Theo dự báo của các chuyên gia, bất ổn địa chính trị trên thế giới tuy không tác động trực tiếp đến Việt Nam, nhưng các HTX, doanh nghiệp cũng đang phải hoạt động trong chu kỳ kinh doanh và nhu cầu toàn cầu đang chậm lại.
"Bài toán khó" tìm khách hàng
Bà Mai Thị Vân, Giám đốc HTX Nông sản Vân Di (Quảng Bình) cho biết, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới, khách hàng thắt chặt chi tiêu nên dù đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử nhưng đầu ra cho sản phẩm tinh bột nghệ đỏ, viên nghệ đỏ mật ong, tinh bột sắn dây… của HTX chưa thực sự khả quan.
Lý giải về điều này, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nếu như năm trước, người tiêu dùng chỉ cắt giảm chi tiêu vào những mặt hàng xa xỉ thì đến nay, mua sắm những mặt hàng thiết yếu cũng bị cân nhắc. Việc này chắc chắn làm suy giảm sức mua trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, doanh nghiệp.
Thống kê của Công ty Kantar Việt Nam cho thấy, nếu như năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính chỉ ở mức 21% thì đến nay đã tăng lên 28%.
Theo các chuyên gia, kinh tế suy thoái, bất ổn địa chính trị thế giới làm cho các HTX, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Và dù mỗi HTX, doanh nghiệp sản xuất đều có những khó khăn khác nhau, nhưng nhìn chung đều gặp tình trạng hàng bán chậm, thậm chí không bán được hàng dẫn đến tồn kho cao, nguồn tiền bị "treo".
Bên cạnh đó, nhiều HTX, doanh nghiệp rơi vào cảnh không đủ nhân sự để mở rộng sản xuất kinh doanh, tiếp thị bán hàng. Chia sẻ về điều này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng nhiều HTX, doanh nghiệp nhỏ đang thiếu trầm trọng nhân lực nên dù áp dụng bán hàng online nhưng khâu tương tác với khách hàng, giải quyết các vấn đề với khách hàng còn yếu. Thậm chí do thiếu nhân lực nên một người làm nhiều việc: vừa bán hàng, vừa làm marketing, vừa quản lý, phát triển thị trường thì chắc chắn khó mang lại hiệu quả cao.
HTX, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thị trường liên tục để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. |
Bà Bùi Thị Khánh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Khánh Thọ (Hải Dương) chia sẻ, thực tế có nhiều người khởi nghiệp nhưng vừa sản xuất, vừa đi bán hàng, vừa nghiên cứu sản phẩm... Mục đích của những mô hình này là tiết kiệm chi phí nhưng nếu vừa sản xuất, vừa bán hàng thì không có thời gian để nghiên cứu sản phẩm. Nếu tập trung tiếp khách hàng dù mỗi người chỉ 5-10 phút thì sẽ không có thời gian sản xuất... Và những đơn vị mà người đứng đầu vừa tự bán hàng, tự sản xuất, tự nghiên cứu sản phẩm sẽ khó có kênh phân phối ổn định.
Ngoài ra, hầu hết các HTX, doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay đang phải đối mặt với chi phí bán hàng tăng cao và khó khăn trong tìm kiếm khách hàng mới. Điều này là do nhiều doanh nghiệp, HTX từ trước đến nay thường chưa chú trọng hoặc chưa biết cách chăm sóc khách hàng nên xảy ra tình trạng thường xuyên thay đổi đối tác dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí tìm kiếm đối tác (khách hàng) mới, nhất là trong tình hình khó khăn chung như hiện nay.
Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, các HTX, doanh nghiệp nhỏ thường thiếu chiến lược sản xuất kinh doanh nên không khai thác lợi thế trong thương mại quốc tế, thậm chí xảy ra tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, thiếu tính liên kết và không có thương hiệu trên thị trường.
Tìm sự tiệm cận
Đặc biệt, từ trước đến nay, nhiều HTX, doanh nghiệp sản xuất chỉ luôn đi tìm người bán hàng, ai bán được thì tiến hành giao hàng. Mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối thường mới chỉ dừng lại ở trạng thái mua - bán chứ chưa tiến xa hơn là cùng nhau hướng tới phát triển sản phẩm một cách bền vững.
Trong khi tâm lý của những người làm ra sản phẩm là luôn đi tìm nhà phân phối mới, còn nhà phân phối thì lại luôn tìm kiếm nhà sản xuất sản phẩm mới “hấp dẫn” hơn. Điều này dẫn tới tình trạng là khi sản phẩm xảy ra vấn đề, việc tìm kiếm người chịu trách nhiệm gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, trường hợp khi sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài xảy ra sự cố, phía đối tác không biết liên hệ với ai để giải quyết vấn đề hoặc có liên hệ thì việc xử lý sự cố không triệt để vì nhà sản xuất và nhà phân phối thường đổ lỗi cho nhau. Thậm chí, khi người tiêu dùng không hài lòng về sản phẩm, họ sẵn sàng không mua sản phẩm nữa thì nhiều trường hợp cả bên sản xuất và bên phân phối cũng không quan tâm tìm hiểu nguyên nhân, dẫn tới mất khách và càng khó tìm khách hàng mới.
Ông Lê Trọng Kha, Giám đốc công ty TNHH LeKha Distributor (TP) HCM) cho biết, xảy ra vấn đề này là do cả bên sản xuất và phân phối sản phẩm luôn đề cao vấn đề lãi lời, đặt nặng chuyện làm sao để lấy được tiền từ khách hàng chứ chưa quan tâm đến việc tạo ra giá trị bền vững cho khách hàng, mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Vì thế, trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc bán hàng, tìm kiếm khách hàng của HTX, doanh nghiệp càng gặp cản trở dẫn tới vốn bị chiếm dụng, khó giải ngân dòng tiền và dẫn đến hiệu ứng nợ dây chuyền.
Do đó, HTX, doanh nghiệp phải xây dựng giá trị, tìm kiếm nhân lực một cách phù hợp và đi theo hướng bài bản thì mới tạo được niềm tin cho khách hàng. Theo ông Kha, ngay cả các nhà phân phối cũng rất nản làm việc với những nhà cung cấp làm ăn chưa chuyên nghiệp, trong khi họ có đủ tiềm lực để tìm kiếm những nhà sản xuất mới.
Đặc biệt, do tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới và thị trường trong nước biến động thường xuyên, việc nắm bắt thông tin, tình hình thị trường cần được quan tâm. Chính vì vậy, tổ chức các buổi gặp gỡ thường kỳ trong hệ thống HTX, doanh nghiệp để tạo sự kết nối chặt chẽ, góp phần giúp HTX, doanh nghiệp cân đối tốt hơn công tác thu mua, dự trữ và vận chuyển; hướng tới giảm thiểu những dao động về cung cầu trên thị trường là hết sức cần thiết.
Đáng chú ý, việc có thể tổ chức các hội chợ, phiên chợ cuối tuần theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến sẽ giúp nhà sản xuất tìm kiếm khách hàng, hạn chế chi phí. Và mô hình trực tuyến cũng giúp nhà sản xuất có thể tham gia nhiều điểm chợ cùng lúc theo nhu cầu phát triển thị trường trọng yếu hướng đến.
Huyền Trang