Dầu Tiếng trước đây được xem là địa phương khó khăn của tỉnh Bình Dương, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy, công tác xoá nghèo ở đây gặp không ít khó khăn.
HTX tích cực tiếp sức
Tuy nhiên, bằng quyết tâm và sự đoàn kết của chính quyền và người dân, nhiều mô hình, điểm sáng về thoát nghèo đã xuất hiện ở Dầu Tiếng trong những năm qua.
Từ các mô hình HTX nông nghiệp hiệu quả đã góp phần giúp người dân Dầu Tiếng thoát nghèo (ảnh:TL) |
Một cuộc khảo sát gần đây ở các hộ nghèo khó khăn nhà ở trên địa bàn 12 xã, thị trấn của huyện cho thấy toàn huyện không còn hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí mới của Tỉnh, cơ bản xóa xong nhà tạm cho hộ chính sách.
Trong hoạt động xoá đói giảm nghèo ở Dầu Tiếng có thể thấy sự đóng góp, tiếp sức tích cực của các mô hình kinh tế HTX.
Điển hình như Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tuyền. Nhiều năm qua, quỹ này là nơi để các tổ chức, hộ cá thể ở các xã Thanh Tuyền, Thanh An, An lập, Long Tân của huyện Dầu Tiếng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Từ cách đây 3 năm, quỹ đã thu hút 3.696 thành viên, số dư tiền gửi đạt 206 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 138 tỷ đồng. Ông Mai Thanh Long, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tuyền, cho biết: Để phát huy hiệu quả vai trò hoạt động của mình, quỹ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo…
Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã phát triển các loại hình HTX sản xuất nông nghiệp mà bà con nông dân đang rất cần, mỗi HTX có trên 70 xã viên.
Trong đó, có thể kể đến một số HTX mới chỉ thành lập cách đây 3 năm, như: HTX Lộc Phát, HTX nông nghiệp Dịch vụ - Thương mại Minh Hòa Phát, HTX thu mua mủ cao su Định Hiệp...Với quy mô và tính khả thi thì trong tương lai gần sẽ là những HTX hoạt động hiệu quả.
Hoặc như HTX bò sữa Long Tân ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng thành lập từ cách đây 7 năm đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và làm giàu. Đến nay, HTX có 50 hội viên và trên 500 con bò sữa
Điểm sáng thoát nghèo
Trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần phát triển kinh tế, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn của huyện.
Điển hình như: Trang trại sản xuất phôi nấm Tấn Hưng của Hội viên Nông dân Nguyễn Thị Minh Tấn, xã Long Hòa; Trang trại chăn nuôi gà lạnh gắn với mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp của ông Tống Văn Hướng, xã Minh Hòa; Mô hình nuôi chim Yến gắn với thu mua mủ cao su, chăn nuôi bò sữa của bà Vũ Thị Tuất, xã Minh Tân; Mô hình trồng bưởi da xanh xen canh cây thơm của bà Hà Thị Thu Vân, ấp Lò Gạch, xã Minh Thạnh,...
Hệ thống thu hoạch chuối cấy mô ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng (ảnh:TL) |
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho địa phương, những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong huyện còn tạo việc làm ổn định cho gần 3.260 lao động. Đặc biệt, qua phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp 66 hội viên nông dân thoát nghèo.
Toàn huyện Dầu Tiếng hiện có 215 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ước tổng đàn gia súc là trên 106.060 con, đàn gia cầm 2,9 triệu con, có 15 hộ gia đình nuôi các loại động vật hoang dã với 1811 con các loại; diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 116.000m2.
Ngoài ra, toàn huyện còn có 650 ha cây ăn quả, tăng 12%, so với cùng kỳ. Các loại cây ăn quả chủ yếu là măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh. Cùng với đó, huyện đang đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, thực hiện mô hình thâm canh cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Với việc chú trọng phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, phát triển kinh tế HTX và thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Dầu Tiếng đang là điểm sáng về thoát nghèo ở tỉnh Bình Dương hiện nay.
Thanh Loan