Nhiều điểm sáng
HTX nông nghiệp Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh là đơn vị có bề dày truyền thống trong phong trào sản xuất nông nghiệp. Năm 2000, HTX Hợp Tiến vinh dự được Chủ Tịch nước Trần Đức Lương phong danh hiệu Anh hùng lao động. Năm 2015, HTX Hợp Tiến chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, củng cố và tổ chức lại bộ máy, hoạch định nhiều kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới.
Người lao động của HTX Hợp Tiến triển khai dịch vụ sấy thóc tươi cho các thành viên (Ảnh:Phạm Duy) |
Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, Hợp Tiến hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực và luôn đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu của HTX. Cùng với việc dồn điền đổi thửa, HTX đã xây dựng phương án để thuê lại diện tích đất canh tác của các hộ không còn lao động, tạo ra ô thửa lớn.
Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, Hợp Tiến lựa chọn những hộ nông dân có điều kiện để tổ chức sản xuất với diện tích lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng. Sau 8 năm thực hiện thành công với 11ha ban đầu, đến nay HTX đang thuê 50ha đất hai lúa và tổ chức sản xuất với thửa ruộng từ 1ha trở lên. Việc sản xuất với quy mô lớn giúp HTX dễ dàng áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Ngoài diện tích trồng lúa thương phẩm chất lượng cao, HTX còn mở rộng diện tích trồng rau màu, tìm kiếm hợp đồng bao tiêu nông sản với các công ty chế biến. Nhờ đó, doanh thu của HTX duy trì từ 5 đến 6 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân các thành viên hơn 4 triệu đồng/tháng.
HTX nông nghiệp Liên Dương, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi, tạo được chỗ dựa vững chắc cho thành viên. Theo đó, HTX đã tập trung vào chuyển đổi cây trồng, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm.
Ông Bùi Văn Lương, Giám đốc HTX Liên Dương cho biết, từ khi chuyển đổi mô hình, HTX tập trung thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, chuyển đổi đất trồng cây rau màu truyền thống sang các giống cây có thị trường tiêu thụ lớn như: củ cải Hàn Quốc, khoai tây Mỹ, ớt xuất khẩu; chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng.
HTX còn đứng ra ký kết với doanh nghiệp, giúp thành viên yên tâm mở rộng diện tích trồng cây rau màu, bởi ổn định về giá cả và đầu ra sản phẩm. Liên kết sản xuất, mở rộng diện tích, hàng trăm thành viên của HTX đã nâng cao thu nhập, góp phần tích cực vào phong trào xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX
Tỉnh Ninh Bình hiện có 394 HTX, trong đó có 299 HTX lĩnh vực nông nghiệp, 56 HTX phi nông nghiệp, 39 quỹ tín dụng nhân dân với hơn 330.000 thành viên, ngoài ra Ninh Bình còn có 439 THT với 2.705 thành viên. Dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ, hướng dẫn của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, những năm qua nhiều HTX đã tập trung củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng phát huy năng lực, nâng cao hiệu quả, tạo nên sức mạnh tập thể trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao doanh thu, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên.
HTX Liên Dương là đơn vị tiêu biểu trong chuyển đổi và nâng cao chất lượng, diện tích cây trồng (Ảnh: Phạm Duy) |
Nhiều HTX đã xuất hiện các mô hình tiên tiến, hỗ trợ và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, hình thành mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là làm cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa, rau màu thương phẩm; mô hình tưới nước tiết kiệm, sản xuất rau an toàn…đã thích nghi với điều kiện thực tế ở địa phương. Qua đó, giúp các thành viên thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất cũ để từ đó chủ động, phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc liên kết lại với nhau trong sản xuất, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Thông qua các mô hình, chương trình hỗ trợ phát triển HTX, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã tạo điều kiện cho các HTX đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm.
Có thể nói, đổi mới mô hình HTX đã và đang từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là các HTX hoạt động ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ đó đã hình thành được một số mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy KTHT ở địa phương ngày càng phát triển.
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết, để đề án đổi mới, phát triển của các HTX đạt hiệu quả cao, cần tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực thúc đẩy KTHT, phát triển và nâng cao hiệu quả của HTX có sức cạnh tranh cao.
Tỉnh Ninh Bình đang đẩy mạnh phát triển HTX theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện và hỗ trợ nguồn vốn cho các HTX đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, lựa chọn các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, thành lập mạng lưới liên kết các HTX và tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong các HTX.
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các HTX nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh việc liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhằm nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Phương Nam