Đây cũng là mục tiêu rất thách thức, nhất là khi dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, thu nhập của người dân. Song việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là rất cần thiết để hỗ trợ người dân những lúc khó khăn.
Vượt mục tiêu đề ra
Chị La Nhàn - thành viên một hợp tác xã nông nghiệp ở Chợ Đồn (Bắc Kạn), cho biết vừa qua khi được tham gia buổi tuyên truyền về chính sách BHYT hộ gia đình. Chị mới thấy rõ lợi ích. Theo đó, dù kinh tế gia đình còn khó khăn, song chị quyết định mua BHYT cho cả gia đình gồm 6 người với nhiều hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Thu hút 10% dân số còn lại tham gia bảo hiểm y tế là mục tiêu đầy thách thức. |
"Việc tham gia BHYT sẽ giúp cho cả gia đình tôi yên tâm, nếu không may xảy ra ốm đau gì sẽ được Quỹ BHYT hỗ trợ phần lớn kinh tế, không còn cảnh chạy vạy, bán tài sản để điều trị như đã từng xảy ra", chị Nhàn cho biết.
Thống kê cho thấy, đến năm 2020, toàn quốc số người tham gia BHYT đã đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số - vượt 10,85% chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (Nghị quyết 68) của Quốc hội nêu rõ: “Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT” và chỉ tiêu này đã hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định. Đặc biệt, năm 2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, đạt 90,85% dân số tham gia BHYT, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra.
Về quản lý thu, chi quỹ, đến năm 2020, chênh lệch thu và chi quỹ BHYT là dương 5.071 tỷ đồng do công tác kiểm soát thu, chi BHYT được tăng cường. Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 68, có 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần. Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội của Quốc hội và Chính phủ cũng như chính quyền địa phương, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính.
Mặc dù số người tham gia BHYT vượt xa so với Nghị quyết số 68, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục và nỗ lực hơn nữa trong việc thu hút khoảng 10% dân số còn lại chưa tham gia BHYT, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19...
Đẩy mạnh phát triển BHYT hộ gia đình
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, việc người tham gia BHYT và độ bao phủ đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là nỗ lực lớn, song thực tế đa phần đối tượng đóng BHYT hiện nay đều do Nhà nước hỗ trợ. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sử dụng lao động và người lao động đóng theo quy định pháp luật mới chỉ ở khu vực chính thức, trong khi đó lao động nằm ở khu vực phi chính thức chưa tham gia BHYT nhiều. Một bộ phận người dân chỉ khi có bệnh mới tham gia BHYT.
Đáng chú ý, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên một số doanh nghiệp phải tạm dừng hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động dẫn đến người lao động không được tham gia BHYT. Một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất, người lao động không có việc làm nên số nợ BHYT tăng cao so với năm 2019.
Trước thực tế trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình hiện mới đạt độ bao phủ là 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia.
Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, người lao động không có việc làm dẫn đến tình trạng chậm đóng, nợ đóng BHYT cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT theo hộ gia đình...
"Mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn tới có nhiều thách thức hơn, nếu không có những giải pháp căn cơ hoặc thậm chí đột phá hơn thì sẽ có khó khăn hơn", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Theo đó, thời gian tới ngành BHXH sẽ tập trung vào đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức để thu hút tham gia BHYT, đồng thời tập trung vào BHYT hộ gia đình cho thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân ở vùng nông thôn, vùng khó khăn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý: Ngành BHXH cần tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68 để thấy được toàn diện kết quả, hạn chế, nguyên nhân sau 8 năm thực hiện, trong đó quan tâm đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa thực hiện được.
Trên cơ sở bối cảnh mới của đất nước, Chính phủ có kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về phát triển BHYT cho giai đoạn tới một cách khoa học, toàn diện, bền vững, hiệu quả và khả thi; sớm trình Quốc hội dự án Luật BHYT sửa đổi, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, thể chế hóa các nhiệm vụ đặt ra để đạt mục tiêu về chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Thy Lê