Tính đến hết năm 2019, cả nước có 110.000 Tổ hợp tác (THT); 24.618 HTX và 85 Liên hiệp HTX. Tổng số thành viên HTX đạt trên 7 triệu, tăng 0,5 triệu thành viên, tương ứng tăng 8% so với năm 2018, trung bình 282 thành viên/HTX. Đáng chú ý, HTX nông nghiệp có tới 4,1 triệu thành viên, chiếm 57% tổng số thành viên cả nước, trung bình 264 thành viên/HTX.
Khắc phục yếu kém
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị, trong tổng số hộ nông thôn, có khoảng trên 40% số hộ tham gia thành viên HTX, 65% số hộ tham gia thành viên KTHT. Điều này cho thấy KTHT, HTX đang trở thành phương thức liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD) có xu hướng tăng tất yếu của kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Khi tham gia HTX, các thành viên khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ như: Thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất. HTX giúp cho hộ thành viên sử dụng có hiệu quả hơn đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn, tiếp cận những thông tin, tiến bộ KH-KT, tăng sức cạnh tranh thị trường và nâng cao năng lực hoạt động kinh tế; đồng thời phát huy giá trị tinh thần về xã hội, văn hóa, như tinh thần tương thân, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống.
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả của HTX. Đặc biệt, Luật HTX 2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX với hạt nhân là “hợp tác”, quy định rõ bản chất của tổ chức HTX, đã tạo ra khung pháp luật cơ bản phù hợp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX.
“Đến nay, KTHT có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Điều đó khẳng định Nghị quyết 13 là một chủ trương đúng đắn, đã giúp các HTX từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém”, Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, thời gian qua, KTHT, HTX đã có nhiều tác động đến kinh tế thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Thực tế cho thấy, giữa hộ thành viên HTX so với hộ không phải là thành viên HTX về năng suất lao động không chênh nhau nhưng giá thành thì có sự chênh lệch rõ rệt. Các hộ thành viên HTX bán hàng với giá cao hơn các hộ không phải thành viên HTX khoảng trên 10%, chi phí sản xuất giảm khoảng 25%. Do vậy, thu nhập của hộ thành viên HTX cao hơn so với các hộ không phải thành viên HTX khoảng 30%. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của HTX đối với nông dân.
HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ xoài Đắk Gằn (Đắk Nông) thu hoạch xoài |
Cần sự hỗ trợ tích cực
“Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thực tế, KTHT, HTX phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng. Một số HTX còn thụ động, chậm tái cơ cấu hoạt động SX-KD theo yêu cầu của kinh tế thị trường. Đóng góp vào GDP của khu vực này dù đã tăng từ 6% trong năm 2003 lên gần 10% năm 2019, nhưng so với khu vực kinh tế khác vẫn còn nhiều hạn chế. Khu vực KTHT, HTX chưa phát triển đạt được mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận xét.
Mục tiêu phát triển KTHT, HTX trong thời gian tới là khắc phục các yếu kém, hạn chế hiện nay, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTHT, HTX. Xây dựng và phát triển mô hình KTHT, HTX bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên. Thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTHT, HTX, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, kéo giảm khoảng cách giàu nghèo, nâng cao hình ảnh và vị thế của khu vực KTHT, HTX.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngoài sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, của các bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam, cán bộ của các HTX cần năng động hơn, chủ động kết nối với các chủ thể khác trong nền kinh tế, mở rộng lĩnh vực hoạt động theo nhu cầu phát triển. Phát huy vai trò tích cực trong thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, kết nối và mở rộng hợp tác, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ và các chủ thể khác nhằm nâng cấp chuỗi giá trị, dịch vụ cho hộ gia đình. Thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, cần tập trung xây dựng một số mô hình HTX, Liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, thu hút được số đông người dân tham gia theo cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có quy mô lớn, có sức lan tỏa tại các vùng, miền trên cả nước, từ đó phổ biến, nhân rộng các mô hình HTX điển hình để củng cố niềm tin của người dân về HTX. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KTHT. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp về KTHT, HTX để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX. Đổi mới và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, phát triển KTHT, HTX...
“Các cơ quan quản lý cần có đánh giá, phân loại HTX hoạt động hiệu quả, trung bình, yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể từng HTX thực hiện tái cơ cấu; giải thể dứt điểm các HTX yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa cho thành lập HTX mới. Thành lập và hỗ trợ Liên hiệp HTX hoạt động, làm “đầu kéo” cho các HTX huy động nguồn lực phát triển và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Phạm Duy