Chính vì vậy, việc đẩy mạnh triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ – CP của Chính Phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được xem là biện pháp quan trọng giúp người nông dân và các HTX trên địa bàn yên tâm sản xuất.
Xót xa cảnh bỏ hoang “bờ xôi, ruộng mật”
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hà Nội nêu ví dụ, chỉ tính riêng xã Trung Màu, huyện Gia Lâm đã có tới gần 100ha đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang trong nhiều năm nay hoặc sản xuất cầm chừng, hiệu quả thấp.
![]() |
Các sở, ngành, các đơn vị tư vấn và chủ thể là các HTX, doanh nghiệp được đưa vào hỗ trợ từ Dự án liên kết theo Nghị định 98 của Chính phủ họp bàn, đánh giá và khắc phục những hạn chế để đẩy nhanh việc triển khai hỗ trợ. |
“Một số diện tích được sản xuất cũng là việc người dân đối phó với các cơ quan chức năng sợ bị thu hồi nên hiệu quả rất thấp”, ông Tường nói.
Không chỉ tại xã Trung Màu của huyện Gia Lâm, mà nhiều xã của các huyện khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng diễn ra khá phổ biến. Một phần do năng suất thấp, phần khác do đất đai manh mún, sản lượng ít, sản phẩm làm ra không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
“Thật xót xa khi chính quyền và ngành chức năng địa phương chứng kiến cảnh “bờ xôi, ruộng mật” được người dân sản xuất ổn định nay lại bị bỏ hoang vì hiệu quả kinh tế thấp, người dân không mặn mà với đồng ruộng”, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết.
Trước thực tế đang diễn ra và trên cơ sở Nghị định 98 của Chính phủ ban hành thánh 7/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4268 về việc phê duyệt các quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc thẩm quyền giải quyết của sở Nông nghiệp và PTNT; Quyết định số 13 về việc quy định phân cấp phê duyệt hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.
Từ các căn cứ trên, Sở NNPTNT đã ban hành Quyết định 1806 về việc ban hành quy chế về tổ chức, hoạt động của Hội đồng thẩm định Dự án liên kết, kế hoạch đề nghị hỗ trợ, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh (đứng phát biểu) đề nghị các sở, ngành tìm hướng tháo gỡ để việc hỗ trợ các Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội được đẩy nhanh tiến độ, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất. |
Vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách
Từ những cơ sở này, các sở ngành của thành phố đã khảo sát, đánh giá các tiêu chí cũng như năng lực của các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và đã lựa chọn 5 đơn vị là để triển khai “Dự án liên kết” sản xuất gồm: chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (Thanh Trì); HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (Ứng Hòa); HTX dich vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn); HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (Đông Anh) và Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội (Nam Từ Liêm).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù đơn vị chủ trì là NNPTNT đã phối hợp với các sở ngành trực tiếp đến các đơn vị khảo sát, đánh giá, nhưng gần 2 năm qua, việc hỗ trợ các đơn vị này theo Nghị định 98 vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Nguyên nhân dẫn đến việc các dự án chậm là do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, chẳng hạn như khi hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thì có được phép xây dựng nhà tạm tại khu vực sản xuất hay không? Khi xây dựng nhà sơ chế, xưởng chế biến thì liên quan đến đất nông nghiệp và phải được chuyển đổi như thế nào cho phù hợp. Sản xuất nông nghiệp theo năm, theo mùa vụ, còn yêu cầu của việc liên kết là phải 2 năm thì sẽ tháo gỡ bằng cách nào? Việc liên kết của doanh nghiệp chăn nuôi thì không được gần khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường…
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, việc triển khai dự án hỗ trợ liên kết đối với các địa phương là hết sức cần thiết để nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nhất là khắc phục được tình trạng bỏ hoang đồng ruộng hiện nay.
“Do vậy, dù khó khăn thế nào thì rất mong các đơn vị chức năng có biện pháp tháo gỡ để chương trình hỗ trợ đi vào cuộc sống”, ông Quân kiến nghị.
Theo TS. Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn dịch vụ và Thương mại nông sản thực phẩm nông thôn, chuyên gia tư vấn hỗ trợ các dự án, đến thời điểm này, cả nước đã có 16 tỉnh triển khai thực hiện việc hỗ trợ với 321 dự án. Tuy nhiên, Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá đi đầu cả nước về phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có sản xuất nông nghiệp, nhưng chưa có dự án nào được triển khai hỗ trợ theo Nghị định 98 của Chính phủ.
“Để người dân không quay lưng với đồng ruộng, vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải cùng nhau phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời kích hoạt chính sách hỗ trợ thiết thực để nâng cao hiệu quả trong liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa người dân với các HTX và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo đúng Nghị quyết 98 của Chính phủ cũng như quy định của pháp luật”, ông Trường nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP Hà Nội cũng mong muốn, khi triển khai các gói hỗ trợ bao giờ cũng gặp vướng mắc. Chính vì điều này mới cần các sở, ngành chức năng phối hợp để đánh giá, triển khai theo đúng quy định.
“Mục đích lớn nhất của dự án là hỗ trợ là vì người dân, để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, các sở ngành cần chỉ ra những vướng mắc cụ thể để các đơn vị tư vấn cũng như chủ thể của dự án và các đơn vị chức năng có hướng tháo gỡ phù hợp”, ông Tường mong muốn.
Rõ ràng, việc triển khai hỗ trợ theo dự án liên kết, kế hoạch liên kết tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng tới liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản quy mô lớn, an toàn, chất lượng. Đặc biệt là hạn chế được tình trạng bỏ hoang đồng ruộng đang riễn ra tại một số địa phương hiện nay.
Phạm Duy