Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp ong núi Ba Vì (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) Đinh Văn Sơn cho biết, hiện nay quy trình quản lý của đơn vị vẫn chủ yếu thông qua sổ sách ghi chép bằng tay. Sản phẩm mật ong của HTX đã được UBND TP Hà Nội chứng nhận 4 sao OCOP nhưng hiện vẫn đang hoàn thiện quy trình cấp mã truy xuất nguồn gốc.
“Mỗi cây, mỗi hoa”
“Do mới thành lập nên việc quản trị vận hành với HTX còn rất nhiều mới mẻ. Chúng tôi đang từng bước nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm mật ong, để từng bước chuyển đổi sang quản lý sản xuất, tiêu thụ bằng công nghệ thiết bị” - ông Đinh Văn Sơn cho hay.
Việc chuyển đối số là tất yếu, song các HTX thừa nhận còn nhiều khó khăn trước mắt, đòi hỏi các cấp, ngành cần hỗ trợ sát hơn nữa. |
Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) cũng gặp không ít khó khăn trong chuyển đổi số. Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX cho hay: “HTX hiện có 173 thành viên, khách hàng có trên 932 hộ. Trong đó, trên 600 hộ đang sản xuất nông nghiệp và canh tác chuyên canh cây củ cải trắng và các chủng loại rau màu khác. Hàng năm, HTX cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 20% rau củ quả các loại, còn lại là các tỉnh bạn”.
Tiếng là một HTX lớn trong khu vực, nhưng khi nói về câu chuyện chuyển đổi số, ông Đua thừa nhận là còn chưa được như mong đợi. Một trong những lý do được ông Đua đưa ra là trong HTX có nhiều thành viên cao tuổi, do đó việc sử dụng thiết bị di động để quản lý sản xuất ít nhiều gặp khó khăn.
Thực tế, những khó khăn trong việc chuyển đổi số ở khu vực HTX như HTX chăn nuôi ong Ba Vì, hay HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao đang xảy ra ở hầu hết các HTX hiện nay. Mỗi HTX có những lý do riêng, mặc dù đa phần, các HTX đều đã có nhận thức việc chuyển đổi số sẽ giúp HTX phát triển và phù hợp xu thế, tuy nhiên “lực bất tòng tâm”, nhiều khi yếu tố khách quan khiến cho mong muốn đó bị ảnh hưởng ít nhiều.
Theo tìm hiểu của Vnbusiness, một trong những điểm yếu của nhiều HTX hiện nay là năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất, tiêu thụ là rào cản hiện nay đối với các HTX truyền thống. Trong khi đối với các HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và nhóm “HTX trẻ” thì thuận lợi hơn rất nhiều.
Cần thêm cơ chế cho chuyển đổi số
Trong bối cảnh đó, thời gian qua Liên minh HTX TP. Hà Nội đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các HTX trên địa bàn tiếp cận công nghệ, phát triển thương mại điện tử…
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Đỗ Huy Chiến chia sẻ, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại hiệu quả cho các hợp tác xã thành viên. Trong đó có tư vấn, kết nối và hỗ trợ xúc tiến thương mại bằng việc tận dụng các thành tựu công nghệ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp thành viên trên toàn thành phố... Qua đó, giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp từng bước đổi mới tư duy, nhận thức trong quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm phục vụ thị trường.
“Từ việc chuyển đổi số, nhiều hợp tác xã đã đạt được những thỏa thuận, ký kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm với các doanh nghiệp trên cả nước với hàng trăm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Các hợp đồng trên cung cấp thịt, cá, rau, củ, quả các loại, các sản phẩm thực phẩm chế biến an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng tới các đại lý phân phối, các nhà hàng, bếp ăn tập thể, các hệ thống siêu thị như: Saigon Coop, Lotte, Winmart và các bếp ăn khu công nghiệp...”, ông Chiến nói.
Liên minh HTX TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã có Kế hoạch số 08/KH-UBND để hỗ trợ chuyển đổi số cho khu vực sản xuất nông nghiệp, HTX... Hiện, Liên minh HTX đang phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tư vấn, hướng dẫn các chủ thể đưa sản phẩm lên Postmart.vn hoàn toàn miễn phí.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, các cơ chế chính sách hỗ trợ khu vực KTTT, HTX trong chuyển đổi số vẫn còn nhiều việc phải làm. Nói đúng ra, hiện nay vẫn chưa có hỗ trợ trực tiếp nào dành cho các HTX trong quá trình chuyển đổi số.
Các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ HTX tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn còn khá hạn chế. Điều này khiến công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng chưa đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyên rằng, các HTX cần khẩn trương, kiên trì, liên tục kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo, chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ của chính những chủ thể kinh doanh để tạo nên đột phá trong kinh doanh, sản xuất.
TS Đào Trọng Hiếu - Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để chuyển đổi số thành công, vấn đề cốt lõi là thay đổi nhận thức của các thành viên trong hệ thống Liên minh HTX. Bởi, theo ông chỉ cần các HTX nhìn nhận đúng vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tự khắc sẽ có sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Khi đó công cuộc chuyển đổi số mới mong đạt được kỳ vọng.
Còn ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số-Bộ Công thương khẳng định: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới đã tác động đến đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực và đang phát huy được những ưu thế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Đây là cơ hội tốt thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp, HTX từ cấp Trung ương đến địa phương.
Đức Anh