Ra Hà Nội họp lần này, ông Nhan mang theo “hành trang” là những mong muốn, kiến nghị và cả những câu chuyện thành, bại của các HTX ở Bình Phước trong suốt thời gian qua. Ông bảo: “Các HTX hiện nay rất cần vốn và nhân lực để có thể trụ vững, tôi mong rằng VCA và các cơ quan chức năng sớm có những hỗ trợ cụ thể để các HTX vượt qua được giai đoạn khó khăn này”.
![]() |
Ông Trần Văn Nhan, Phó chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Bình Phước |
Không riêng gì Bình Phước, các HTX ở cả nước hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
Đúng là khó khăn chung, nhưng với Bình Phước lại có những câu chuyện đặc trưng riêng. Hiện nay, cả tỉnh Bình Phước có khoảng 210 HTX và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp. Riêng năm 2019 đã có 47 HTX nông nghiệp thành lập mới. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì rõ ràng đây là những con số rất ấn tượng.
Tiếng là như vậy, nhưng thực tế thì tỉ lệ các HTX làm ăn chưa hiệu quả vẫn còn khá cao. HTX hoạt động không hiệu quả, trong đó chủ yếu do cơ sở vật chất yếu kém, ít dịch vụ; lợi ích mang lại cho thành viên cũng như việc liên kết các thành viên thiếu chặt chẽ, hoạt động chưa phù hợp với pháp luật về HTX; quy mô các HTX còn nhỏ, năng lực quản trị yếu nên việc thực hiện các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp còn thiên về lợi ích trước mắt.
Trên 50% HTX chưa thực sự đổi mới về tổ chức và hoạt động, phương thức kinh doanh, thiếu liên doanh, liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn không ít HTX trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
Đó là bức tranh chung của các HTX, nhưng nếu đi vào từng lĩnh vực ngành nghề lại có những câu chuyện riêng và khó khăn riêng. Tôi đơn cử như Bình Phước nổi tiếng với cây cao su, tiêu, điều…Nhưng năm nay, các mặt hàng này đều rớt giá, “bán không được, xuất không xong” khiến các HTX này rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Các HTX cao su không thể thu hoạch mủ vì giá cao su giảm sâu, họ không đủ tiền để thuê nhân công. Nhìn những cánh rừng cao su có thể thu hoạch mủ mà phải “đắp chiếu” để đấy chúng tôi rất sốt ruột.
Mấy tháng trước, chúng tôi có thành lập đoàn đi xuống các HTX ở nhiều lĩnh vực khác nhau để tìm hiểu về tình hình thực hiện chỉ thị 06 của Thủ tướng và động viên tinh thần họ, nhìn chung các HTX đều thực hiện rất nghiêm túc. Có điều, họ đang thực sự khó khăn và rất cần sự trợ giúp của Nhà nước cũng như phía VCA.
![]() |
Ông Trần Văn Nhan (Ngoài cùng bên phải) và Lãnh đạo tỉnh Bình Phước trong chuyến thị sát và tổ chức cho các HTX tham quan, học tập kinh nghiệm tại HTX sản xuất, thương mại, dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Tâm Sầu Riêng ở khu phố Phước Bình, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài - ảnh báo Bình Phước. |
Trong hoàn cảnh khó khăn này, theo ông thì cần những “liều thuốc” như thế nào để cho khu vực KTHT, HTX nói chung và Bình Phước nói riêng có thể bật lên, trụ vững?
Tôi cho rằng, trước hết chính các HTX phải tự trang bị cho mình những hành trang để có thể trụ vững và phát triển. Tôi muốn nói ở đây là câu chuyện con người, nguồn nhân lực là điều vô cùng quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào, lãnh đạo các HTX phải là người năng động và tận tâm mới có thể làm tốt được.
Nói đến câu chuyện này mới nhớ, tôi vẫn nhắc anh em ở Liên minh HTX tỉnh là các anh phải “xắn tay áo” xuống với bà con, với các HTX, THT… thì mới hiểu được họ cần gì và mình phải làm gì để hỗ trợ họ. Chứ cứ ngồi văn phòng, đọc báo uống trà rồi gọi điện xuống sẽ không hiểu và không hỗ trợ đúng và trúng được.
Điều thứ hai tôi muốn đề cập là câu chuyện nguồn vốn, hiện nay HTX nào cũng khó khăn và cần vốn. Chúng tôi rất mong phía tỉnh cũng như VCA tìm giải pháp hỗ trợ các HTX vốn vay, nhưng theo tôi thì đã hỗ trợ phải hỗ trợ đến cùng. Ý là nếu nguồn vốn hỗ trợ kiểu “mưa khắp”, mỗi HTX được hỗ trợ vài ba trăm triệu sẽ rất khó để họ vực dậy được, ít nhất cũng phải tỉ đồng trở lên.
Ông bà ta vẫn thường nói “cứu người như cứu hỏa”, các HTX hiện rất cần các chính sách hỗ trợ phải nhanh và thiết thực hơn nữa. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm tìm hiểu và chọn lựa những HTX thực sự khó khăn để hỗ trợ với số vốn đủ để họ có thể trụ vững được.
![]() |
Nhiều cánh rừng cao su ở Bình Phước đang chưa thể thu hoạch mủ do giá đang rớt khiến nhiều HTX trồng cao su gặp khó khăn. |
Nhìn về phía trước, tương lai cho khu vực KTHT, HTX vẫn rất rộng mở, nhất là câu chuyện phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất… Câu chuyện này ở Bình Phước thế nào, thưa ông?
Bên cạnh tranh thủ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, Bình Phước cũng đang đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tự xây mới hoặc nâng cấp cơ sở chế biến theo hướng công nghiệp, hiện đại. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến nhằm tăng dần tỷ trọng xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng hàng sơ chế. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Song song đó, Liên minh HTX tỉnh cũng có nhiều hỗ trợ các HTX như: tư vấn chọn mặt hàng để sản xuất bảo đảm số lượng, chất lượng; tổ chức các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối giao thương…
Đây là điều mà lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Liên minh HTX rất quan tâm, Bình Phước hiện nay số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều trong khi diện tích sản xuất nông lâm nghiệp lại khá lớn. Bởi vậy, chúng tôi cũng đang tập trung vào khâu con người, đào tạo, bồi dưỡng thậm chí là chuyển giao công nghệ để các HTX có thể tự đứng trên đôi chân của mình, cùng phát triển bằng chính những sản phẩm chủ lực của địa phương.
Vậy mục tiêu mà Liên minh HTX Bình Phước hướng tới để bức tranh KTHT, HTX của tỉnh ngày một sáng hơn là gì, thưa ông?
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tư vấn, hỗ trợ phát triển khoảng 60 tổ hợp tác, 120 HTX, 1 liên hiệp HTX. Thành lập thêm 1 quỹ tín dụng nhân dân. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho kinh tế hợp tác xã. Phấn đấu tỷ lệ cán bộ quản lý qua đào tạo đạt 40% đại học; trung cấp, cao đẳng 50% vào năm 2025.
Phấn đấu tỷ lệ đóng góp kinh tế HTX vào GDP của tỉnh đến năm 2025 đạt 2%; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động thường xuyên trong HTX đến cuối năm 2025 đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm.
Câu chuyện giữa PV và ông Nhan dừng lại khi chuông báo giờ giải lao của Hội nghị reo lên. Trước khi kết thúc câu chuyện, ông Nhan nói rằng, ông rất xúc động trước những sự quan tâm của lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam về tình hình phát triển của các HTX cả nước nói chung và của Bình Phước nói riêng. Đặc biệt, trong cuộc Họp, Chủ tịch VCA đã yêu cầu các thành viên VCA đánh giá những hạn chế, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh…để tìm giải pháp tháo gỡ cho khu vực KTHT, HTX. Liên minh HTX Việt Nam sẽ tham mưu với Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương để có chính sách tháo gỡ những khó khăn của khu vực KTHT, HTX…trong giai đoạn này.
Ông nói: “Sự quan tâm đó chắc chắn sẽ là nguồn động viên vô cùng lớn lao đối với các HTX, THT trong lúc này. Bởi hơn ai hết, VCA là người hiểu và luôn sát cánh cùng khu vực KTHT, HTX ở bất cứ hoàn cảnh nào”.
Và có lẽ, hành trang mà ông Nhan quay trở về Bình Phước sẽ là sự lạc quan và một quyết tâm đưa khu vực KTHT, HTX ở Bình Phước sớm trở lại ổn định, tiếp tục trụ vững và phát triển bền vững.
Đức Anh thực hiện