Chia sẻ tại Tọa đàm “HTX: Đòn bẩy giảm nghèo đa chiều bền vững” tổ chức ngày 2/11, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định kinh tế tập thể, HTX có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững. Bởi kinh tế tập thể là một hình thức kinh tế chia sẻ, phát triển gắn với chuỗi giá trị. Kinh tế tập thể với nòng cốt là các HTX hoạt động có sự công bằng, không phân biệt người giàu, người nghèo. Điều này khác với mô hình công ty cổ phần, ai đóng góp nhiều thì có quyền năng nhiều.
Hiện nay, cả nước có gần 30.000 HTX, trên 223.000 tổ hợp tác, trong đó riêng vùng dân tộc thiểu số có khoảng 5.000 HTX và hơn 10.000 tổ hợp tác. Nhiều HTX, tổ hợp tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang làm tốt vai trò tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nhận thức cho bà con.
Dẫn lối thành công
Tiêu biểu như HTX thổ cẩm Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) đã thu hút được 140 thành viên và nhiều hộ liên kết. Mỗi năm, HTX cung ứng hàng chục nghìn sản phẩm ra thị trường trong nước và nước ngoài. Nhờ đó đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các thành viên ở mọi lứa tuổi, ít nhất cũng đạt khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, nhờ vậy mà họ không phải đi bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch như trước.
HTX thổ cẩm Tả Phìn chỉ là một trong những mô hình kinh tế tập thể đang phát triển bền vững và hiệu quả sau hàng chục năm thành lập, từ đó góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân địa phương giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy mà HTX đang mong muốn phát triển thêm dịch vụ homestay để tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân bản địa.
Tại Việt Nam, khu vực kinh tế tập thể, HTX đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% vào GDP của cả nước, đóng góp gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên.
HTX đang thu hút thành viên, người lao động ở đa dạng độ tuổi. |
Cũng tại Tọa đàm “HTX: Đòn bẩy giảm nghèo đa chiều bền vững”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân một lần nữa khẳng định, kinh tế tập thể, HTX giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán nhận thức sản xuất, giải quyết việc làm, đào tạo việc làm, ứng dụng công nghệ từng bước mà không bị ràng buộc bởi một phương thức cứng nhắc nào (một tuần, một tháng gặp nhau bàn bạc về phương thức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nhau sản xuất). Việc này phù hợp với trình độ người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì đòi hỏi trình độ hợp tác giản đơn nhưng lại có sự đoàn kết cộng đồng.
“Việc liên kết giữa HTX với HTX, tổ hợp tác với HTX hoặc HTX với các loại hình khác sẽ nâng cao tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, giúp đời sống người dân tốt hơn, từ đó thúc đẩy giảm nghèo đa chiều tốt hơn”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Hiện, ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành được những HTX quy mô lớn như HTX 19/5 (Sơn La), HTX thổ cẩm Lan rừng Sa pa (Lào Cai)…, nhưng cũng còn không ít HTX quy mô nhỏ, ít thành viên. Có lẽ điều này xuất phát từ thực tiễn đặc điểm vùng cao, dân cư thưa thớt, phong tục tập quán của người dân chủ yếu tự cung tự cấp nên ngay từ khi thành lập, HTX có quy mô lớn sẽ trở thành "chiếc áo quá rộng" khiến các thành viên "khó bơi" thành thạo trong môi trường hợp tác liên kết.
Bên cạnh đó, có thể do sự liên kết giữa các tổ chức địa phương chưa cao nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX ở cùng địa phương, cùng vùng miền núi liên kết với nhau, dẫn tới vẫn còn những HTX quy mô nhỏ. Việc đào tạo cũng chưa được quan tâm nên chưa nâng cao nhận thức trong việc tham gia, đào tạo, thu hút người dân vào HTX
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX đang tập trung ở Trung ương và đến cấp tỉnh. Còn tại các địa phương, nhất là vùng miền núi, tình trạng thiếu cán bộ quản lý HTX đang diễn ra nên thiếu người đồng hành cùng HTX, từ đó chưa thể giúp các HTX phát triển cả về chất và lượng.
Để HTX thực sự là điểm tựa giảm nghèo
Kết quả 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản năm 2022 của Bộ KH&ĐT cho thấy, các hộ gia đình Việt Nam thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,8%), trình độ giáo dục người lớn (33,6%), dinh dưỡng (24,1%) và bảo hiểm y tế (22,4%).
Và theo chuẩn nghèo mới, toàn quốc có 4,3% hộ nghèo đa chiều. Còn tính về tỷ lệ hộ nghèo (không theo giảm nghèo đa chiều), Trung du miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (12,1%).
Vậy, cần phải làm gì để tiếp tục kéo giảm các chỉ số trên? Theo các chuyên gia, chắc chắn không còn cách nào khác là thành lập các HTX. Bởi, HTX hình thành, phát triển góp phần nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi thông qua tạo việc làm và thu nhập. Có HTX thì người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có sức mạnh.
Hỗ trợ HTX phát triển sẽ thúc đẩy giảm nghèo bền vững. |
“Đặc biệt, khi chú trọng đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ, thành viên HTX một cách đồng bộ sẽ giúp các HTX ứng dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh thuận lợi và hiệu quả, từ đó giúp địa phương và cả xã hội đi nhanh hơn trong công tác giảm nghèo đa chiều cũng như cải thiện các chỉ số về việc làm, sức khỏe, bảo hiểm, trình độ giáo dục…”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phân tích.
Tuy nhiên, để các HTX thực sự là "bà đỡ mát tay" trong giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số thì cũng còn rất nhiều việc cần làm, bởi dư địa phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng miền núi còn rất lớn những không ít HTX vẫn đang gặp những trở ngại trong phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó khó hỗ trợ giảm nghèo.
TS. Trần Văn Ơn, người đã có nhiều năm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp thông qua mô hình HTX cho rằng điểm yếu của người dân nơi đây là họ không biết mình đang có trong tay nguồn lực lớn về các tài nguyên bản địa, không biết được những thứ mình đang có sẵn là những điều kiện vô cùng thuận lợi để khởi nghiệp. Đó là chưa kể đến việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số với người dân, HTX ở thành thị đã khó, với người dân, HTX vùng dân tộc thiểu số còn khó hơn.
Dù là người thành lập HTX và giúp hàng chục hộ dân ở xã Vy Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nhưng Giám đốc HTX chuối sấy Thiên An Lý Thị Quyên (người dân tộc Dao), cho biết khi muốn xây dựng một dây chuyền chế biến và thiết kế bao bì riêng cho HTX, chị và các thành viên lại không biết làm như thế nào nên rất cần sự tư vấn, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý và may mắn nhận được sự đồng hành từ phía Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương…
Hiện, các chính sách về giảm nghèo và phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có, chính vì vậy theo các chuyên gia, điều quan trọng là tổ chức thực thi các chính sách như thế nào. Và, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, trước tiên cần phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong việc bảo vệ quyền, lợi ích cho HTX thành viên. Đi liền với đó là chú trọng phát triển các HTX theo hướng chuỗi giá trị để mang lại giá trị lớn về chất lượng, số lượng nông sản.
Muốn vậy, cần hỗ trợ HTX về nguồn lực cũng như hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, vì nội lực HTX còn mỏng. Nhất là việc hỗ trợ HTX đưa nông sản vào hệ thống siêu thị đang gặp khó khăn do cơ chế của chính các siêu thị, nên cần đẩy mạnh bằng các cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi để hỗ trợ HTX đa dạng đầu ra, đầu tư máy móc, bao bì, xây dựng thương hiệu…
Đặc biệt, các địa phương vùng miền núi nên đẩy mạnh mô hình tổ hợp tác vì đây là mô dễ hình thành, phù hợp với đặc thù dân cư thưa thớt nhưng vẫn đảm bảo tính cộng đồng cao. Sau đó, khi tổ hợp tác ổn định sẽ phát triển lên HTX thì nền tảng của HTX sẽ vững vàng và thuận lợi trong thu hút thành viên, mở rộng quy mô...
Huyền Trang