Là tỉnh thuần nông nên tập trung phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Hậu Giang. Chính vì vậy mà tỉnh đã có 175 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 68 sản phẩm 4 sao và đang chờ Nhà nước xem xét 5 sản phẩm được công nhận 5 sao.
Khó hạ tầng, nghẽn chính sách
Tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp-nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP ” diễn ra ngày 22/9, ông Trương Cảnh Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cho biết tuy Nhà nước và địa phương đã có những chính sách cho phát triển du lịch nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP nhưng có điều là hạ tầng giao thông tại địa phương chưa phát triển đến khắp các điểm du lịch. Đây là một trong những lực cản khiến các điểm du lịch nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Không chỉ Hậu Giang mà nhiều địa phương khác cũng cho rằng khó khăn về giao thông, cơ sở hạ tầng chính là yếu tố khiến du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP chưa thực sự rộng mở.
Ông Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM cho rằng nhiều vùng, nhiều địa phương đã thu hút được lượng lớn khách du lịch chỉ nhờ xây xong một cây cầu, hoàn thiện xong một con đường. Chính vì vậy, giao thông nói riêng, cơ sở hạ tầng nói chung rất quan trọng trong đối với du lịch nông nghiệp. Trong khi đa số các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP nằm ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.
Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này không chỉ cần có sự vào cuộc của Nhà nước, các bộ ngành như Bộ NN&PTNT, Bộ VH-TT&DL mà cần có cả Bộ GTVT, sự vào cuộc của các địa phương để thiết kế những quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết, từ đó tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ để thu hút khách du lịch cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP.
Du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP đang giải quyết việc làm cho nhiều người dân, trong đó mở ra cơ hội việc làm cho các bạn trẻ. |
Bên cạnh đó, băn khoăn làm sao để phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP theo hướng bền vững cũng là vấn đề được hầu hết các địa phương và chuyên gia nhắc đến. Chẳng hạn như vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất nông nghiệp vẫn còn khó khăn do quy định pháp luật về kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch của Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định cụ thể về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp phục vụ cho du lịch. Cụ thể hơn là đất du lịch, nông nghiệp cũng chưa được định danh chính thức trong Luật Đất đai năm 2013,p trong khi Luật Đất đai đang trong quá trình sửa đổi nên chưa thực sự tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển du lịch nông nghiệp.
Ông Trương Cảnh Tuyên cho biết mô hình HTX phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP đang được tỉnh tập trung phát triển theo Nghị quyết 20-NQ/TW. Và trong Nghị quyết này, Nhà nước cũng thống nhất là tạo điều kiện và có cơ chế cho các HTX tiếp cận đất đai. Nhưng thực tế đến nay, các HTX đầu tư kho sơ chế, chế biến sản phẩm OCOP vẫn gặp khó khăn. Điều này cho thấy cơ chế chính sách vẫn rất khó đi vào thực tế.
“Nhà nước ban hành chính sách rồi nhưng HTX tiếp cận chính sách rất khó”, ông Trương Cảnh Tuyên chia sẻ và cho rằng các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ TN&MT cần nhanh chóng xem xét về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để chính sách đất đai đi vào thực tiễn thông qua việc cụ thể hóa Nghị quyết 20 và sửa đổi Nghị định 57 về phát triển du lịch nông thôn.
Nâng năng lực nội sinh
Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP có mối liên quan mật thiết và mang lại nhiều giá trị cho nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, yếu tố cốt lõi của du lịch nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP chính là nâng cao thu nhập cho người dân, thành viên HTX. Nông dân, thành viên HTX có thể có nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm địa phương và tạo nên những giá trị cốt lõi thu hút khách du lịch.
Ông Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM, cho rằng sâm Ngọc Linh vốn nổi tiếng về thương hiệu quốc gia, những vùng trồng sâm cũng thu hút nhiều khách du lịch nhưng nếu chỉ bán sâm tươi thì giá trị mang lại rất thấp. Thay vào đó, việc thông qua những cách dùng sâm, những bài thuốc của người dân địa phương như cách ngậm sâm, uống trà sâm… sẽ mang lại giá trị về dinh dưỡng, kinh tế cao hơn. Chính vì vậy, không nên bán thuốc-dược liệu đơn thuần trong quá trình làm du lịch mà nên bán những câu chuyện văn hóa về dược liệu (kể những cách làm thuốc cổ truyền, cách chăm sóc sức khỏe, thực dưỡng bằng dược liệu...) thì giá trị mà người dân, HTX, doanh nghiệp làm du lịch thu được sẽ cao hơn.
Thực tế cho thấy, phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP vẫn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm OCOP có nhiều nhưng chưa có tính đặc trưng cao nên khó tạo điểm nhấn thực sự trong thu hút khách.
Trước thực trạng này, ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty du lịch CBT Travel, cho rằng người dân, thành viên HTX có kinh nghiệm nhưng khó có thể thể tự nghĩ ra và hoàn thiện các dịch vụ trải nghiệm, ứng dụng marketing, xây dựng thương hiệu được mà cần có các doanh nghiệp liên kết để hỗ trợ. CBT Travel đang chú trọng điều này, trong đó có hỗ trợ người dân xây dựng các chương trình du lịch bằng tiếng Anh, tiếng Pháp để mở rộng khách hàng và hướng đến du lịch chuyên nghiệp hơn.
Còn ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), cho rằng người dân, thành viên HTX đã có kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất phong phú, đa dạng các nông đặc sản. Nhưng điều cần làm là tiếp tục nâng cao hơn nữa, bằng cách xây dựng các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu lớn phục vụ xuất khẩu.
“Trong 10.000 sản phẩm OCOP thì cần chọn 1.000 sản phẩm có thể đưa ra thị trường trong nước, xa hơn là quốc tế thì giá trị và thu nhập của người dân mới gia tăng. Bên cạnh đó, cần giúp người nông dân, HTX tạo ra vùng sản xuất có chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch thay vì nghĩ rằng chỉ doanh nghiệp du lịch mới hỗ trợ người dân, HTX tiếp cận với khách du lịch”, ông Liên chia sẻ.
Khẳng định vai trò và mối quan hệ mật thiết giữa du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho rằng cần nâng cao năng lực nội sinh và tính liên kết cho người dân, HTX trong phát triển sản phẩm OCOP bằng việc phân chia từng công đoạn, dịch vụ cụ thể cho mỗi hộ dân, mỗi thành viên HTX để tránh tạo sự trùng lặp trong phát triển dịch vụ, sản phẩm.
Để tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu lại vấn đề đất đai cho HTX, đất làm trang trại. Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng Nghị định làm trang trại, nhưng sẽ có tỷ lệ nhất định để giữ đất nông nghiệp.
Huyền Trang