Đánh giá từ hai năm nay dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, khu vực kinh tế HTX đã có những thay đổi nhằm thích ứng trong bối cảnh mới như: đẩy mạnh hoạt động liên quan đến công nghệ, chuyển đổi số trong thương mại...
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững. |
Người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều HTX cũng đã có xu hướng phục hồi như: Các HTX sản xuất các sản phẩm đảm bảo an toàn VietGAP, GlobalGAP vẫn tiếp tục duy trì chuỗi liên kết và phục hồi tương đối nhanh so với trước tháng 8. Hay như các HTX hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá cũng đang dần phục hồi.
Tuy nhiên, cũng như các khu vực kinh tế khác, vấn đề trước mắt hiện nay đối với nền kinh tế nói chung và khu vực HTX nói riêng đó là thu nhập và việc làm.
Cụ thể, 90% các HTX giảm doanh thu ở mức 32%, thu nhập người lao động trên địa bàn HTX giảm 25%, lĩnh vực phi nông nghiệp giảm 78%... Cùng với đó, khoảng 51,4% lao động tạm dừng việc làm, hoặc việc làm chưa đầy đủ so với trước dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, các HTX tiếp tục đối mặt với những khó khăn như: Chi phí sản xuất đầu vào như giá cước, phân bón, vật tư nông nghiệp tăng tới 41%, cước vận tải tăng trên 32% và các chi phí sản xuất khác cũng tăng lên.
Khó khăn thứ 2 là đối với HTX nông nghiệp, do sức cầu giảm nên giá bán giảm, khiến doanh thu giảm, từ đó dẫn đến các chi phí tăng, chưa có khả năng trả nợ ngân hàng. Các HTX liên quan đến công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng chịu tác động từ chuỗi cung ứng của thị trường dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP hiện nay, các đơn hàng mới giảm tới 50%.
Hoạt động ở một số lĩnh vực khác cũng đang gặp khó khăn như: Vận tải hành khách chưa phục hồi rõ nét, lĩnh vực du lịch phục hồi chậm. Hoạt động xây dựng do sức cạnh tranh yếu nên đang hoạt động cầm chừng. Các Quỹ tín dụng nhân dân có doanh thu, dư nợ khách hàng giảm và giải ngân cho vay địa bàn nông thôn khó khăn do hấp thụ vốn khó khăn...
Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã được Chính phủ ban hành như: Nghị Quyết 68, 175, 128... và các HTX cũng là đối tượng đuợc thụ hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, các HTX tác động của chính sách đến khu vực HTX còn rất hạn chế, chủ yếu mới dừng lại ở tạm thời không đóng quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ tử tuất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... Trong khi đó, việc tiếp cận với hỗ trợ từ ngân hàng chính sách vẫn còn hạn chế.
“Trong một số chính sách của các bộ ngành chưa quy định rõ đối tượng HTX , thành viên HTX nên vướng mắc khi về các địa phương thực hiện, thậm chí một số bộ, ngành còn bỏ quên chính sách hỗ trợ HTX”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Mặc dù đại dịch Covid-19 tác động bất lợi, nhưng trong năm 2021 khu vực kinh tế tập thể vẫn thành lập thêm khoảng gần 1.500 HTX, trên 12 liên hiệp HTX. Tính đến nay, có trên 8 triệu thành viên và gần 28 nghìn HTX.
Để phục hồi và hỗ trợ các HTX phát triển, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đề nghị, cần có chế cơ phù hợp để các HTX tiếp cận vốn. Chẳng hạn như mở rộng cho vay tín chấp đối với các HTX, hộ nông dân địa bàn nông thôn tăng thêm khoảng 3 lần so với quy định hiện nay, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các HTX.
Các HTX sản xuất các sản phẩm đảm bảo an toàn VietGAP, GlobalGAP vẫn tiếp tục duy trì chuỗi liên kết và phục hồi tương đối nhanh so với trước tháng 8. |
Bên cạnh đó, có cơ chế để thành lập tín dụng nội bộ HTX. “Hiện nay có nhiều HTX dư vốn để hỗ trợ thành viên, nhưng do chưa có cơ chế nên các HTX này chưa thể triển khai hỗ trợ các thành viên. Cùng với đó cần cho phép các Quỹ tín dụng nhân dân cho vay ngoài thành viên ở địa bàn nông thôn”, ông Bảo nhấn mạnh.
Về vấn đề tài khoá, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị, trong gói hỗ trợ về thuế cần tăng thời gian miễn thuế từ 3-5 năm cho các HTX. Theo ông, hiện nay mức thuế các HTX đóng rất thấp, nhưng sẽ kích thích, có tính lan toả mạnh đối với sự phát triển của HTX. Hay như chính sách hỗ trợ thuế thu nhập cá nhân đối với các thành viên góp vốn cũng tạo điều kiện cho các HTX huy động và kích thích các thành viên tham gia góp vốn sản xuất...
Giải pháp cuối cùng được Chủ tịch Liên minh HTX đưa ra là việc giảm chi phí sản xuất. "Đề nghị các bộ ngành chức năng rà soát lại chính sách để giảm chi phí sản xuất như: giống, thức ăn gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu... tiếp tục giảm. Đồng thời, ổn định thị trường bất động sản, bởi hiện nay việc giao đất để sản xuất, hay xây dựng trụ sở của HTX cũng đang gặp nhiều khó khăn do biến động về thị trường bất động sản", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Thanh Hoa