Việc đưa hàng, bán hàng lên các sàn thương mại điện tử, trang mạng đã được nhiều HTX quan tâm và thực hiện. Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng thu được hiệu quả như mong đợi bởi muốn bán được hàng thông qua hình thức online, HTX còn cần nhiều yếu tố.
Thiếu tương tác, nhiều rủi ro
HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Yên Lạc (Thanh Hóa) đã thực hiện bán hàng online nhưng theo các thành viên, lượng hàng bán qua hình thức này vẫn còn khiêm tốn. Nhiều bài và nhiều sàn thương mại, trang mạng, được HTX ứng dụng bán hàng nhưng tương tác rất ít.
Ông Nghiêm Xuân Dưng, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ Hòa Phát (Đắk Nông), cho biết sầu riêng của HTX sản xuất nếu đưa lên sàn thương mại điện tử gặp khó khăn là phải tiêu thụ ngay. Nếu hàng bị tồn kho sẽ hỏng, không bảo đảm chất lượng. Trong khi HTX chưa đầu tư được công nghệ cấp đông, chế biến, chưa liên kết được với doanh nghiệp nên bán hàng online đối với HTX mới chỉ dừng lại là một kênh trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, phục vụ khách tìm hiểu về sản phẩm cũng như so sánh giá cả.
Dù đã tiếp cận với bán hàng online nhưng tỷ lệ hàng hóa bán theo hình thức này của các HTX vẫn chưa cao. Điều này được các chuyên gia lý giải là vì mối liên kết giữa HTX với các sàn thương mại điện tử vẫn chưa chặt chẽ. Đặc biệt, khi đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử, HTX cũng chịu sự phụ thuộc nhất định vào đơn vị lưu trữ hàng hóa, làm sao bảo đảm mức chiết khấu phù hợp cho người mua.
Cần hỗ trợ HTX để họ trở thành những nhà bán hàng thực thụ trên các nền tảng thương mại điện tử. |
Thạc sỹ Nguyễn Phi Hiệp, Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam cho biết nhiều HTX rất muốn bán hàng hiệu quả trên sàn thương mại điện tử nhưng họ lại ít kiến thức về công nghệ. Nhiều người muốn được nâng cao kỹ năng từ cách chụp ảnh, bán hàng, tương tác với khách hàng… nhưng không biết học từ đâu. Đó là lý do dẫn tới phần lớn nông sản vẫn tiêu thụ theo cách truyền thống.
Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử là bên trung gian kết nối HTX với khách hàng. Do đó, khi HTX bán hàng trên các trang thương mại điện tử thì cũng đồng nghĩa với việc HTX phải lệ thuộc vào các sàn, đặc biệt là công nghệ, trong khi đây vẫn đang là yếu thế của không ít HTX. Nhất là khi các sàn tổ chức các chương trình sale lớn, lượng khách truy cập ồ ạt khiến các trang thương mại điện tử bị sập, bị lỗi… Việc này có thể khiến người mua không vào gian hàng của HTX dẫn đến hiệu quả bán hàng thấp.
Dù thương mại điện tử ở Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhưng thực tế hiện nay cho thấy, nông sản được bán trên sàn thương mại điện tử có phần đang chững lại.
Đặc biệt do sự cạnh tranh gay gắt giữa các sàn thương mại điện tử với các chính sách chặt chẽ, pháp lý phức tạp nên dù bán hàng trên các sàn là xu hướng không thể bỏ qua trong thời đại 4.0 nhưng cũng là những điều không hề dễ dàng với các HTX.
Thống kê trong năm 2023 cho thấy, đã có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường, trong đó có không ít nhà bán hàng là các HTX.
Bán hàng theo hướng hiện đại
Khảo sát của Ngân hàng Thế giới, cho thấy 60% nông dân, HTX Việt Nam sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ tư vấn và thông tin dự báo. Điều này cho thấy, tinh thần học hỏi, nâng cao kỹ năng chuyển đổi số luôn sẵn sàng trong các HTX. Nếu được tiếp cận các cơ sở đào tạo, tập huấn và nếu được kết nối với các sàn thương mại, các nền tảng xã hội, HTX sẽ nâng cao được năng lực, giải quyết được những khúc mắc trong bán hàng online.
TS. Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cho rằng nông dân, HTX vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận các công cụ và dịch vụ hỗ trợ để đầu tư vào bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Ngay như về con người, nhiều HTX đang gặp nhiều hạn chế trong việc tuyển dụng nhân sự với các kỹ năng chuyển đổi số, bán hàng thông thạo bằng công nghệ và giữ chân các nhân sự trong thời gian dài.
Ngoài ra, nông dân còn hạn chế về năng lực sử dụng công nghệ, áp dụng các chính sách của sàn thương mại trong bán hàng. Chính vì vậy cần có nhiều chính sách hấp dẫn hơn nữa để HTX đẩy mạnh bán hàng, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng công nghệ thông tin luôn phát triển, chính vì vậy, nông dân, HTX muốn kinh doanh hiệu quả trên các nền tảng thương mại điện tử thì cần giúp họ chủ động trong vận hành các gian hàng trên các sàn thương mại. Và một trong những giải pháp thiết thực là tận dụng hệ thống đoàn viên, thanh niên trong việc hỗ trợ HTX, nông dân tiếp cận với các nền tảng thương mại, công nghệ.
Tuy nhiên, thay vì tiếp cận các nền tảng thương mại theo hướng truyền thống đó là đưa sản phẩm lên sàn, tạo gian hàng và chờ đợi khách hàng mua thì các chuyên gia cho rằng cần tiếp cận các sàn bằng hình thức hiện đại, hợp xu thế hơn đó là tối ưu hóa sự tương tác giữa HTX và người tiêu dùng bằng cách tận dụng sự hiểu biết của những người có kiến thức về nền tảng số, có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Ngoài ra, để tăng sự tương tác trên nền tảng thương mại điện tử, việc đào tạo nông dân, thành viên HTX về cách tiếp cận khách hàng sẽ thúc đẩy nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng.
Như tại Đài Loan (Trung Quốc), để nông dân, HTX bán hàng online hiệu quả, ngành nông nghiệp đã thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tập hợp, đào tạo cho các bà mẹ, những nông dân sống ở các vùng nông thôn kiến thức về dinh dưỡng, nghệ thuật chế biến món ăn, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, cách làm video, marketing, các ứng dụng AI, cách tăng tương tác với khách hàng trên nền tảng số và tiến hành thi cấp chứng nhận khi khóa học kết thúc.
Chính sách này đã tạo ra lực lượng “sale số” mạnh mẽ, hỗ trợ đắc lực cho nông dân, HTX tại các địa phương chuyển mình khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Huyền Trang