dự báo.
Ông Hoàng Hữu Danh, nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede, cho hay câu chuyện về sản xuất cà phê cân bằng carbon cũng là cách hay đang đón đầu xu thế thị trường tiêu dùng xanh . Vì vậy, việc phát triển, hình thành những HTX, những mô hình sản xuất như vậy hoặc tương tự cũng được dự báo từ trước.
Bởi theo tính toán của các tổ chức trên thế giới, để làm ra được 1 tấn cà phê thành phẩm sẽ thải ra ngoài môi trường khoảng 3 tấn carbon. Thế nhưng, nếu các HTX có vùng canh tác bền vững sẽ giúp giảm lượng carbon thải ra môi trường xuống gần một nửa, chỉ còn khoảng 1,6 tấn carbon.
“Nếu có những HTX theo đuổi chiến lược giảm phát thải, trong tương lai, sản xuất 1 tấn cà phê thành phẩm chỉ thải ra ngoài môi trường khoảng 1 tấn carbon”, ông Danh nhấn mạnh.
Còn theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, đã có những doanh nghiệp, cá nhân bày tỏ muốn thành lập HTX sản xuất trà sữa sản xuất hoàn toàn bằng các nguyên liệu từ Việt Nam. Trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về sản xuất chè và xuất khẩu nên thuận lợi trong việc đảm bảo từ truy xuất nguồn gốc đến xây dựng thương hiệu, phục vụ xuất khẩu loại sản phẩm này. Nếu việc thành lập HTX sản xuất và chế biến trà sữa theo chuỗi giá trị hàng hóa đi vào hiện thực sẽ nâng cao được giá trị của cây chè, thúc đẩy sản xuất của người dân.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng lưu ý, thực tiễn từ nhiều nước trên thế giới cho thấy vai trò của HTX rất quan trọng. Nhiều người có thể tham gia nhiều HTX khác nhau để nâng cao thu nhập. Do đó, việc phát triển HTX ở Việt Nam, đặc biệt là ở nông thôn cần có thêm nhiều HTX với các ngành nghề đa dạng như HTX giáo dục để chăm sóc, giáo dục con em thành viên. Mô hình này đã phát triển rất mạnh ở Hàn Quốc, Hà Lan. Ngoài ra, cần thành lập và phát triển thêm các HTX chăm sóc sức khỏe, HTX mua bán, HTX logistics, HTX kho lạnh, HTX công nghệ, HTX marketing... Điều này giúp khu vực KTTT, HTX thích ứng với thị trường, đáp ứng được nhu cầu của thành viên.
Việc thành lập HTX hoạt động trong lĩnh vực mới, đáp ứng nhu cầu sản xuất bền vững và tiêu dùng hiện đại là cần thiết nhưng theo các chuyên gia, không vì vậy mà việc mở rộng các HTX như này diễn ra quá nhanh và quá mạnh. Bởi có những ngành nghề, lĩnh vực muốn phát triển cần phải có các chính sách quản lý liên quan để hướng dẫn HTX phát triển lành mạnh và bền vững theo ngành, theo lĩnh vực. Bên cạnh đó, các HTX cũng cần tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ để phản ánh chính xác mức giá mà mình đưa ra.
Huyền Trang